Doanh nghiệp

“Nguồn sáng thế kỷ 21” tìm chỗ đứng ở Việt Nam

Các nhà nghiên cứu dự báo, thị trường đèn LED toàn cầu sẽ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2011 lên mức 3,7 tỷ USD năm 2016. Các công ty cung cấp LED đều xếp hạng mười mấy công ty hàng đầu trên thế giới. Ở Việt Nam, những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ đèn LED lại gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Phó chủ tịch thường trực Hội chiếu sáng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Tự tin chỉ Việt Nam có

Theo đánh giá của các chuyên gia, với chip phát sáng tia Blue, đèn LED ánh sáng trắng đạt tới hiệu suất 200 Lm/w, hiệu suất cao nhất trong các nguồn sáng phổ biến hiện nay và trở thành nguồn sáng thế kỷ 21.

 

Từ đèn LED chỉ dùng trong các mục đích đèn báo trên thiết bị, tín hiệu giao thông và trang trí màu sắc, nay đã sử dụng trong tất cả các lĩnh vực chiếu sáng trong nhà, ngoài trời, kể cả trên các phương tiện giao thông thủy, bộ, hàng không và các con tàu vũ trụ.

 

Theo PGS.TS Phạm Hồng Dương, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, nếu thay thế 20% các bóng đèn truyền thống bằng đèn LED, điện năng tiêu thụ ở Việt Nam hàng năm sẽ giảm được khoảng 2TWh, tương đương với 1,23 triệu tấn CO2. Đối với người tiêu dùng, để đạt được cùng một hiệu quả chiếu sáng như bộ đèn sợi đốt, đèn LED sẽ tiết kiệm được 10 lần điện năng.

 

Bên cạnh đó, đèn LED có tuổi thọ cao hơn bóng đèn sợi đốt 30 lần và cao hơn bóng đèn compact 4 – 5 lần.

 

Với tính năng và ứng dụng đa dạng trọng đời sống, đèn LED giúp cho các công ty có được chỗ đứng trên thế giới. Công ty Nichia của Nhật Bản, quê hương của ba phát minh Blue LED vừa được nhận giải Nobel Vật lý năm 2014, luôn là công ty đứng đầu thế giới.

 

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) là công ty đi đầu trong chiến lược phát triển công nghệ đèn LED. Minh chứng cho điều này là việc cho ra đời Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông với nhiệm vụ chính là nghiên cứu và phát triển sản phẩm LED, tập hợp nhiều chuyên gia hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực chiếu sáng.

 

Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, Phó chủ tịch thường trực Hội chiếu sáng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, để đưa được sản phẩm chiếu sáng LED vào điều kiện của Việt Nam phải có một sản phẩm chất lượng phù hợp với yêu cầu. Đặc biệt, giá cả phù hợp với sức mua của người Việt Nam, phù hợp với những điều kiện sử dụng về thời tiết, khí hậu, đối tượng sử dụng.

 

Để cạnh tranh được các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường, ông Thăng cho rằng, nếu dùng nguyên vật liệu như cũ, làm như cũ thì không thể nào cạnh tranh được với các sản phẩm của Trung Quốc bởi họ có số lượng cực lớn. Vì thế giá thành của họ rẻ hơn. Nhưng nếu chúng ta đưa hàm lượng chi tiết về vật liệu mới vào những chi tiết nội địa hóa thì có thể cạnh tranh được.

 

Sáng tạo thêm các sản phẩm mới cũng là một trong những yếu tố nhằm cạnh tranh được trên thị trường. Phải tạo được sự khác biệt sản phẩm của chúng ta với sản phẩm của những hãng nước ngoài và nhập khẩu. “Chúng tôi đã tạo ra những sản phẩm và đăng kí độc quyền về giải pháp hữu ích cũng như sáng chế mà chỉ có ở Việt Nam chúng ta mới có, thậm chí có những sản phẩm trên thế giới chưa có”, ông Thăng cho biết.

Dây chuyền sản xuất bóng đèn LED của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Nhưng vẫn sợ “copy mù”

Thế nhưng, ông Thăng thấy “thiếu niềm tin” vào một thị trường minh bạch. Hàng chục hãng LED Trung Quốc chất lượng thấp, đưa hàng nhập lậu, trốn đủ mọi thứ thuế đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Nhiều tổ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ nhập linh kiện Trung Quốc lắp ráp, sao chép kiểu “copy mù” tung hàng ra thị trường với bao bì choáng ngợp tuổi thọ trên 50.000 giờ, 100.000 giờ, đèn công suất 2w ghi nhãn 5w với đủ thứ siêu sáng, siêu bền, siêu tiết kiệm hiện đang tràn ngập thị trường Việt Nam.

 

Quản lý thị trường “Kiểm tra phân bón phải nếm thử, thì sản phẩm LED còn mù mờ, tệ hại hơn” ông Thăng cho biết. Càng tuyên truyền cái hay cái tốt của LED trong khi thực tế người tiêu dùng đang gặp phải những LED kém chất lượng, làm giả như vậy càng phản cảm. Điều đó sẽ là rào cản lớn trong phát triển sản phẩm LED ở Việt Nam. Các nhà sản xuất làm ăn nghiêm túc, bài bản, trung thực đang bị thiệt thòi.

 

Vẫn theo ông Thăng, trước đây,  trong quá trình  phổ biến, vận động đèn compact, hàng compact của Trung Quốc cũng tràn ngập vào, giá chỉ bằng nửa sản phẩm của Rạng Đông, nhưng sau một thời gian người tiêu dùng Việt Nam nhận ra là giá rẻ, hào nhoáng chưa chắc đã tốt.

 

“Chúng tôi tin sự nhạy cảm, hiểu biết, tinh tế của người tiêu dùng Việt Nam trong thực tiễn từng bước xác định được sản phẩm nào là sản phẩm tốt. Với tinh thần như thế, chúng tôi kiên trì phấn đấu làm trung thực, nghiêm túc, chất lượng đến mức nào thì báo cáo, công bố với bà con như vậy và có trách nhiệm đến cùng”, ông Thăng chia sẻ.

 

Ông cũng tin Rạng Đông sẽ thắng trên sân nhà cũng như Việt Nam từng thắng những làn sóng ngoại như  phích ngoại, bóng đèn tròn ngoại, đèn compact ngoại. Tin vì sự làm ăn nghiêm túc, đứng đắn sản phẩm LED của Rạng Đông.

 

Bên cạnh việc cạnh tranh thị trường, Công ty Rạng Đông cũng giống như các doanh nghiệp sản xuất khác, phải gặp vấn đề về hàng thật hàng giả. PGS.TS Đỗ Xuân Thành, Giám đốc Khoa học R&D Center Rạng Đông lo lắng, nguy cơ quyền bảo hộ các sản phẩm mang thương hiệu Rạng Đông bị xâm hại. Với đặc thù Việt Nam, dù mang đi đăng ký bản quyền sản phẩm, các hãng khác chỉ cần mua sản phẩm về và mổ xẻ, đo đạc, bắt chước là xong ngay.

 

Hà Nội cũng chưa cần?

Ứng dụng và hiệu quả đèn LED thấy rõ, nhưng ngay trên đường phố Hà Nội  gần như chẳng thấy mấy. Một số tòa nhà sử dụng đèn LED trong trang trí quảng cáo như Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam – GELEX, tòa nhà Charm Vit Tower, xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang, trang trí trên một số cầu vượt.

 

KS. Lê Trung Kiên, Công ty Hapulico giải thích, do chi phí đầu tư ban đầu cao, một bộ đèn LED có công suất 100-160W là 15 – 20 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư cho một bộ đèn chiếu sáng đường phố sử dụng bóng Sodium chỉ 3 – 3,5 triệu đồng.

 

Bên cạnh đó, còn hạn chế về kỹ thuật.  Với những đường phố lớn, có mặt cắt ngang rộng, phải sử dụng  đèn LED có công suất lớn từ 200W trở lên. Trên thị trường Việt Nam hiện có ít hãng cung cấp chủng loại này. Mặt khác, chúng ta cũng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng cho phù hợp với điều kiện khí hậu nóng, ẩm và đặc thù đường phố tại Việt Nam. Chưa có đánh giá chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp nên "ánh sáng thế kỷ 21" vẫn phải chợ để tỏa sáng ở Việt Nam.

 Vấn đề phát triển cực kì nhanh của những sản phẩm LED trên thế giới đang là một thách thức rất lớn đối với các công ty sản xuất LED. Trung Quốc năm 2014 có 100 công ty sản xuất LED phá sản. Người ta đang dự báo năm 2015 có khoảng 300 công ty sản xuất LED phá sản bởi không cạnh tranh được trong thị trường này mặc dù những công ty ở Trung Quốc có điều kiệu vô cùng thuận lợi.

Không chỉ ở Trung Quốc, ngay cả những công ty sản xuất LED ở Hàn Quốc cũng rất nhiều công ty phá sản vì không giải quyết được bài toán tốc độ. Một sản phẩm LED trên thế giới cho đến lúc này khoảng sáu tháng, thậm chí ba tháng họ đã ra những sản phẩm mới và giá cả cũng thay đổi theo ba tháng, sáu tháng.

Nếu quá trình nghiên cứu  từ khi có một sản phẩm LED mới đặt hàng cho đến khi ra sản phẩm thời gian ra quá sáu tháng, quá chín tháng thì lúc đấy sản phẩm sẽ lạc hậu và không được chấp nhận.
 

 

Hồng Trang
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo