Góc nhìn

“Giá, phí cứ tăng thế này dân lo lắm!”

Ông Nguyễn Văn Rớt - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Q.2, TP.HCM - đã phát biểu như vậy tại hội nghị chuyên đề về phương án điều chỉnh giá nước sạch theo lộ trình giai đoạn 2015-2019 do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức ngày 20-1.

Một số xã ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) chưa được cấp nước sạch nên người dân phải xây bể trữ nước mưa dùng hằng ngày - Ảnh: Q.Khải

Ông Rớt cho rằng giá xăng dầu giảm liên tục nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu không giảm, giờ chuẩn bị tăng giá nước, rồi giá điện, phí bảo trì đường bộ và các loại phí khác nữa cũng đua nhau tăng làm người dân lo lắng.

 

Giá nước sạch tăng liên tục

Tôi thấy đề án vẫn nặng tính bao cấp quá, Sawaco nên đẩy mạnh xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng đầu tư trong điều kiện thiếu vốn. Nếu tăng giá nước với mức cao như hiện nay không khéo doanh nghiệp không trụ được sân nhà chứ nói gì cạnh tranh bên ngoài

Ông HUỲNH VĂN MINH (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM)

 

Trình bày tại hội nghị, ông Lê Hữu Quang - trưởng ban kinh doanh dịch vụ khách hàng, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) - cho biết đúng ra lộ trình tăng giá nước phải được áp dụng trong giai đoạn 2014-2018.

 

Tuy nhiên năm 2014, đề án tăng giá nước trên chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt nên đề xuất áp dụng giai đoạn 2015-2019. Đề án này đã được các đơn vị liên quan thẩm định. Ông Quang nói điểm mới của đề án điều chỉnh giá nước lần này là có quan tâm đến hộ nghèo.

 

Cụ thể, hộ nghèo sử dụng không quá 4m3/người/tháng sẽ hưởng mức giá 5.300 đồng/m3 (bằng giá hiện nay). Mức tăng giá này qua các năm cũng tăng ít hơn đối với đối tượng sinh hoạt. Còn mức giá tăng bình quân của các đối tượng khác là 10,5%/năm trong giai đoạn 2015-2019 (xem bảng biểu).

 

Theo ông Quang, mức tăng giá như trên không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của đại bộ phận người dân TP. Sawaco dẫn ra các con số cho thấy từ năm 2009 đến nay đã tăng công suất phát nước từ hơn 1,3 triệu m3/ngày lên hơn 1,7 triệu m3/ngày.

 

Bên cạnh đó, các đường ống cấp nước cấp 1-2-3 cũng được phát triển thêm hơn 1.500km, nâng tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ 83,76% (năm 2009) lên 94,87% (năm 2014, tương đương hơn 1,4 triệu hộ dân đô thị được cấp nước sạch).

 

Trong khi đó, giai đoạn 2015-2019 tiếp tục đầu tư Nhà máy nước Thủ Đức III (công suất 300.000 m3/ngày), Nhà máy nước Tân Hiệp (300.000 m3/ngày); phát triển thêm 1.651km đường ống các loại, gắn thêm 308.000 đồng hồ nước mới...

 

Việc điều chỉnh giá nước giúp Sawaco có thêm nguồn lực giải quyết được những vấn đề nêu trên, hoàn thành các chỉ tiêu về cấp nước sạch...

 

Mỗi ngày mất 5,9 tỉ đồng

 

Trước nay, một trong những lý do mà nhiều người chưa đồng tình với việc tăng giá nước là do tỉ lệ thất thoát nước quá cao. Năm 2008, tỉ lệ thất thoát nước đạt con số kỷ lục 42,54%. Nhờ triển khai nhiều chương trình giảm thất thoát nước, đặc biệt dự án 44,6 triệu USD (nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới), đến nay tỉ lệ thất thoát theo Sawaco, giảm xuống còn khoảng 32,85%.

Ông Trần Thiện Tứ, thành viên Ủy ban MTTQ TP, cho biết cảm thấy “ấm ức” khi hiện nay tỉ lệ thất thoát nước vẫn quá cao.

 

“Mỗi năm chúng ta chỉ giảm 1-2% tỉ lệ nước thất thoát là quá ít. Nếu giảm được tỉ lệ thất thoát từ 35% xuống còn 20% thì bằng công suất một nhà máy rồi, không cần phải đầu tư thêm làm gì. Để thất thoát nước sạch như thế cần phải làm rõ” - ông Tứ đề nghị.

 

Theo Sawaco, thời gian qua đã triển khai nhiều dự án giảm thất thoát nước nên tỉ lệ thất thoát hiện nay ở mức 32,85%. Trên nguyên tắc, giá nước được tính đúng tính đủ các yếu tố chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất... nên toàn bộ tỉ lệ thất thoát nước hiện nay đều được đưa vào cơ cấu giá nước.

 

Với tổng công suất cấp nước hiện nay hơn 1,7 triệu m3/ngày, với thất thoát như trên, mỗi ngày TP bị thất thoát 550.000m3 nước sạch (gần gấp đôi Nhà máy nước Tân Hiệp). Với giá bán bình quân năm 2014 (10.767 đồng/m3) thì mỗi ngày mất hơn 5,9 tỉ đồng!

 

Ông Châu Minh Tỷ - Hội Người cao tuổi TP - cho rằng dù Sawaco có giải thích nhiều lần về vấn đề giảm thất thoát nước nhưng bản thân ông cảm thấy không thông.

 

“Mỗi ngày TP mất hơn 550.000m3 thì một năm có hàng trăm triệu m3 bị bỏ đi. Đường ống cấp nước cũ, bể cũng không đến mức thất thoát như vậy nên cần xem lại vấn đề gian lận, kể cả việc nhân viên cấp nước móc nối với khách hàng, để tìm giải pháp chứ thất thoát cao như vậy không chấp nhận được” - ông Tỷ nhấn mạnh.

 

Theo ông Tỷ, bất hợp lý khác là lộ trình tăng giá nước. Đó là trong lộ trình giảm thất thoát nước mà Sawaco đề ra cũng như các ngành chức năng phê duyệt, tỉ lệ thất thoát này đều giảm qua các năm nhưng giá nước vẫn tăng đều đều. Ông Tỷ đề nghị cần thu hẹp khoảng cách tăng giá nước và tăng ở mức dưới 10% chứ không nên ở mức 10,5% như Sawaco đề xuất.

 

 

Ông Nguyễn Văn Rớt cho rằng không thể đưa tỉ lệ thất thoát vào giá nước vì không thể bắt người dân gánh phần nước mà họ không dùng, mà phần này Nhà nước phải lo.

 

“Trong năm năm liên tục mức tăng cộng lại hơn 50% giá nước, phải giảm mức tăng lại. Mình nghĩ về dân đi các đồng chí ơi, dù phải đảm bảo kinh doanh nhưng cũng phải xem xét yếu tố xã hội” - ông Rớt đề nghị.

 

Ông Huỳnh Văn Minh - chủ tich Hiệp hội Doanh nghiệp TP - cho rằng việc điều chỉnh giá nước sạch tác động đến hầu hết người dân, đặc biệt đối tượng kinh doanh.

 

Giải trình tại hội nghị, ông Bạch Vũ Hải - phó tổng giám đốc Sawaco - cho biết tỉ lệ thất thoát nước sạch phù hợp quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2015 còn 32% và đến năm 2025 giảm còn 25%.

 

Ông Hải thừa nhận tỉ lệ thất thoát nước sạch còn cao do tình trạng ăn chia, gian lận nước, các nhà thầu thi công làm bể đường ống... nhưng Sawaco đang từng bước chấn chỉnh, có giải pháp cho vấn đề này. Ông Hải cam kết cố gắng hạ tỉ lệ thất thoát hơn so với số liệu được phê duyệt. Còn vấn đề xã hội hóa, Sawaco đã và đang thực hiện.

 

Cụ thể, tám đơn vị thuộc Sawaco đã cổ phần hóa. Hàng loạt dự án khác như Nhà máy BOT Bình An, BOO Thủ Đức, Thủ Đức, Kênh Đông, Tân Hiệp 2 cũng huy động nguồn lực từ nhà đầu tư khác...

Kết luận hội nghị, ông Trần Tấn Hùng - phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ TP - cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp và tiếp tục tổ chức lấy thêm ý kiến của các nhà chuyên môn liên quan đến đề án điều chỉnh giá nước để báo cáo các cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo