Góc nhìn

"Thành công của Flappy Bird là của công nghệ giải trí"

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Đại Học FPT nhìn nhận rằng, ngay từ đầu Nguyễn Hà Đông đã nhìn ra xu hướng của thị trường thế giới, khi game là sự kết nối giữa nghệ thuật và công nghệ. "Thành công của Flappy Bird là thành công của công nghệ giải trí nhiều hơn là về mặt công nghệ thông tin", ông đánh giá.

Flappy Bird, tựa game đình đám suốt những tháng đầu tiên của năm 2014

 

Quan điểm này được ông Nam đưa ra trong Tọa đàm "Tôi khởi nghiệp" kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Tài năng trẻ FPT (FYT) mới đây. Đưa ra lời khuyên cho 300 bạn trẻ ngồi dưới, ông cho rằng, điều quan trọng khi khởi nghiệp là ngay từ đầu đã phải "hướng tới thị trường toàn cầu, hướng tới một thế giới phẳng", phải tuân theo các xu hướng của thế giới.

Tuy nhiên, việc có được cái nhìn rộng và giấc mơ lớn không hề đơn giản. Thế hệ của ông, như ông Nam tự nhận, "đã không hoàn thành nhiệm vụ" khi không thực hiện được giấc mơ toàn cầu đó. "FYT là chỗ mà chúng tôi muốn truyền lại những điều mình chưa làm được", ông thẳng thắn.

Câu chuyện Flappy Bird một lần nữa lại được nhắc đến trong phần chia sẻ của ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Tofu Games. Sau sự kiện Flappy Bird, rất nhiều phóng viên đã tìm đến các công ty game như Tofu để phỏng vấn và tìm hiểu về câu chuyện của game Việt. Tuy nhiên, quan điểm của ông Duy là nguy cơ đánh mất thị trường nước ngoài, khó tìm đường xuất ngoại của các hãng game Việt là "rõ mồn một". Ngay cả việc muốn tạo ra những game thắng được game Hàn, game Tàu ngay tại Việt Nam cũng đã vô cùng khó khăn.

"Vòng đời của game rất ngắn, vậy điều gì tạo nên sức mạnh cho công ty game?", theo ông Duy, đó chính là xây dựng đội ngũ, tích lũy con người, tạo ra được nhiều sản phẩm có được sự tích lũy lâu dài.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Peacesoft (học viên FYT khóa đầu tiên) tâm sự rằng, muốn khởi nghiệp thì quan trọng phải có ước mơ và không được ngại ngùng. Trong một môi trường có nhiều người giỏi thì càng phải cố gắng, và "bạn đi nhanh như thế nào quan trọng hơn là nền tảng bạn xuất phát từ đâu", ông Bình chia sẻ.

Có chung quan điểm với ông Nguyễn Thành Nam, ông Bình cũng cho rằng toàn cầu hóa và điện tử hóa thương mại đang là xu thế tất yếu, do đó, để khởi nghiệp thì các bạn trẻ nên nghĩ đến những sản phẩm phù hợp với xu thế chung. "Nếu ta không đi thì họ cũng đến", 10 năm nữa các chủ doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ toàn là người nước ngoài, bởi đang có làn sóng đầu tư nước ngoài rất mạnh vào Việt Nam, ông Bình khuyến nghị.

Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo