'Cởi trói' cho con dấu
Trên thực tế, con dấu từ khi ra đời đã được luật hóa như một tài sản tối quan trọng của mỗi doanh nghiệp (DN). Ở nó có giá trị pháp lý, có lằn ranh để phân biệt trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân công ty đó. Nhưng sự cứng nhắc, áp đặt trong quản lý đã biến con dấu trở thành một rào cản trói tay, làm tê liệt các DN.
Muốn khắc dấu thì phải đi xin. Phải xin từ mẫu chữ, màu mực; rồi phải chen nhau xếp hàng, thậm chí phải có cả phí “bôi trơn” để tránh bị hành giấy tờ này, thủ tục nọ.
Con dấu vốn chỉ là khúc gỗ nhưng nó ăn mòn chi phí của DN. Bởi phí để được cấp và lưu hành nó từ 380.000 đồng/con đến 1,5 triệu đồng/con (tùy chất liệu). Với khoảng hơn 400.000 DN hiện đang hoạt động, số tiền đó lên tới hàng trăm tỉ đồng. Chưa hết, cứ 5 năm dù mới hay cũ, DN đều phải thay con dấu khác. Mỗi năm bình quân vài chục nghìn DN phải làm lại con dấu, chi phí ước tính nhiều chục tỉ đồng.
Vì tất cả hệ lụy đó nên rất nhiều nước trên thế giới đã bỏ con dấu DN từ hàng chục năm trước. Các tập đoàn, DN lớn nổi tiếng của thế giới hiện chỉ giao dịch bằng chữ ký và không hề có con dấu.
Khi vai trò, sự tồn tại của con dấu chỉ gây nên lãng phí, kém hiệu quả, rủi ro thì nên mạnh dạn xóa bỏ. Thay vào đó, cần luật chữ ký, chữ ký số, như thế giới đang áp dụng. Bỏ con dấu đi cũng không ảnh hưởng gì đến quản lý nhà nước bởi với Cổng đăng ký kinh doanh qua mạng hiện nay, tất cả DN, thông tin từ trụ sở, người đại diện, vốn điều lệ… được công khai, minh bạch. Mỗi DN đều được sử dụng hệ thống đó và có nghĩa vụ khi thay đổi người đại diện phải đăng ký, thông báo, giúp cho việc xác minh, kiểm chứng thuận lợi. Còn nếu đã thay đổi nhưng không đăng ký, cơ quan quản lý sẽ không xử lý hồ sơ cho DN. Như vậy vừa có thể giám sát, vừa nâng thêm khả năng hậu kiểm của các cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh.
Không có con dấu, tự thân mỗi lãnh đạo DN phải tạo thói quen kiểm tra lẫn nhau bằng cách liên hệ trực tiếp xem đối tác giao dịch là ai, có thẩm quyền như thế nào, vào hệ thống xem chữ ký có được bảo chứng không. Đó là tập quán và là sự an toàn cao nhất như thông lệ thế giới hiện nay, chứ không phải cứ chăm chăm vào con dấu, vốn rất dễ bị làm giả.
Mới đây trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án luật DN (sửa đổi) được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nêu quan điểm không bắt buộc DN sử dụng con dấu, chỉ coi con dấu là biểu trưng của DN, đó là một tư duy cởi mở.
Chính phủ đang đột phá trong cải cách thủ tục, hỗ trợ DN, thiết nghĩ rất nên đột phá từ các thủ tục về con dấu, tạo ra sự thông thoáng, thuận lợi cho DN hoạt động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo