Phân tích

"Hiến kế" giải cứu người chăn nuôi lợn

Trong bối cảnh giá thịt lợn rớt giá thảm hại, các doanh nghiệp đã cùng cơ quan quản lý nhà nước chung tay thực hiện nhiều giải pháp giúp thị trường chăn nuôi ổn định.

Sáng 24/4, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp khẩn với gần 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chế biến cùng các Hiệp hội ngành hàng để tìm giải pháp “giải cứu” ngành chăn nuôi heo khi giá thịt lợn ở Việt Nam đang rẻ nhất thế giới.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, ngay sau khi giá lợn giảm sâu, doanh nghiệp đã có động thái giảm giá con giống và thức ăn chăn nuôi. 

Cụ thể, theo ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, để thị trường thịt lợn ổn định, công ty đã tăng cường bán thịt lợn theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Tuy nhiên, một số nông dân đang cố gắng vay vốn để giữ đàn lợn để xuất khẩu. Do vậy, cần có chính sách cụ thể để người nông dân có hướng chăn nuôi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp khẩn với gần 30 doanh nghiệp giải cứu thịt lợn. Ảnh: omard.gov.vn.

Trong khi đó, đại diện Công ty Dabaco Việt Nam cho biết, đơn vị này đã giảm giá thức ăn 5-7% từ tuần trước, giảm giá bán con giống. Trong thời điểm hiện nay, không tiếp tục tăng đàn nhưng sẽ áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng đàn lợn nái, và xem xét xây dựng nhà máy giết mổ lợn trong năm nay để nâng cao năng lực chế biến thực phẩm.

Đại diện Dabaco cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Kiến nghị tạm dừng tạm nhập tái xuất thịt lợn để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay, giành thị trường cho thịt lợn nội địa. Dabaco cũng đồng tình giảm đàn nái, không để phát triển ồ ạt. Cuối cùng là kiến nghị thành lập hiệp hội chuyên về chăn nuôi heo.

Ông Võ Anh Dũng - đại diện Công ty Nam Hà Nội, cho rằng: “Hỗ trợ tốt nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua. Chúng tôi đang hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách mua cao hơn giá thị trường 2 giá là 23.000 đồng/kg”.

Theo ông Dũng, tại tỉnh Hà Nam hiện chỉ có 1,5 triệu đồng/con lợn mà không bán được. Giá lợn Việt Nam hiện nay là rẻ nhất thế giới. “Chúng tôi cũng sẽ giảm giá bán thịt từ ngày mai, giảm giá bán thịt cho các trường học, cho nhóm công nhân… Họ vẫn được ăn thịt sạch với giá bình dân”, ông Dũng cho hay.

Còn ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho rằng, dù giá heo của nông dân bán giảm thê thảm nhưng giá thịt trên thị trường vẫn không giảm giá bao nhiêu. Ông Lịch cũng cho rằng cần giảm giá thức ăn để giúp đỡ người chăn nuôi, chia sẻ với họ. Ông kêu gọi các thành viên giảm giá thức ăn chăn nuôi.

 

Nói về nguyên nhân giá thịt lợn giảm mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có 2 nhóm nguyên nhân khiến giá lợn giảm thấp đó là do cung lớn hơn cầu, sản lượng thịt lợn ngày càng tăng mạnh. Bên cạnh đó là do việc tổ chức ngành hàng không tốt, hiện mới chỉ có 45% chăn nuôi trang trại quy mô lớn, còn lại chiếm tới 55% chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nên không kiểm soát được quy mô.

Theo ông Cường, khâu tổ chức thị trường hiện còn rất kém, từ thị trường nội địa tới xuất khẩu. Trong nước người dân vẫn phải tiêu dùng thịt lợn với giá cao, còn các nước trong khu vực hầu hết phải nhập khẩu thịt lợn số lượng lớn như Philippines, Singapore, Trung Quốc... nhưng thịt lợn Việt Nam vẫn chưa thể chính ngạch vào các thị trường này.

Trên cơ sở những khó khăn đang phải đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp thu mua, giết mổ, chế biến thịt lợn tăng lượng thu mua dự trữ, giảm giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi, cố gắng tăng giá thu mua lợn cho nông dân, giảm giá bán đầu ra.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp nhất, đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Đồng thời phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo