“Hải quan hành xử thế này thì DN phá sản…”
Bà Phạm Thị Loan, nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á (Công ty Việt Á) thốt lên như vậy tại cuộc đối thoại về chính sách thuế vừa diễn ra, với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.
Theo phản ánh của bà, hiện đang tồn tại nhiều rủi ro cho DN sau thông quan. Cụ thể đó là những rủi ro nào?
Liên quan đến những vướng mắc mà Công ty Việt Á gặp phải, suốt từ năm 2011 đến nay, tôi phải liên tục đi từ Bắc tới Nam để giải quyết. Nhiều vấn đề Công ty khiếu nại lên Tổng cục Hải quan từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Khiếu nại của Công ty Việt Á liên quan đến việc không đồng tình với áp mã số hàng hóa, để tính thuế của cơ quan hải quan. Mặt hàng nhập khẩu của Công ty là cáp quang, theo quy định có mã hàng hóa tính thuế là 0%, nhưng khi kiểm tra sau thông qua, hải quan buộc áp với mức thuế 3%.
Tương tự, với sản phẩm là hộp đấu nối cáp quang, cũng có mã hàng hóa tính thuế là 0%, nhưng hải quan áp mã với mức thuế lên tới 20%, đồng thời xử phạt, truy thu thuế 5 năm…
Không đồng tình với cách hành xử này của cơ quan hải quan, Công ty đã đề nghị đối thoại, để giải quyết. Tuy nhiên, phương thức xử lý của cơ quan hải quan đang khiến DN đối mặt với tình trạng phá sản, vì lấy đâu ra số tiền rất lớn để nộp phạt. Suốt từ năm 2011 đến nay, Công ty rất sợ “cái bẫy” kiểm tra sau thông quan, vì không biết áp mã hàng hóa thế nào cho đúng.
Như bà vừa đề cập, Công ty Việt Á nhiều lần khiếu nại lên Tổng cục Hải quan, nhưng đến nay chưa được giải quyết ổn thỏa. Vì sao có tình trạng này, thưa bà?
Điều rất không bình thường là những văn bản khiếu nại của chúng tôi gửi tới Tổng cục Hải quan, thì lại được chuyển đến cho chính đơn vị (thuộc Tổng cục Hải quan) mà chúng tôi khiếu nại. Người bị chúng tôi khiếu nại, mà lại được giao giải quyết khiếu nại, thì ai xử lý cho chúng tôi?
Thậm chí, trong một lần đối thoại với chúng tôi, một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đồng ý không truy thu thuế với Công ty Việt Á, nhưng một lãnh đạo cấp vụ thuộc Tổng cục Hải quan lại ký văn bản truy thu thuế. Không đồng ý với cách giải quyết này, suốt từ năm 2013 đến nay, Công ty Việt Á đã khiếu nại lên Tổng cục Hải quan, nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Theo bà, việc tranh cãi giữa cơ quan hải quan và Công ty Việt Á về áp mã hàng hóa làm cơ sở tính thuế, là do cán bộ hải quan có ý “hành” DN, hay do quy định pháp lý không rõ ràng?
Có một thực tế là việc DN tuân thủ nghĩa vụ thuế xuất nhập khẩu đang bị chi phối bởi các công văn hướng dẫn nội ngành (không phải văn bản quy phạm pháp luật). Nhiều công văn này thể hiện sự không minh bạch, không rõ ràng. Cùng một mặt hàng DN nhập khẩu, nhưng đơn vị hải quan này có văn bản hướng dẫn áp mã hàng hóa với mức thuế 3%, nhưng đơn vị khác lại hướng dẫn áp 5%. Thậm chí, cùng một đơn vị hải quan, nhưng mức thuế này có sự thay đổi khó hiểu ở những thời điểm hướng dẫn khác nhau.
Quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành giống như… ma trận, khiến DN không biết áp mã hàng hóa thế nào cho đúng. Quy định không rõ ràng về biểu thuế, đang gây nên cách hiểu khác nhau giữa DN và cơ quan hải quan. Điều này tạo rủi ro cho DN, đồng thời tạo khe hở cho gian lận thương mại, thậm chí nảy sinh tiêu cực.
Để khắc phục những bất ổn trên, đề xuất của bà là gì?
Quan trọng nhất là các cơ quan quản lý cần không hình sự hóa các sai phạm về áp mã hàng hóa tính thuế, bởi trong nhiều trường hợp là do DN không nắm được quy định pháp lý, chứ không phải cố tình áp sai để trốn thuế.
Khi tiếp nhận các khiếu nại của DN, cơ quan hải quan cần khẩn trương giải quyết triệt để, nhằm tránh rủi ro bị phạt chậm nộp, truy thu thuế suốt nhiều năm, dễ đẩy DN vào phá sản do không thu xếp được số tiền lớn để nộp phạt. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như hướng dẫn DN áp dụng luật cần tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật, tránh lạm dụng các loại công văn mang tính nội ngành, bởi dễ nảy sinh tiêu cực, không minh bạch, gây khó cho DN.
Các cơ chế kiểm tra sau thông quan, cần được sửa đổi theo hướng cân bằng hơn giữa quyền, nghĩa vụ của DN và cơ quan hải quan, tránh gây khó cho DN như hiện tại. Cũng cần sửa đổi các quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu theo hướng rõ ràng, dễ áp dụng hơn, tránh tình trạng cùng một quy định gây nên những cách hiểu khác nhau, thậm chí tạo sự xung đột giữa DN và cơ quan hải quan.
Theo Đầu tư chứng khoán
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo