“Doanh nghiệp khiếp sợ… giải thưởng”: Thiệt hại không chỉ là tiền
“Doanh nghiệp (DN) tham gia giải phải chi có khi tới cả trăm triệu đồng thì thử hỏi những giải thưởng theo kiểu chộp giật sẽ thu được bao nhiêu tiền?! Nhưng cái thiệt hại từ các giải thưởng đó không chỉ đơn thuần là tiền…” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A đánh giá như vậy về tình trạng "giải thưởng bủa vây doanh nghiệp"
Đứng ở góc độ kinh tế, ông đánh giá như thế nào về tình trạng “thương mại hóa” và loạn các giải thưởng bình chọn đối với các DN hiện nay?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A.
- Tình trạng thương mại hóa và giả danh các giải thưởng uy tín, các loại bình chọn DN hiện nay có thể coi là một hành vi sai trái hủy hoại nền kinh tế. Bởi nó đã tạo ra một “thang giá trị rởm” cho xã hội và toàn bộ nền kinh tế, mà ở đó, DN chính là xương sống.
Tôi xin khẳng định đó là tội lớn lắm. Tại sao ư? Một phần trong các chính sách cần có để có thể thúc đẩy nền kinh tế là phải làm cho người dân tin, nhưng với những “giá trị rởm” của DN đang được người ta dựng lên bằng những giải thưởng, bình chọn không thực chất, người dân sẽ không biết đâu mà lần.
Trong khi sự tin cậy lẽ ra phải được “chắt chiu” từng tí một. Kinh tế đất nước có phát triển được hay không chính là ở sự tin tưởng này: Người dân tin vào DN, tin vào các tổ chức, tin vào Nhà nước…
Đây có phải là lý do mà các DN của Việt Nam cứ “bé mãi không chịu lớn” và sức cạnh tranh của nền kinh tế, DN cứ ì ạch như hiện nay, thưa ông?
- Chính xác, nó là một phần nguyên nhân. Bây giờ ra đường hỏi một người dân có tin vào hàng hóa của một DN nào đó đạt không phải 1 mà mấy giải thưởng thì người ta sẽ trả lời ra sao? Từ đó có thể hình dung được con đường phát triển của DN, của nền kinh tế. Và tôi tin, với cách làm ăn chộp giật, mượn danh như nhiều đơn vị thực hiện các lễ trao giải thưởng như hiện nay, người dân sẽ không còn niềm tin vào DN. Bản thân DN mua giải cũng chỉ ăn xổi ở thì chứ không làm ăn được gì cả.
Thế nên trong các cuộc bình chọn của thế giới về uy tín DN, muốn hay không muốn thì Việt Nam vẫn xếp hạng thấp. DN và hàng hóa của Việt Nam dù xuất khẩu nhất nhì thế giới cũng không có danh tiếng. Trong nước thì người dân buộc phải sử dụng những hàng hóa kém chất lượng mà không có sự lựa chọn và 90% DN của Việt Nam vẫn cứ nhỏ bé, không thể làm ăn lớn… Đây là một thiệt thòi quá lớn cho nền kinh tế.
Các DN hiện cũng đã phần nào nhận thức ra điều này, nhưng nếu chỉ bản thân DN nỗ lực thôi thì có thể dẹp bỏ tình trạng loạn giải thưởng như hiện nay không, thưa ông?
- DN không thể không nhận thức. Bởi việc “mua danh” này sớm muộn cũng khó tồn tại. DN không muốn vươn lên bằng công sức, sáng tạo thu hút khách hàng mà chỉ bằng các giải thưởng rởm thì người tiêu dùng cũng không thể có niềm tin bền vững với họ được. Hiện người ta không chỉ mua bán giải mà còn mua bán cả chức quyền đằng sau các giải thưởng.
Tôi biết có ông chủ tịch hội đồng quản trị một DN cả mấy nhiệm kỳ chả họp hành, làm gì cả nhưng đến khi bầu bán lại thì quăng một cục tiền lớn để cho tổ chức nọ, ban ngành kia bầu chọn. Cuối cùng nhờ DN được bình chọn, vị này dễ dàng được ngồi lại cái ghế chủ tịch hội đồng quản trị.
Nói vậy để thấy DN trước hết phải là chủ thể hàng đầu trong việc chống lại việc mua danh, mua chức thông qua các giải thưởng, bình chọn DN, chứ Nhà nước cũng không thể làm thay họ.
Nhưng hiện chúng ta vẫn chưa có chế tài cho vấn đề này. Xem chừng việc dẹp tình trạng “loạn giải thưởng” vẫn phải mất nhiều thời gian, thưa ông?
- Có thể khẳng định đây là hành vi lừa đảo, mua bán danh cần phải cấm, phạt. Thứ nữa là Nhà nước cần tạo môi trường tốt cho người dân, DN phản ánh những hành vi sai trái này thì tự nhiên sẽ dẹp bỏ được nó. Bài toán này tưởng là “mắc” ở luật định nhưng tôi cho rằng, luật cũng không mạnh bằng việc người ta dám mạnh dạn tố giác các sai trái, đôi khi mạnh dạn với chính bản thân mình.
Phải có quy định, chế tài cụ thể để các tổ chức dân sự, xã hội vào cuộc. Nếu việc mua danh, lừa đảo giải thưởng mà có người tố giác thì đương nhiên công an, tòa án sẽ vào cuộc xử lý. Vấn đề là chúng ta có tạo điều kiện cho người dân, các tổ chức xã hội có cơ chế để lên tiếng về thực trạng này hay không mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo