Doanh nhân

"Made in USA" đua chi phí với "Made in China"

Thực tế cho thấy chi phí lao động điều chỉnh năng suất ở Trung Quốc (TQ) chỉ rẻ hơn so với ở Mỹ là 4%. Hàng "made in China" không rẻ như người ta tưởng.

Dù đồng USD trên đà tăng giá kể từ năm 2014, nhưng sản xuất của Hoa Kỳ đang được hưởng lợi từ một nền kinh tế có năng suất cao nhất thế giới, thị trường lao động linh hoạt, năng lượng giá rẻ và thị trường nội địa lớn. Đây là kết quả nghiên cứu mới của Oxford Economics, cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới trong cạnh tranh, đặc biệt là ưu thế từ năng suất cao.

Hàng Mỹ đọ chi phí với hàng Trung Quốc

"Mặc dù đang đối mặt với những khó khăn từ đồng USD mạnh và sự sụp đổ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đá phiến, nhưng nền sản xuất của Mỹ vẫn cạnh tranh nhất thế giới", nhà phân tích Gregory DACO và Jeremy Leonard cho biết. Theo US Trust, dân số Mỹ chỉ bằng 4,5% dân số thế giới nhưng nước này hiện chiếm đến 1/5 GDP toàn cầu.

Ấn tượng hơn khi biết rằng sản lượng sản xuất trên mỗi người lao động tại Mỹ đã tăng khoảng 40% từ năm 2003 - 2016, so với 25% ở Đức và 30% ở Anh. Dù năng suất đã tăng gấp đôi ở Ấn Độ và TQ, nhưng Hoa Kỳ vẫn có năng suất cao hơn hai quốc gia đông dân này 80% - 90%. Năng suất rất cao đã giúp kinh tế Mỹ giảm chi phí lao động - tiền lương.

"Kể từ khi tốc độ tăng lương ở TQ tăng tăng nhanh hơn năng suất và đồng nhân dân tệ trên đà tăng giá, chi phí lao động của TQ hiện nay chỉ thấp hơn Mỹ 4%", các nhà phân tích của Oxford Economics cho biết.

Tuy nhiên, ngoài khó khăn do tiếp tục thâm hụt thương mại với TQ, kinh tế Mỹ vẫn có những rủi ro phía trước. Nếu giá đồng USD tăng 20% chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới năng lực cạnh tranh của Mỹ và một lần nữa TQ vẫn là một trung tâm sản xuất hấp dẫn toàn cầu, cũng như giúp các nhà sản xuất Nhật Bản có thêm lợi thế đáng kể.

Chỉ trích TQ là một chủ đề nóng trong nền chính trị Mỹ hiện nay. Đặc biệt, ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đã đổ lỗi cho TQ về sự suy giảm của tầng lớp trung lưu Mỹ thông qua thao túng tiền tệ và chính sách thương mại một chiều.

Năng suất lao động

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia M.I.T ước tính, khi Mỹ tăng nhập khẩu từ TQ trong thời gian từ năm 1999  đến 2011 đã làm mất đi 2,4 triệu việc làm tại Mỹ. Cách đây 2 năm, Tổng thống Barack Obama đã thúc đẩy chính sách "phục hưng" sản phẩm "sản xuất tại Mỹ” (made in USA) với giải thưởng lên tới 40 triệu USD cho những ý tưởng tốt nhất nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm. Kèm theo đó là nhiều chính sách khuyến khích các công ty Mỹ đưa việc làm trở lại quê hương. Hàng loạt công ty lớn của Mỹ đã hưởng ứng chính sách này. Chẳng hạn, General Electric đã đưa dây chuyền sản xuất máy giặt, tủ lạnh và máy nước nóng từ TQ về tiểu bang Kentucky. Hãng Apple bắt đầu xây dựng một dây chuyền sản xuất máy tính Mac tại Mỹ.

Các hãng công nghệ và sản xuất lớn như Google, General Electric, Caterpillar và Ford đang chuyển dần sản xuất trở về nước Mỹ hoặc xây dựng thêm nhà máy ở Mỹ... Ngoài hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Obama, các doanh nghiệp còn có những tính toán thực dụng hơn nhiều. Chẳng hạn, lâu nay, Wal-Mart quan hệ với TQ như nguồn cung ứng hàng lớn nhất, nhằm giảm giá thành bán ra và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, Wal-Mart thường mua số lượng nhiều hơn nhu cầu vì thời gian giao hàng dài, vì thế chi phí tồn kho cũng rất cao.

Cuộc "hồi hương" của hàng loạt thương hiệu Mỹ diễn ra trong bối cảnh chi phí lao động tại các "công xưởng thế giới" như Trung Quốc, Ấn Độ tăng. Chẳng hạn, theo Boston Consulting Group, giá nhân công sản xuất ở TQ đã tăng gấp ba lần chỉ trong một thập niên qua, từ khoảng 4,35 USD/giờ năm 2004 lên gần 13 USD/giờ. Vì thế, TQ không còn ưu thế sản xuất giá rẻ như trước.

Theo bảng xếp hạng chi phí sản xuất trên toàn thế giới của Boston Consulting Group mới đây, Mỹ hiện đang ở vị trí thứ 7, theo sát sau TQ. Khi chi phí sản xuất ở TQ, Brazil, Ấn Độ... liên tục tăng trong một thập niên qua, chi phí tại Mỹ lại gần như không thay đổi nhờ mức lương lao động không tăng, chi phí năng lượng giảm và khoa học kỹ thuật hiện đại giúp tăng năng suất.

Theo Bloomberg, mỗi USD chi phí sản xuất tại Mỹ hiện tương đương với 96 xu sản xuất ở TQ. "Ai cũng nghĩ sản xuất ở TQ khi nào cũng rẻ hơn nhưng mọi chuyện thay đổi nhanh hơn người ta có thể tưởng tượng", Harold L. Sirkin, đối tác của Boston Consulting cho biết.

Lam Hồng/Doanhnhansaigon

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo