Góc nhìn

“Quy chuẩn chất lượng vàng nữ trang vô lý nhiều hơn có lý”

Đây là nhận định của ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, khi trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam về Thông tư 22/2013/TT-BKHCN (Thông tư 22) quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành.

Ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam

PV: Ông có thể đánh giá về những mặt tích cực của Thông tư 22 vừa được Bộ KHCN ban hành?

Ông Đinh Nho Bảng: Phải nói Thông tư 22 là việc làm rất tốt của Bộ KHCN để tiếp tục triển khai Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng. Thông tư 22 quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức và trong đó có phần vàng miếng. Là bước đi rất tích cực, tất nhiên so với Nghị định 24 thì hơi chậm. Nghị định 24 từ tháng 4/2012 mà đến tháng 9/2013 mới ban hành Thông tư, như vậy sau gần 1 năm rưỡi. Thông thường Nghị định ra phải có Thông tư hướng dẫn luôn thì mình đã để trống một khoảng thời gian đó.

Cũng có thể nói lần đầu tiên Bộ KHCN ban hành Thông tư đề cập đến việc quản lý đo lường trong kinh doanh và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ khi mà trên thị trường vấn đề này đang rất nóng bỏng, đang gặp nhiều vấn đề, uy tín của nhà sản xuất trên thị trường là câu hỏi lớn. Trước đây mua vàng trang sức ở đâu thì đâu bán đấy, chỗ khác không bán được. Lần này cơ quan Nhà nước ban hành Thông tư 22 cũng là bước đi tích cực, đáp ứng sự trông đợi của người tiêu dùng, để bảo vệ lợi ích của họ.

Đây cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi xử lý vi phạm có cơ sở. Quy định mang tính kỹ thuật tương đối chi tiết, rõ ràng từ các nguyên tắc, thủ tục cho tới khái niệm. Đó là những điểm tôi thấy được.

PV: Vậy còn những điểm cần phải bàn thêm là gì, thưa ông?

Ông Đinh Nho Bảng: Trong Thông tư này, chỉ đưa ra quy định vàng 999, còn vàng miếng, chính là vàng 9999 thì chưa được đề cập cụ thể. Như vậy, người ta hiểu là vàng 9999 ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó Thông tư đề cập quản lý cả vàng miếng. Cho nên đây có thể là một lỗ hổng, hoặc là đưa đối tượng hàng hóa này ra ngoài quy định của Thông tư.

Thực ra mà nói chênh lệch rất lớn, kể cả quy đổi. Trên 5 đưa lên 1, dưới 5 đưa về 0, đây lại không phải thế, không theo thông lệ, gây khó cho việc xử lý. Cuối cùng người sản xuất dễ lợi dụng, người ta lại làm hụt đi chút ít, chứ làm hơn làm gì.

Đây là vấn đề người dân đang quan tâm. Vấn đề nữa tồn tại, chưa xử lý được là hiện nay vàng trang sức, vàng miếng trên thị trường có rất nhiều nguồn, lịch sử để lại rất nhiều. Trước giờ không có Thông tư, hành lang pháp lý nào quy định cả, kể cả vàng trang sức thời trước giải phóng…từ đó đến giờ cũng mấy chục năm rồi, rất nhiều chủng loại, thương hiệu, chất lượng…những cái đó sẽ quản lý thế nào?

Hơn nữa thời gian Thông tư có hiệu lực là tháng 6/2014, từ nay đến lúc đó thì người ta có thể sản xuất vô tội vạ, thì làm sao quản lý được. Trong thị trường có cái nằm trong quy định, có cái nằm ngoài quy,những sản phẩm trước đây thì sao, có được lưu thông không. Ngoài quy định thì xử lý sao? Nếu nói như trong Thông tư có nghĩa là không được lưu thông. Vậy phải làm sao?Trên thị trường cái vô lý nhiều hơn cái có lý, mà đã như vậy thì làm sao quản lý được?

Cái bao trùm là phủ sóng của Thông tư có vấn đề. Trên sản phẩm từ trước đến nay, kể cả trong các chỉ tiêu công bố có thời hạn, có cái nào có ghi nhận sản xuất từ ngày nào không. Làm gì có? Trong chỉ tiêu công bố của Bộ KHCN quy định, sản phẩm có ghi thời gian sản xuất đâu. Biết cái nào là trong hiệu lực của Thông tư, cái nào nằm ngoài hiệu lực? Khi quy định không rõ ràng như vậy, hiệu lực quản lý sẽ thấp, tính chất pháp lý của Thông tư cũng rất thấp.

SJC, PNJ, có từ nhiều năm nay, sản xuất rất nhiều, bây giờ công bố có thời gian thì làm sao biết cái nào trước, cái nào sau. Vì như vậy nên không biết cái nào ở trong luồng, rất khó. Làm sao biết để xử lý  theo quy định?

Khó là khó cho quản lý, chứ kinh doanh vẫn hoạt động bình thường. Thông tư khi mà khó cho việc phân xử sẽ hạn chế hiệu lực của nó. Nếu cứ quản lý kiểu này thì rất chơi vơi.

Theo ông Bảng, xuất xứ của vàng trang sức rất nhiều, thì chỉ quản từ nay trở đi, đừng làm ẩu để bảo vệ người tiêu dùng.

PV: Vậy theo ông, nên cần tập trung quản lý khâu nào?

Ông Đinh Nho Bảng: Quy định chủ yếu là thắt chặt quản lý đối với cơ quan kiểm định, cơ quan đo lường. Còn đối với nhà sản xuất thì chỉ công bố tiêu chuẩn thôi. Nhà sản xuất công bố rồi, cơ quan kiểm định sẽ xác định lại sản phẩm đó có đúng tiêu chuẩn hay không.

Trong mục đích quản lý, quan trọng nhất là quản lý người sản xuất chứ không phải quản lý trên thị trường. Vì thị trường vốn có vàng từ nhiều đời nay, rồi hàng nhập khẩu, vốn rất nhiều, rồi vừa là sản xuất trong nước…rất phức tạp, làm sao quản lý xuể. Xuất xứ của vàng trang sức rất nhiều, thì chỉ quản từ nay trở đi, đừng làm ẩu để bảo vệ người tiêu dùng. Không nên hy vọng quản lý được tất cả thị trường. Nên cần xác định mục tiêu tương đối hạn hẹp.

Bên cạnh đó, cần định hướng thị trường, khâu gia công ngay từ bây giờ, gia công phải mang danh nghĩa của người sản xuất, nhãn hiệu phải đăng ký tại NHNN tỉnh, thành phố, cứ theo đó mà quản lý. Như vậy quản được từ nay về sau, còn trước đây thì khó lắm.

Vòng tay nhỏ thì ôm nhỏ thôi, chứ vòng tay nhỏ mà đòi ôm lớn thì không thể được.

Trân trọng cảm ơn ông!

"Chính sách đẩy ra ngoài đường, không quan tâm thì không bao giờ phát triển được. Riêng vàng trang sức thì chính sách đi ngược. Chủ trương là thu hẹp vàng miếng, phát triển sản xuất vàng trang sức, nhưng vàng miếng hàng tuần cứ bán hàng tấn, giờ đã gần 70 nghìn tấn. 

Nghị định 24 khuyến khích sản xuất vàng trang sức, nhưng nhập khẩu nguyên liệu không cho, bắt buộc sử dụng vàng trôi nổi từ đây lại tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế. Đó là các mặt rõ ràng. Chính sách về tài chính, tín dụng không cho vay. Đó là những cái bất hợp lý. 

Cho nên việc cho vay tín dụng sản xuất vàng trang sức cần phải khôi phục lại bởi nó là một ngành sản xuất kinh doanh, liên quan đến vấn đề dân sinh. Không tạo điều kiện thì người dân chuyển sang làm việc khác, chắc gì đã theo định hướng của Nhà nước, vốn thì không thể đứng yên" - ông Đinh Nho Bảng.


 

Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo