Góc nhìn

"Nới vốn cho vay trung dài hạn sẽ hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp"

Thông tư 36/2014/TT-NHNN vừa được ban hành đã nới tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn lên 60% thay vì 30% như trước đây. Đây được cho là động thái tích cực nhằm tạo nguồn cung vốn ra thị trường và tạo điều kiện giảm lãi suất.

 Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ. (Nguồn: VietinBank)

Phần lớn nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân hiện nay đều có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên trong khi nguồn tiền huy động của ngân hàng đa phần là ngắn hạn, chỉ một vài tháng. Để hiểu rõ hơn về sự ảnh hưởng của điều khoản này đối với một ngân hàng thương mại lớn, phóng viênVietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) xung quanh vấn đề này.

- Trong Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lên 60%, cao gấp đôi so với con số 30% hiện hành. Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi này, điều khoản này có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động cho vay của VietinBank hay không?


Ông Lê Đức Thọ: Nằm trong khuôn khổ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành rất nhiều thông tư, quy định liên quan đến giám sát, kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Thông tư 36 vừa được ban hành giúp tiếp tục hoàn thiện và tăng cường khuôn khổ pháp lý để kiểm soát tốt hơn hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu quả quản trị điều hành, hạn chế rủi ro, giúp hệ thống ngân hàng phát triển bền vững.

Chúng ta cũng biết, thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, thị trường tài chính phát triển chưa cân xứng đặc biệt là thị trường trái phiếu, cổ phiếu vẫn còn hạn chế nên các doanh nghiệp tiếp cận qua các thị trường này để khai thác các nguồn vốn vẫn còn giới hạn. Trên thực tế nguồn vốn mà các doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng.

Chính vì vậy, trong thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực huy động vốn trung và dài hạn nhưng đồng thời vẫn phải cân đối nguồn vốn ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng.

Việc điều chỉnh lần này của Ngân hàng Nhà nước rất cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường hiện nay, giúp ngân hàng thương mại có thể hỗ trợ tích cực hơn nữa cho quá trình phát triển cho doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn cho vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân. Trên cơ sở đó chúng ta có thể cải thiện sức cầu của nền kinh tế và khai thác tốt hơn thị trường nội địa Việt Nam.

Tuy nhiên, so với trước, quy định lần này đưa giới hạn lên 60% nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn là tính trên cơ sở thời hạn còn lại của nguồn vốn. Như vậy, với cách tính như thế sẽ đầy đủ hơn cũng như đáp ứng được yêu cầu về mặt quản trị giữa tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ tỷ lệ này và sẽ được điều chỉnh vào những thời điểm thích hợp, khi thị trường thay đổi thì có thể chính sách này cũng sẽ thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Với những kết quả tích cực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát tốt ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua, đặc biệt là năm nay CPI được dự báo năm 2014 sẽ không vượt quá 3%, nếu chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt được mặt vĩ mô cùng với những cải thiện chỉ số tăng trưởng kinh tế thì các ngân hàng thương mại có thể huy động tốt hơn nguồn vốn trung hạn và dài hạn bằng tiền VND. 

Hiện tại ở VietinBank nguồn vốn ngắn hạn được huy động khoảng trên 70%, vốn trung và dài hạn 30% trong tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng.

- Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, tỷ lệ 60% là mức nới tương đối lớn sẽ gây rủi ro cho thanh khoản của ngân hàng. Vậy VietinBank có giải pháp gì để hạn chế được những rủi ro trên?

Ông Lê Đức Thọ: Chúng tôi đã áp dụng quản trị ngân hàng để bảo đảm sự cân đối giữa tài sản nợ và tài sản có cũng như phòng ngừa các rủi ro về biến động của thị trường như lãi suất, tỷ giá hay những rủi ro biến động về tình hình thanh khoản của thị trường để đảm bảo hoạt động của ngân hàng được an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như hướng tới các thông lệ quốc tế. Với những kỹ thuật nghiệp vụ đó của ngân hàng, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ của cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi có thể bảo đảm việc thực hiện các tỷ lệ này sẽ được theo đúng quy định.

Giao dịch tại VietinBank. (Nguồn: VietinBank)

- Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là quy định giới hạn về cho vay cổ phiếu tại Thông tư 36 đã giảm từ mức 20% trước đây xuống còn 5%. Điều này có ảnh hưởng thế nào đối với hoạt động của các ngân hàng nói chung và với VietinBank, thưa ông?

Ông Lê Đức Thọ: Theo tôi, điều khoản này là cần thiết, giúp kiểm soát tốt hơn sở hữu, nhất là sở hữu chéo giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hơn cả là giúp hệ thống ngân hàng tiệm cận gần hơn với thông lệ của thế giới. Quy định này thể hiện được yêu cầu của nhà quản lý và cần thiết với thị trường hiện nay.

Tại VietinBank, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu chỉ chiếm 1% vốn điều lệ, so với giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước 5%. Như vậy, chúng tôi đang kiểm soát tốt vấn đề này.

- Trong Thông tư 36 cũng có quy định ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trên 3% thì không được cho vay chứng khoán, theo ông vấn đề này có ảnh hưởng tới tăng tín dụng chung của các ngân hàng?

Ông Lê Đức Thọ: Theo tôi, điều này là cần thiết, phải là những ngân hàng thực sự có chất lượng hoạt động tốt thì mới được cho vay chứng khoán. Nếu thực hiện đúng theo quy định này thì sẽ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn vốn của hệ thống ngân hàng và hoàn toàn không ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng.

Đối với VietinBank, bên cạnh đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thì chúng tôi đã kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các khâu kinh doanh để đảm bảo tăng tín dụng phải đi liền với hiệu quả và an toàn vốn. VietinBank đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi tối đa nợ hoặc tái cơ cấu khoản nợ, giúp doanh nghiệp có điều kiện tồn tại và cơ thể mở rộng phát triển.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng, phân loại nợ theo đúng quy định, tăng cường khả năng trích lập dự phòng rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đến hết tháng 10/2014 là 1,35% trên tổng dư nợ, nợ nhóm 2 là 0,31% trên tổng dư nợ, chất lượng tín dụng được kiểm soát bảo đảm.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VietnamPlus
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo