Bất động sản

“Đường cong dát vàng” ở Hà Nội: Luật cho phép điều chỉnh

Luật cho phép điều chỉnh quy hoạch, dự án, không thể lấy lý do đã duyệt rồi để không điều chỉnh, bỏ mặc kiến nghị của người dân.

Người dân chỉ mong muốn có con đường thẳng để tiết kiệm chi phí cho Nhà nước.

Tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đê Tả ngạn sông Hồng có vai trò hết sức quan trong trong mạng lưới giao thông của thành phố và của quận Long Biên. Người dân trong khu vực hoàn toàn nhất trí và ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội và quận Long Biên về việc mở đường.

Tuy nhiên, việc mở một tuyến đường có chiều dài khoảng 1,6 km, chi phí đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã lên đến 460 tỷ lại cần được xem xét kỹ lưỡng nếu có phương án khác vẫn khả thi, lại tiết kiệm được kinh phí cho Nhà nước.

Nói về những lý do khiến cho đoạn đường 200m này phải đi qua khu vực nhà dân chứ không chạy qua cánh đồng, lãnh đạo quận Long Biên cho biết, việc quy hoạch này bị khống chế bởi những yếu tố kỹ thuật liên quan đến đất quốc phòng, trận địa pháo cũng như tĩnh không sườn sân bay Gia Lâm.

Qua khảo sát tại thực địa, chúng tôi nhận thấy, cách con đường đang chuẩn bị xây dựng này chưa đầy 100m là con đường Hoàng Như Tiếp rộng 22m mới xây dựng được 1 năm, lại gần về phía sân bay Gia Lâm hơn. Nói về trận địa pháo, thì một đầu của đoạn đường cong có hướng đi nằm cạnh một khu đất trống, cỏ mọc um tùm mà trước đây là một trận địa pháo, nhưng nhiều năm nay đã chuyển ra khu vực khác cách đó khoảng nửa cây số.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho biết: Một trong những nguyên lý là khi xây dựng công trình và tuyến đường gần đường bay phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng, nhưng đó là những công trình cao tầng thì mới bị ảnh hưởng tới đường bay.

“Đất an ninh quốc phòng sẽ có quy hoạch khác, còn đất là cơ sở của lực lượng quốc phòng thì chúng ta cũng phải xem xét có ứng xử khác nhau chứ không thể nói cứ đất quốc phòng thì không sử dụng đến, đấy là vấn đề cần xem xét, cần giải thích rõ hơn nhất là tổ chức một tuyến đường lại đặt ra vấn đề tĩnh không, đường bay thì cần phải trao đổi”, ông Nghiêm cho hay.

Một vấn đề nữa được đặt ra là, tuyến đường đã được quy hoạch có thể điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế hay không? Ông Đào Ngọc Nghiêm phân tích: Trong quá trình tổ chức dự án, tổ chức quy hoạch, nếu có phát sinh mới khi có ý kiến của dân cư phải nghiên cứu xem xét. Việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án là điều trong Luật cho phép, không thể lấy lý do đã duyệt rồi để không điều chỉnh, bỏ mặc những kiến nghị của nhân dân.

Trong thực tiễn, thành phố Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh ở các tuyến đường khác so với quy hoạch chung. Chẳng hạn, tuyến đường Kim Liên - Ô chợ Dừa, khi người dân có ý kiến thì thành phố Hà Nội đã thay đổi so với quy hoạch đã duyệt, chỉ mở đúng tuyến đường chứ không lấy đất của hai bên đường để xây dựng công trình mới. Hay tuyến đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, khi có ý kiến người dân về bảo tồn di sản cũng đã được điều chỉnh quy hoạch… Những sự điều chỉnh này đều rất đáng hoan nghênh, hợp lòng dân, được dư luận đánh giá cao.

“Đối với tuyến đường này, khi người dân có ý kiến thậm chí họ đã có tính toán cụ thể thì phải chăng chính quyền và người dân cần phải xem xét trao đổi, có đối thoại, đồng thời mời các chuyên gia, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đến, họ thông thạo khu vực này, am hiểu thực địa này, trên cơ sở đấy phải xem xét trình lên cấp có thẩm quyền. Cần hiểu là việc điều chỉnh là một hoạt động trong tổ chức thực hiện quy hoạch, triển khai dự án được Luật cho phép thực hiện. Hy vọng rằng với ý kiến của nhân dân, chính quyền sẽ tiếp thu, trao đổi”, ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

Ngày 6/11 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Nguyễn Thế Thảo đã có văn bản đề nghị UBND quận Long Biên phối hợp với các đơn vị, Sở ngành liên quan làm rõ về quy hoạch và việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường đến các tổ chức, hộ gia đình có liên quan, đồng thời rà soát lại quy hoạch tuyến đường trên đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và kinh tế, xã hội, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố trước ngày 15/11/2014.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, hiện Sở vẫn đang tiếp tục xem xét theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, trên tất cả nội dung là phải quan tâm đến một đồ án quy hoạch, làm một quy hoạch không đơn giản, cho nên Sở phải xem xét việc này để đảm bảo lợi ích của thành phố và lợi ích của công nhân và cộng đồng một cách tốt nhất. Mục đích là có một con đường đảm bảo kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Trước sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, hàng trăm người dân ở khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án này đều phấn khởi và mong muốn được đối thoại với các cấp có thẩm quyền, sẵn sàng cung cấp mọi thông tin để các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, rà soát lại quy hoạch. Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, thì chính quyền địa phương đã chính thức mời người dân ở đây đến đối thoại trực tiếp, trao đổi ý kiến vào lúc 14 giờ ngày 14/11.

Ông Võ Văn Bá, số nhà 62, ngõ 219, phường Bồ Đề cho biết, dù đối thoại với cấp nào, người dân vẫn giữ nguyên kiến nghị về việc cần thay đổi quy hoạch.

“Kiến nghị của dân là nắn đường cong thành thẳng chạy qua cánh đồng. Hiện nay chúng tôi chưa quan tâm đến việc bồi thường, giải tỏa và tái định cư, mà chúng tôi thấy cái vô lý của con đường này nên đề nghị nắn đường, để tiết kiệm chi phí cho Nhà nước lên hàng trăm tỷ, dân cũng đỡ khổ, và rõ ràng cũng không nhất thiết phải làm việc ấy”, ông Bá khẳng định.

Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, việc thực hiên bất cứ một dự án nào cần xem xét đến yếu tố tiết kiệm, tránh lãng phí. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội cần sớm có đối thoại trực tiếp với người dân, lấy ý kiến chuyên gia để nghiên cứu lại quy hoạch này. Nếu quy hoạch cũ gây lãng phí, không còn phù hợp với thực tiễn, chưa phải là tối ưu và nhất là không có sự đồng thuận của nhân dân, thì rõ ràng cần có sự xem xét để thay đổi!.

VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo