“Ổn định hơn mới nên nghĩ đến bỏ trần lãi suất”
“Chỉ nên dỡ bỏ trần lãi suất khi thị trường tài chính - tiền tệ thực sự ổn định. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước nên tập trung giải quyết những yếu kém tồn đọng, và chỉ khi thị trường ổn định hơn, hãy bàn đến vấn đề tự do hóa về lãi suất”.
Đó là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, hiện đang công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), liên quan đến quyết định điều chỉnh lãi suất mới đây của Ngân hàng Nhà nước.
Bình luận về đợt điều chỉnh giảm lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ khép lại một quyết định đi sau diễn biến thị trường. Còn ông nghĩ gì?
Tại thời điểm trước 2011, do tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng có vấn đề, hiện tượng vượt, lách trần lãi suất đã xảy ra. Do đó, các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước gần như không có tác dụng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 trở lại đây, với việc ổn định thị trường ngân hàng và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, công cụ lãi suất được sử dụng một cách chủ động, linh hoạt và có tính dẫn dắt thị trường, sát thị trường hơn, nên tỏ ra hiệu nghiệm hơn.
Tôi nhận thấy, các đợt hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, người dân quan tâm hơn. Dòng vốn tín dụng cũng đã được nắn vào những lĩnh vực cần ưu tiên hơn.
Với động thái giảm đồng loạt lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi, lãi suất tiền vay, theo ông chủ ý của Ngân hàng Nhà nước là gì?
Tín hiệu giảm lãi suất lần này đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra sớm và có định hướng. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm các mức lãi suất, thì thị trường không phản ứng mạnh mẽ, do đã cảm nhận và tự điều chỉnh dần trước đó.
Đây cũng là một cách làm hợp lý, tránh gây sốc, tương tự ứng xử của nhiều ngân hàng trung ương các nước.
Quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần này là khá kịp thời và phù hợp, trong bối cảnh tín hiệu lạm phát hai tháng đầu năm thấp, tăng trưởng tín dụng âm. Trong khi đó, Chính phủ và doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất cho vay giảm tiếp. Khi mà kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp còn khó khăn; các giải pháp dài hơi về xử lý nợ xấu, các gói hỗ trợ thị trường bất động sản…có độ trễ nhất định, thì biện pháp tiếp tục giảm lãi suất là khả thi hơn cả.
Xét về mặt tác động, rõ ràng là các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn; cùng với việc các ngân hàng quản lý hoạt động hiệu quả hơn; đây là hai nhân tố quan trọng giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người vay.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn đạt được mục đích giảm dần tình trạng đô la hóa, thông qua giảm lãi suất huy động USD. Việc giảm lãi suất lần này cũng góp phần củng cố thêm các yếu tố hỗ trợ xu hướng giảm của lãi suất trái phiếu Chính phủ đã và đang diễn ra.
Theo tôi, để hiệu quả hơn, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát và đưa ra đề nghị các ngân hàng thương mại sớm điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ở mức tối đa có thể, bao gồm cả các gói cho vay tiêu dùng, gói 30.000 tỷ đồng, gói cho vay “tam nông”…. nhằm kích cầu, đẩy tín dụng ra và tiếp tục hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên.
Có ý kiến cho rằng, hạ trần lãi suất tiền gửi VND ngắn hạn về mức 6%/năm sẽ thiệt cho người gửi tiền và rất có thể, dòng vốn tiết kiệm ngắn hạn chảy sang các kênh đầu tư khác?
Với tín hiệu lạm phát thấp trong hai tháng đầu năm, kỳ vọng lạm phát năm nay có thể ở mức như năm ngoái, ngoài trừ yếu tố giá cả thế giới có biến động mạnh và phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa trong nước không được tốt.
Với mức kỳ vọng lạm phát này, người gửi tiền hưởng lãi suất 6% kỳ hạn ngắn không bị âm. Ngoài ra, nếu người gửi tiền chọn kỳ hạn gửi dài hạn hơn, như thực tế đã xảy ra trong những ngày vừa qua, thì họ được hưởng lãi suất cao hơn và thực dương.
Và, cũng không nên quá lo ngại về việc tiền gửi tiết kiệm chuyển dịch nhiều sang kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản…, vì những kênh này vẫn được nhìn nhận còn nhiều rủi ro; nhất là trong bối cảnh vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã phải trả giá và thấm thía khi lao vào các lĩnh vực đầu cơ mạo hiểm.
Trong thời gian gần đây, cơ chế trần lãi suất huy động thường được xem là đã trở nên xơ cứng với thực tiễn. Liệu đã đến thời điểm thích hợp để bỏ trần lãi suất huy động, thưa ông?
Tôi nghĩ, hiện vẫn chưa phải là thời điểm chín muồi để bỏ trần lãi suất, do kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc, tiềm ẩn lạm phát còn nhiều; vẫn còn một số tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém với tình hình thanh khoản chưa thực sự tốt, vẫn huy động vốn ở mức lãi suất cao hơn mặt bằng thị trường.
Việt Nam chỉ nên dỡ bỏ trần lãi suất khi thị trường tài chính - tiền tệ thực sự ổn định. Theo tôi hiểu, Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt xử lý nốt những tổ chức tín dụng yếu kém này trong năm nay; thị trường sẽ ổn định hơn, khi đó, bàn đến vấn đề tự do hóa hoàn toàn lãi suất cũng chưa muộn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo