Bất động sản

"Lĩnh vực đất đai sẽ được đặc biệt quan tâm trong năm 2014"

Lĩnh vực đất đai sẽ được đặc biệt quan tâm trong năm 2014 - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trong cuộc phỏng vấn của phóng viên khi đề cập tới những kết quả đạt được trong năm qua, cũng như những khó khăn, thách thức cần giải quyết trong năm 2014.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang

PV: Thưa Bộ trưởng, trả lời một số phóng viên báo chí sau khi nhận cương vị mới là người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường, ông có nói “tôi tự tin ngồi trên ghế nóng”. Vậy trong thời gian qua những vấn đề nào của ngành tài nguyên và môi trường khiến Bộ trưởng quan tâm, trăn trở nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đúng là tôi đã từng khẳng định như vậy. Tôi tự tin vì có một đội ngũ cộng sự, nhất là các đồng chí Thứ trưởng đã giúp tôi đảm nhiệm tốt vai trò của người lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường. Đến nay, sau hơn hai năm “đương chức” Bộ trưởng, tôi đã tìm hiểu tình hình và xác định các lĩnh vực Bộ được giao quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đều rất quan trọng. Tuy vậy, tôi quan tâm hơn cả đó là đất đai - lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến cuộc sống của người dân.
 
 Vừa qua, trên các kênh thông tin đại chúng cũng đã đề cập rất nhiều về vấn đề này. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nên việc quản lý về đất đai, khoáng sản, môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo trong thời gian qua của ngành cũng đã giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
 
PV: Thưa Bộ trưởng, Luật Đất đai được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vừa qua với nguyện vọng tiếp tục giải quyết tình trạng khiếu kiện về đất đai, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho cả người thi hành công vụ và người dân. Vậy trong năm 2014 những hoạt động nào sẽ được ngành thực hiện để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào thực tiễn?
 
 Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Phải nói rằng quá trình xây dựng Luật Đất đai 2013 đã được Quốc hội thông qua là rất công phu. Có lẽ là chưa có một Luật nào mà phải thảo luận tới 3 kỳ họp mới thông qua được cùng với Hiến pháp. Tất nhiên sự kỳ vọng là rất lớn, song đất đai là lĩnh vực rất phức tạp nên một số vấn đề cũng cần tiếp tục được thảo luận, nghiên cứu và làm rõ.
 
Do vậy, nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2014 là ban hành các văn bản, hoàn thành các Thông tư, Nghị định để Chính phủ ban hành trước ngày Luật Đất đai đi vào cuộc sống, tức là ngày 1/7/2014. Trên cơ sở đó, Bộ cũng đang lấy ý kiến của các địa phương về các vấn đề đang được quan tâm là thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giá đất, khung giá đất
 
Ngoài ra, một nhiệm vụ hết sức quan trong nữa là tuyên truyền nội dung pháp luật về đất đai tới người dân các địa phương. Tất nhiên, việc này cần phải có một chương trình, kế hoạch từ Bộ tới Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương như: Tổ chức  tuyên truyền, học tập, soạn các văn bản để người dân dễ hiểu. Ví dụ như khi thu hồi đất thì được bồi thường, hỗ trợ như thế nào…
 
PV: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Bộ trưởng có thể cho biết những kế hoạch cụ thể của ngành để ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2014?
 
 Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Như chúng ta đã biết, biến đổi khí hậu là vấn đề rất phức tập, gây ra nhiều hậu quả hết sức nặng nề. Có thể lấy ví dụ như tại đồng bằng Sông Cửu Long, hiện mực nước biển đã bắt đầu dâng cao chứ không phải đợi đến năm 2100. Vì vậy, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về phòng chống biến đổi khí hậu; trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì, giúp Ủy ban Quốc gia giải quyết các vấn đề liên quan về biến đổi khí hậu
 
 Cùng với đó, Bộ giúp Chính phủ xây dựng các chiến lược quốc gia, cũng như các kế hoạch hành động phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu cùng với Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ mội trường". Đây là cơ sở rất quan trọng để các địa phương “bắt tay” vào xây dựng các kế hoạch hành động
 
Ngoài ra, Bộ cũng đã triển khai một số kế hoạch khác như hợp tác quốc tế, kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ nước ngoài. Đây được coi là nguồn lực quan trọng để giải quyết một số công trình cấp bách liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
 
PV: Trong năm 2013 nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã bị phát hiện, phần lớn các vụ việc thông tin là do người dân cung cấp. Bộ trưởng nhìn nhận thực tế này như thế nào, phải chăng công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của chúng ta còn yếu kém?
 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Môi trường có thể nói là vấn đề của cả xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế, môi trường cũng phải bị ô nhiễm, nhưng chúng ta chấp nhận được mức nào thì cũng cần phải tính toán. Do vậy, chúng ta phải làm sao kiểm soát được hành vi gây ô nhiễm, đặc biệt là tình trạng xả thải tại các khu công nghiệp, làng nghề đang rất nghiêm trọng
 
Trong thời gian qua, phải khẳng định là công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường cũng đã được nâng cao. Nhờ đó một số vụ việc vi phạm cũng đã được lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều trường hợp vi phạm vì số lượng doanh nghiệp của chúng ta lớn lắm, nên tình trạng xả thải gây ô nhiễm là rất phức tạp.
Bởi vậy, trong năm nay, ngành tài nguyên và môi trường chúng tôi sẽ tập trung mạnh mẽ hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp liên quan nhiều đến hóa chất, xả thải gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực.
 
PV: Về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, năm 2013 Chính phủ đã siết lại việc quản lý tài nguyên khoáng sản để hạn chế tối đa tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật. Bộ trưởng có thể chia sẻ các giải pháp về tăng cường quản lý quản trị tài nguyên khoáng sản trong thời gian tới?
 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Khoáng sản cũng là một vất đề rất “nóng,” nhưng từ khi có Luật khoáng sản năm 2010, tình hình quản lý khai thác khoáng sản đã chặt chẽ hơn nhiều. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất khoáng sản xây dựng các văn bản chi tiết hơn.
 
Tuy nhiên, vì khoáng chúng ta có hạn nên các địa phương cần nhận thức đầy đủ về pháp luật, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai khoáng trên địa bàn. Phải khẳng định tài nguyên khoáng sản là nguồn lực phát triển đất nước, song chúng ta không thể tự do đào bới. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh là chúng ta được khai thác đất đai, tài nguyên nhưng phải nghĩ đến con cháu của chúng ta sau này.
 
Với tinh thần đó, trong thời gian tới Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, cũng như đảm bảo tài nguyên khoáng sản được quản lý, khai thác một cách hợp lý, đúng pháp luật.
 
PV: Bước sang năm mới, ngành tài nguyên và môi trường sẽ chọn lĩnh vực nào làm trọng tâm công tác và thông điệp của Bộ trưởng gửi đến cán bộ, công nhân viên toàn ngành và nhân dân cả nước trong năm 2014 là gì, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Năm 2014 này chúng tôi xác định là một năm rất quan trọng-năm giữa nhiệm kỳ. Do đó, trong năm nay chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là ban hành các văn bản liên quan đến đất đai, để ngày 1/7, Luật Đất đai chính thức có hiệu lực.
 
Hơn nữa, trong Luật Đất đai có nội dung cấp giấy chứng nhận đã được triển khai thực hiện rất tốt trong năm 2013. Song một số loại đất chưa cấp đạt chỉ tiêu cũng cần phải hoàn thành, nhất là tăng cường quản lý các số liệu đã đo đạc để đưa vào hệ thống quản lý trên toàn quốc đối với từng thửa ruộng.
 
Vấn đề thứ hai chúng tôi quan tâm đó là Luật Bảo vệ môi trường sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây. Đây cũng là lĩnh vực rất quan trọng liên quan trực tiếp đến mọi người dân. Trong năm nay Bộ cũng xác định là năm tập trung thanh tra, kiểm tra các hoạt động môi trường trên cả nước, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
 
Song song với đó, Bộ sẽ tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, xây dựng Luật về quản lý tài nguyên môi trường biển. Trên cơ sở đó, tôi đề nghị cán bộ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường trên cả nước tiếp tục thực thi tốt pháp luật, để đảm bảo nguồn tài nguyên của đất nước được quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững đồng thời tạo một môi trường sống trong lành cho mọi người dân.
 
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
 

 

Châu Loan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo