Góc nhìn

“Không may” cho ông Hồ Nghĩa Dũng

Thế là vụ xì - căng - đan của ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng bộ GTVT - được kết thúc bằng thông cáo báo chí của HĐQT Cty CP đầu tư Đèo Cả. Thông cáo cho biết ông Hồ Nghĩa Dũng thôi làm thành viên HĐQT độc lập, chuyển sang cương vị cố vấn.

Trước khi “nhận khuyết điểm và xin lỗi người dân”, thông cáo có nội dung tha thiết rằng, Cty đã không xem xét kỹ các khía cạnh của pháp luật khi mời ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia HĐQT, khiến dư luận đánh giá không tốt, dễ suy diễn theo hướng tiêu cực về quá trình Cty triển khai dự án.
Ý này xem ra cần bàn cho rõ đây.

Không ai được quyền cho rằng không biết luật để phạm luật, đó là một nguyên tắc của pháp lý. Cty CP đầu tư Đèo Cả không biết, còn ông Hồ Nghĩa Dũng, từng giữ chức vụ bộ trưởng, cũng không biết quy định của pháp luật. Cụ thể ở đây là Nghị định 102/2007/NĐ-CP quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ.
Khi còn đương chức, ông Hồ Nghĩa Dũng ký quyết định chỉ định thầu nhà đầu tư là Cty CP Đầu tư Đèo Cả cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả. Sau 8 tháng về hưu, ông Dũng tham gia ban lãnh đạo Cty CP Đầu tư Đèo Cả. Vậy thì, dư luận phải hiểu như thế nào cho đúng bản chất của sự việc. Tại sao lại dám trách dư luận “dễ suy diễn theo hướng tiêu cực”, chẳng lẽ phải suy diễn theo hướng tích cực hay sao?

Và việc gì phải xin lỗi dân, dân liên quan gì đến việc này? Ở đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, cứ theo luật mà xử. Điều 9 của Nghị định 102 quy định: “Người thôi giữ chức vụ vi phạm các quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật”. Không cần phải xin lỗi.

Có quá nhiều cách để quan chức dọn “sân sau” cho mình trước khi về hưu. “Sân” đó có thể là phê duyệt một dự án, “sân” đó có thể là bổ nhiệm một loạt cán bộ. Không ai chứng minh được việc chi “hoa hồng” cho các chữ ký, nhưng người ta có quyền hoài nghi trước những hiện tượng như vậy. Cũng chính vì lẽ đó mà pháp luật được ban hành để ngăn chặn những hành vi dọn “sân sau”.

Theo như thông cáo, ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia HĐQT để đóng góp tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm thực hiện một mô hình mới, có sự hợp tác công - tư để xây dựng một công trình lớn, có lợi cho đất nước, chứ không vì mục đích kinh tế. Có thể đúng như vậy, nhưng để thuyết phục được dư luận về điều này không phải chỉ dựa trên lời lẽ của một thông cáo báo chí. Trường hợp như ông Hồ Nghĩa Dũng chắc không phải cá biêt. Thật không may cho ông Hồ Nghĩa Dũng!
 

Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo