Người đối diện thường đánh giá bạn trên 2 tiêu chí trong lần gặp mặt đầu tiên
Giáo sư Amy Cuddy tại Trường Kinh doanh Harvard đã cùng với 2 nhà tâm lý học Susan Fiske và Peter Glick nghiên cứu trong hơn 15 năm chủ đề “Ấn tượng đầu tiên”, và đã đưa ra được kết luận về sự tương tác này dựa trên những kết quả nghiên cứu.
Trong cuốn sách mới của mình - "Sự hiện diện", Cuddy nói rằng mọi người thường đặt ra 2 câu hỏi và nhanh chóng tìm câu trả lời ngay sau đó khi họ gặp bạn lần đầu tiên:
• Người này có đáng để tôi tin tưởng không?
• Người này có đáng để tôi tôn trọng không?
Các nhà tâm lý đã tham khảo nhiều ý kiến và thấy rằng, sẽ vô cùng lý tưởng nếu bạn thể hiện được cả sự nhiệt tình lẫn năng lực của bản thân trong lần gặp đầu.
Người đối diện thường đánh giá bạn dựa vào 2 tiêu chí trong lần đầu gặp mặt.(Ảnh minh họa)
Một điều thú vị là, Cuddy thấy rằng hầu hết mọi người và đặc biệt là những người trong môi trường đòi hỏi tính chuyên nghiệp đều tin rằng năng lực là yếu tố quan trọng hơn cả. Vì rằng sau tất cả, chúng ta đều chỉ muốn chứng minh chúng ta là người thông minh và có đủ tài năng để xử lý thỏa đáng mọi công việc của mình.
Nhưng trên thực tế, sự nhiệt tình, hoặc đáng tin cậy, mới là yếu tố quan trọng nhất trong cách mà mọi người đánh giá bạn. Cuddy nói, "Từ quan điểm “tiến hóa”, để tôi có thể tồn tại và sinh tồn trong thế giới này, thì việc biết rằng liệu một người có xứng đáng với sự tin tưởng của tôi hay không là vô cùng quan trọng".
Hãy hình dung như thế này, thời tiền sử người ta thường tìm hiểu kỹ người đồng hành của mình rằng liệu anh ta có thể sẽ giết mình bất ngờ và “cuỗm” hết tài sản của mình đi hay không, hơn là việc nghĩ xem khả năng nhóm lửa của anh ta tốt hay kém như thế nào.
Trong khi có nhiều ý kiến đánh giá cao việc thể hiện năng lực, thì Cuddy cho rằng điều đó chỉ được đánh giá sau khi niềm tin được thiết lập. Tập trung quá nhiều vào việc thể hiện năng lực có thể gây phản tác dụng.
Cuddy nhiên cứu thấy rằng những thực tập sinh MBA thường chỉ quan tâm đến việc thể hiện trí thông minh và năng lực của bản thân, mà bỏ qua tất cả các sự kiện xã hội mang tính tập thể và không hề yêu cầu bất cứ sự giúp đỡ nào, để rồi cuối cùng trở nên khó gần gũi và khó hòa nhập.
Những “cá nhân xuất sắc” này chỉ tỉnh ngộ khi họ không hề nhận được bất cứ lời mời làm việc nào, bởi vì các nhà tuyển dụng sẽ không thể biết họ là người thế nào và liệu họ có đáng để tin tưởng hay không.
"Nếu bạn đang cố gắng tạo ấn tượng với một ai đó nhưng họ lại không tin tưởng bạn, thì bạn sẽ không thể tiến xa hơn được. Trong thực tế, bạn có thể khiến người ta nghi ngờ rằng bạn đang cố thao túng điều khiển họ”, Cuddy nói.
"Những người mang lại cảm giác ấm áp và đáng tin cậy luôn được ngưỡng mộ, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra sau khi bạn tạo lập được sự tin tưởng cho người đối diện. Hãy biến sức mạnh của mình trở thành một món quà chứ đừng để nó trở thành mối đe dọa cho chính bản thân bạn."
Tổng hợp theo Cafebiz/Trí Thức Trẻ/B.I
End of content
Không có tin nào tiếp theo