Phân tích

"Giải vây" gói 30.000 tỷ đồng như thế nào sau 1/6?

(DNVN) - Do quan điểm của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng chưa thống nhất nên Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án xử lý gói 30.000 tỷ đồng.

Chiều ngày 31/5, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông tin chính thức về phương án xử lý các trường hợp vay mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho người dân mua nhà ở xã hội.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 30/3/2016, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết. Tại Công văn số 2167/VPCP-KTTH ngày 31/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi quy định về thời hạn giải ngân gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở theo hướng gia hạn tiếp tục thực hiện giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng đã được phê duyệt và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vay vốn, nhất là đối với cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới và cải tạo sửa chữa lại nhà ở. 

Ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai ngay việc nghiên cứu sửa đổi quy định về thời hạn giải ngân tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở và có Công văn số 2947/NHNN-TD ngày 26/4/2016 xin ý kiến Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn giải ngân tái cấp vốn Chương trình 30.000 tỷ đồng đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh việc cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận vốn ưu đãi để cải thiện về chỗ ở. Cùng với nỗ lực của các ngân hàng thương mại, tốc độ triển khai của Chương trình ngày càng được đẩy nhanh hơn và đạt được những kết quả tích cực: Tính đến 10/5/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng đối với 56.240 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ dự án đạt 25.800 tỷ đồng,  trong đó khách hàng cá nhân đã cam kết cho vay  27.447 tỷ đồng đối với 56.112 khách hàng, đã giải ngân là 20.812 tỷ đồng. Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng đến 20/5/2016, số tiền đã giải ngân là 26.733 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng.

Đến 20/5/2016, số tiền đã giải ngân là 26.733 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, sau khi nhận được ý kiến của Bộ Xây dựng tại Công văn số 906/BXD-QLN ngày 18/5/2016 và Bộ Tài chính tại Công văn số 7023/BTC-TCNH ngày 24/5/2016, cơ quan này xét thấy ý kiến của các Bộ chưa được thống nhất.

Cụ thể, theo ý kiến của Bộ Tài chính, trong trường hợp đến 01/6/2016 chưa giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng thì chỉ gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng cá nhân và thực hiện giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng đã được phê duyệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 2167/VPCP-KTTH.

Trong khi đó, theo ý kiến của Bộ Xây dựng, gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đối với tất cả các khách hàng (cả hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp) đã được cam kết vay vốn cho đến khi giải ngân hết lượng vốn đã cam kết. 

Do ý kiến của các Bộ chưa thống nhất về đối tượng và tổng số tiền đề nghị giải ngân tái cấp vốn vượt 30.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời tại Công văn số 2167/VPCP-KTTH ngày 31/3/2016 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “....tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vay vốn, nhất là đối với cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới và cải tạo sửa chữa lại nhà ở“. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước  đã có Công văn số 3954/NHNN-TD ngày 30/5/2016 trình Thủ tướng Chính phủ về phương án gia hạn Chương trình theo hướng: 

Thứ nhất: Cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sữa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016. Tổng số tiền tái cấp vốn khoảng 32.738 tỷ đồng (bao gồm dự kiến số tiền  tái cấp vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến thời điểm 1/6/2016 và số tiền cam kết nhưng chưa giải ngân hết của khách hàng cá nhân). 

 

Thứ hai: Dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. 

Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/5/2016 Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 3955/NHNN-TD chỉ đạo các ngân hàng tham gia Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP.

Theo đó, kể từ ngày 01/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016 từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa khách hàng và ngân hàng theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn về việc gia hạn tái cấp vốn gửi các ngân hàng thương mại để thực hiện.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo