Góc nhìn

"Động thái của ETFs ảnh hưởng rất ít đến thị trường"

Nhiều khả năng việc giảm mua ròng hoặc bán ròng nhẹ của khối ngoại sẽ ít có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trên diện rộng mà chỉ có tác động ngắn hạn tới một vài cổ phiếu nhất định.

Tháng 3, với việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ETF, nhiều ý kiến đánh giá tâm điểm của thị trường hiện nay là khối ngoại và những động thái của khối này sẽ tác động mạnh mẽ đến biến động thị trường. Tuy nhiên, theo ông Đào Hồng Dương - phụ trách tư vấn đầu tư của CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), tác động của các ETFs tới thị trường chứng khoán hiện nay là rất ít.

Các nhà đầu tư trong nước hiện đang rất quan tâm đến động thái của khối ngoại, mà cụ thể là các quỹ ETFs. Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng trực tiếp của các ETFs tới thị trường trong 3 tháng tới?

Ông Đào Hồng Dương.Tôi cho rằng ở mức độ giao dịch mua bán ròng hiện nay của 2 quỹ ETFs ngoại về căn bản rất ít có ảnh hưởng tới diễn biến thị trường.

Cùng kì năm ngoái 2 ETFs giao dịch với qui mô lớn hơn hiện nay rất nhiều. 3 tháng đầu năm 2013 họ mua ròng gần 300 triệu USD, và khi bán ra cũng bán ròng hơn 100 triệu USD, trong bối cảnh lúc đó giá trị giao dịch của toàn thị trường duy trì dưới 1.500 tỷ đồng/phiên nên việc mua bán của các ETFs ngoại lúc đó cũng có tác động nhất định tới diễn biến ngắn hạn của thị trường.

Nhìn lại 2 tháng đầu năm 2014, về cơ bản việc mua ròng của 2 quỹ ETFs mới chỉ lên hơn 70 triệu USD, sự bán ra của FTSE cũng chưa đạt giá trị lớn trong khi dòng tiền trong nước sôi động hơn rất nhiều và giá trị giao dịch của 2 sàn mức bình quân cũng vượt 2.500 tỷ đồng/phiên.

Do đó nhiều khả năng việc giảm mua ròng hoặc bán ròng nhẹ của khối ngoại sẽ ít có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trên diện rộng mà chỉ có tác động ngắn hạn tới một vài cổ phiếu nhất định.

Theo ông, dòng tiền vào thị trường hiện nay đến từ đâu?

Tôi cho rằng hiện TTCK đang thu hút được tích cực hơn dòng tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế. Dễ dàng thấy được động lực tăng của thị trường trong 2 tháng qua chủ yếu là nhờ dòng tiền trong nước.

Lãi suất tiền gửi năm ngoái đã qua nhiều lần điều chỉnh giảm và cho tới nay thanh khoản hệ thống ngân hàng đã ổn định. Các kênh đầu tư khác như bất động sản dù có triển vọng nhưng rào cản tham gia đầu tư cũng lớn. Về mặt lợi thế, kênh đầu tư chứng khoán hiện trội hơn hẳn.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng TTCK Việt Nam đang thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài. Tính từ đầu năm đến nay, ngay cả khi FTSE VietNam Index ETF có động thái bán ròng thì tổng dòng tiền FII chảy vào TTCK vẫn đạt gần 100 triệu USD tương đương hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, giao dịch mua ròng của 2 quỹ ETFs ngoại chỉ chiếm chưa tới 1 nửa (quanh 40 triệu USD), điều này ghi dấu sự hoạt động mạnh mẽ dần của các NĐT nước ngoài khác trên TTCK Việt Nam, và làm giảm lo ngại về các hoạt động mua bán ngắn và sốc đặc trưng của dòng tiền nóng qua 2 quỹ ETFs ngoại.

Ông đánh giá mức độ bền vững của dòng tiền tham gia thị trường như thế nào?

Tôi đánh giá tích cực với dòng tiền đang tham gia vào thị trường ở thời điểm hiện tại.

Ở trong nước, dòng tiền nhàn rỗi đang có xu hướng chảy vào TTCK nhờ những lợi thế vượt trội so với những kênh đầu tư khác. Do đó nếu như giá cổ phiếu trên thị trường vẫn chưa thực sự đắt đỏ so với kì vọng của NĐT và chừng nào các doanh nghiệp niêm yết có sự chuyển biến tích cực vẫn theo kịp với mức tăng trưởng thị giá cổ phiếu thì kì vọng vẫn sẽ còn ở mức độ tích cực và dòng tiền tham gia vào thị trường tiếp tục duy trì mức cao.

Có thể chi tiết hơn vấn đề này qua việc so sánh tương quan giữa chỉ tiêu P/E và trailing EPS toàn thị trường (nguồn dữ liệu bloomberg).

Nền kinh tế có khả năng là đã qua giai đoạn khó khăn nhất với đáy thấp nhất của đường bình quân trailing EPS rơi vào tháng 4/2013. Về bình quân theo năm, EPS đang có xu hướng tăng dần và khả năng vượt đỉnh cao nhất của năm 2013. Trailing EPS toàn thị trường theo trọng số vốn hóa có xu hướng thấp nhất vào quí I hàng năm và tăng dần vào quí II, đạt max vào quí III trước khi thoái lùi nhẹ vào quí IV.

Chu kì này đã được kiểm chứng nhiều năm. Do đó tôi cho rằng P/E toàn thị trường có xu hướng tăng mạnh vào quí I, giảm dần và ổn định trong quí II, III và có xu hướng tăng trở lại vào quí IV.

TTCK Việt Nam đang có sự kì vọng rất lớn vào việc tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp trong năm 2014. Lấy ví dụ đơn giản PE cao nhất 2013 rơi vào tháng 6 với mức 14,7 lần tương ứng VN-Index là 527 điểm. Tháng 2 vừa rồi VN-index đã lên tới 564,6 điểm nhưng PE giảm chỉ còn 14,1 lần. Theo tương quan chúng tôi tính toán giữa chỉ số, mức tăng trưởng EPS và tăng trưởng P/E theo kì vọng năm 2014 thì P/E toàn thị trường có khả năng dao động trong vùng 12,2 lần đến 15,4 lần. Do đó với mức hiện tại thì nhiều khả năng dòng tiền vẫn ưu tiên cho kênh đầu tư chứng khoán.

Đối với dòng tiền nước ngoài, cá nhân tôi cũng có nhận định về triển vọng tích cực trong dài hạn. NĐT nước ngoài rất quan tâm tới triển vọng TTCK Việt nam khi bắt đầu đi lên từ một mặt bằng định giá thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Ở một khía cạnh khác cũng phải nói đến, theo tôi quan sát thấy họ cũng rất quan tâm tới những yếu tố có thể tác động trực tiếp tới khoản tiền đầu tư của họ, cụ thể như việc điều chỉnh tỷ giá, nới room, tốc độ tiến triển thực tế trong các vấn đề quan trọng của nền kinh tế (như xử lý nợ xấu, tái cấu trúc khối DN quốc doanh, các chính sách hỗ trợ khối DN tư nhân vượt khó khăn). Theo đó thì sự bùng nổ dòng vốn FII có thể không diễn ra trong một sớm một chiều mà cần có thời gian nhất định, tuy nhiên triển vọng vẫn là rất lớn.

Ông có cho rằng trong 2 năm nay, khối ngoại đã thay đổi cách chơi? Nếu vậy, với một số nhà đầu tư Việt Nam - từ trước đến nay vẫn coi động thái của khối ngoại là dẫn dắt thị trường – phải hành động như thế nào?

Câu chuyện của NĐT nước ngoài khi tham gia vào TTCK Việt Nam cho đến lúc này đã có nhiều sự thay đổi và khác biệt so với cách đấy 4 – 5 năm, nhưng tôi không cho rằng sự thay đổi ở cách chơi mà chủ yếu là ở việc đối tượng nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam hiện nay đã có quy mô rộng và số lượng NĐT nước ngoài lớn hơn, đa dạng hơn trước rất nhiều.

Với các NĐT trong nước, hiện nay họ đã chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều kể cả những NĐT theo trường phái ngắn hạn. Bản thân nhà đầu tư trong nước hiện nay họ cũng đã có nhưng nghiên cứu sâu sắc hơn, phân loại các NĐT nước ngoài để xét đoán động thái của họ (như việc quan sát dòng tiền ra vào 2 quỹ ETFs và đưa ra dự báo trước các kì review định kì chẳng hạn).

Mặt khác, khi quy mô giao dịch của toàn thị trường có xu hướng tăng mạnh thì tỷ trọng giá trị giao dịch của khối NĐT nước ngoài trên giá trị giao dịch toàn thị trường có xu hướng giảm xuống và tác động không còn mạnh tới những biến động ngắn hạn của thị trường chứng khoán.

Vì vậy, đối với NĐT trong nước tôi cho rằng mỗi quyết định đầu tư nên dựa trên những cơ sở số liệu thực tế nhất định và giảm bớt những quyết đinh mang nhiều cảm tính. Một số NĐT cá nhân thường trading ngắn hạn theo khối ngoại thì khi quan sát động thái của NĐT nước ngoài tôi cho rằng cũng cần tìm hiểu thật rõ nguyên nhân hay mục tiêu và của họ trong mỗi động thái giao dịch.

Xin cảm ơn ông.

Theo CafeF
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo