"Không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu Bộ trưởng Bộ Y tế"
"Bộ Y tế cũng không thể quán xuyến hết được vì nó không chỉ riêng với ngành y tế mà đối với các ngành nói chung thì việc thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương khá triệt để"
Năm 2013 được coi là năm sóng gió của ngành y tế nước nhà, dư luận cho rằng lỗi để xảy ra tiêu cực là do Bộ trưởng Bộ Y tế chưa thực hiện quản lý tốt. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội về việc trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế và cán bộ thanh tra ngành y về những tiêu cực của ngành.
PV: Thưa ông, năm 2013 đã dần khép lại với biết bao câu chuyện tiêu cực và đau lòng trong ngành y tế như vụ trẻ tử vong sau khi tiêm vacxin, thẩm mỹ viện Cát Tường, nhân bản kết quả xét nghiệm, trẻ tử vong tại phòng khám chui của bác sĩ. Mỗi vụ việc xảy ra, người ta lại đổ trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Y tế, thậm chí nhiều người còn tạo ra một diễn đàn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải từ chức. Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự cảm thông với Bộ trưởng Bộ Y tế: “có nhiều việc nằm ngoại sự tính toán của tư lệnh ngành và không thể giải quyết được”. Về phần mình, ông có sự chia sẻ như thế nào với tư lệnh ngành y?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Để xảy ra những vụ việc đau lòng của ngành y trong năm qua, trước hết phải nói là hệ thống y tế có vấn đề mà nói rộng ra là vấn đề của quản lý nhà nước. Vấn đề y tế xảy ra nó có liên quan đến lỗi hệ thống của ngành. Khi sự việc xảy ra chúng ta cần có đánh giá đúng mức xem vai trò của Bộ Y tế đến đâu vì với tư cách là bộ máy quản lý nhà nước cụ thể ở đây là với ngành y tế nên Bộ Y tế đương nhiên phải có trách nhiệm với hoạt động chung của toàn ngành có cơ chế hoạt động làm sao cho phù hợp với quản lý nhà nước cũng như kiếm soát hệ thống.
Tuy nhiên, tôi nghĩ Tổng Bí thư nói đúng vì không những cần chia sẻ với Bộ trưởng bộ y tế mà cần chia sẻ với nhiều các Bộ trưởng khác vì lâu nay chúng ta thực hiện phân cấp tương đối mạnh cho chính quyền các cấp. Bộ Y tế cũng không thể quán xuyến hết được vì nó không chỉ riêng với ngành y tế mà đối với các ngành nói chung thì việc thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương khá triệt để. Vì thế, khi phân cấp chính quyền địa phương mà việc xảy ra trên địa bàn thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm, không thể đổ hết lên đầu Bộ trưởng Bộ Y tế được.
PV: Trong năm qua, ngành y vấp phải khá nhiều sóng gió và hầu hết sự giải trình của các địa phương đều vin vào yếu tố cán bộ. Các địa phương khi nhắc đến xảy ra tiêu cực đều than do lực lượng mỏng, không quán xuyến hết được. Phải chăng, biên chế nhà nước cho cán bộ ngành y còn thiếu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Giải trình lực lượng mỏng, chúng tôi thường gọi đó là "hội chứng lực lượng mỏng" cái hội chứng này xảy ra vì tôi thấy qua diễn đàn của Quốc hội cứ có vấn đề gì xảy ra đều đổ lỗi cho lực lượng mỏng nhưng lực lượng thế nào là mỏng, thế nào là lực lượng dày thì không ai nói ra cả. Đến nay, thế nào là lực lượng vừa đủ, đúng mức, mỏng hay dày không có định nghĩa cụ thể, cũng không ai biết người ta chỉ đổ lỗi rằng lực lực còn mỏng.
Bây giờ thế nào là mỏng, tôi thấy thực ra có một số ngành như thanh tra sở chỉ có vài người lo cả tỉnh thì cũng khó khăn thật. Nhưng hiện nay ngoài công tác thanh tra còn có công tác kiểm tra của quản lý nhà nước chứ không dồn hết cho cơ quan chuyên trách nhà nước được.
Còn là bây giờ thế nào, theo tôi phải cụ thể bảo thanh tra y tế lực lượng mỏng vậy làm thế nào để đáp ứng được, cần có thống kê, nhiệm vụ như thế nào để quản lý được vì ít nhất trên địa bàn cũng không thể nắm hết được việc nhỏ nhất nhưng không phải là không biết.
Nói ví dụ cụ thể, trong ngành y tế thì đối với thanh tra sở y tế họ có trách nhiệm thanh tra trên toàn tỉnh nhưng mà bên cạnh đó là trách nhiệm kiểm tra của phòng y tế cấp huyện đến đâu chứ bây giờ trên địa bàn cả tỉnh, địa bàn rộng, dân cư lớn mà cứ giao hết cho thanh tra sở thì làm sao có thể bới tất cả từng địa bàn một. Ở mỗi câu chuyện trách nhiệm của chính quyền địa phương cần làm rõ. Đối với cấp phường, xã có thể kiểm tra chuyên ngành khó nhưng đối với quận, huyện thì rõ ràng phải có trách nhiệm trong việc đó. Tôi không thể tin có cơ sở hành nghề trái phép trên địa bàn mà không cán bộ nào biết. Ví dụ cơ sở giữ trẻ trái phép bùng lên ở thành phố Hồ Chí Minh mà lại nói không biết đó là cái vô lý. Thực ra, thanh tra sở không với hết, thanh tra của bộ càng không thể làm hết.
PV: Thưa ông, trong số những vụ tiêu cực của y tế xảy ra gây bức xúc dư luận có cả của cơ sở y tế công như vụ ở Hoài Đức, tử vong sau khi tiêm vacxin nhưng vụ việc xảy ra ở các cơ sở y tế tư nhân gây bức xúc cho người dân nhiều hơn. Những tiêu cực như vụ Cát Tường, ăn bớt vacxin hay những sai phạm ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đi ngược với chủ trương xã hội hóa ngành y của nước ta. Vậy để phát triển xã hội hóa y tế hơn nữa, ông cho biết cần có biện pháp lâu dài như thế nào?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Theo tôi chủ trương xã hội hóa y tế là chủ trương đúng đắn nhưng đi liền với chủ trương đó mà trực tiếp là cơ quan nhà nước cho phép tổ chức y tế tư nhân đi liền với trách nhiệm của mình. Ngoài cấp phép phải có việc kiểm tra thường xuyên chứ không thể cứ cấp phép xong rồi lại để yên đó không kiểm tra.
Vì thế, thực tế hiện nay các cơ sở y tế tư nhân thường chỉ xin phép cho đủ thủ tục. Họ biết không có ai "sờ" đến nữa nên họ muốn làm gì thì làm. Có những phòng khám đến vài năm chả bị "sờ" đến nên người ta cứ tranh thủ. Người ta coi việc kiểm tra và thanh tra của nhà nước như ném đá ao bèo, cứ có đoàn đi kiểm tra chấn chỉnh được 1 tý rồi lại đâu vào đấy cả.
Chính vì cách kiểm tra như thế này nên mới xảy ra có nhiều phòng khám sai phạm vẫn cứ sai phạm. Kiểm tra trước sai phạm trước, kiểm tra lại vẫn cứ sai phạm. Đặc biệt là một số phòng khám có yếu tố nước ngoài dù chúng ta đã xiết chặt nhưng quản lý vẫn buông lỏng dẫn đến những phòng khám này vẫn có đất để tồn tại.
Theo tôi, nên chấn chỉnh việc cấp phép và thanh kiểm tra. Nếu còn để xảy ra tình trạng thanh kiểm tra như vừa qua thì còn nhiều câu chuyện đau lòng trong ngành y xảy ra. Khi đó, chúng tôi không thể đổ lỗi cho người làm Bộ trưởng.
Vâng xin cảm ơn ông!
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo