Góc nhìn

“Đánh giá người được lấy tín nhiệm phải toàn diện“

ĐBQH có rất nhiều kênh để đánh giá người được lấy tín nhiệm, trong đó có sự quan sát của chính cá nhân đại biểu

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)

Trong tuần này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

 
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng so với lần lấy phiếu trước, lần này đã có nhiều chuyển biến, thay đổi rõ nét. Rõ nét nhất là Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo và Thống đốc Ngân hàng. Ở lần lấy phiếu này, ngành Ngân hàng có rất nhiều tiến bộ: giữ được tỷ giá đồng Việt Nam, giá vàng ổn định, lãi suất vay cho các doanh nghiệp đã hạ; thu hút được tín dụng. Hay vấn đề nợ xấu bước đầu đã có xử lý dù còn hạn chế.
 
Trước thềm lần lấy phiếu tín nhiệm cuối tuần này, đọc báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến, ông thấy có tiến bộ hơn lần trước không?
 
ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Các vị được lấy phiếu tín nhiệm lần này đã có những bản nhận xét về lĩnh vực công tác của mình, chỉ ra những mặt đã làm được nhưng cũng nhận cả những việc chưa làm được, thể hiện sự nhận trách nhiệm về mình rõ ràng hơn. 
 
Thưa ông, ngoài báo cáo của những người được lấy tín nhiệm, còn có thêm kênh nào để đại biểu Quốc hội đánh giá?
 
ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Tất nhiên là còn nhiều kênh. Ngoài báo cáo của các đại biểu được lấy tín nhiệm, các ĐBQH cũng như bản thân tôi phải nghe ý kiến của cử tri, ý kiến của các bộ, ngành gần với bộ ngành lấy tín nhiệm; cuối cùng là sự quan sát của bản thân để đánh giá người đó chỉ đạo điều hành công việc như thế nào.
 
Ví dụ như vừa rồi Bộ trưởng Đinh La Thăng rất quyết liệt trong việc xử lý ngay tại hiện trường; những nơi khó khăn thì có mặt tức thời, đấy là những việc bản thân tôi thấy. Tất nhiên có những việc không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết được như lĩnh vực y tế, giáo dục là những  lĩnh vực rất lớn, diễn ra nhiều năm, nay yêu cầu sửa ngay thì khó.
 
Bên cạnh đó còn phải xem cơ chế chính sách, xem người đứng đầu, tư lệnh ngành có được xử lý cấp dưới không. Ví như việc đã cấm học thêm, dạy thêm nhưng thực tế vẫn diễn ra mặc dù những tư lệnh ngành không hề muốn; cũng như không bộ trưởng nào muốn xảy ra việc tiêm vaccine gây chết người.
 
Nên ta phải đánh giá khách quan, cái khó cho người đứng đầu là cơ chế chính sách chưa đồng bộ. Tôi là Bộ trưởng nhưng đâu được phép cách chức cán bộ ngay, mà quy trình thủ tục để cho nghỉ việc còn rất vướng.
 
Những báo cáo, thông thường giống như những bản kiểm điểm, liệu có thể là nguồn thông tin tin cậy?
 
ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Quan trọng chứ. Những bản báo cáo nào làm một cách khách sáo đại biểu đọc biết ngay. Kể cả những bản do văn phòng soạn thảo mà không đọc lại các đại biểu phát hiện ra lỗi ngay. Ví như có một số câu văn phong phải là nam giới kiểm điểm thì lại là nữ.
 
Tất cả những báo cáo không thực tế, nhận khuyết điểm chung chung đều bị đại biểu cho điểm thấp. Tất nhiên cũng có những việc chưa nói thẳng được hoàn toàn, có những điểm phải nhận trách nhiệm về mình nhưng không thể chung chung. Không thể thành tích thì nhận về mình, khuyết điểm là của tập thể. 
 
Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo