"Thị trường BĐS khó có thể sốt trở lại"
Thời gian qua, với sự bung hàng của một loạt chung cư thương mại giá rẻ, tiến độ dự án tốt, như Kim Văn Kim Lũ, Victoria Văn Quán, VP5, VP6… giá của một loạt căn hộ dự án đã bị đẩy lên đến mức các sàn phân phối cũng phải bất ngờ. Tòa chung cư VP6 (Linh Đàm, Hà Nội) được các sàn báo chênh tới 500 triệu đồng chỉ sau 2 ngày mở bán.
Với sự gia nhập thị trường bất động sản của dự án trên, các dự án khác cũng được đà “ăn theo”. Các căn hộ Kim Văn Kim Lũ, Đại Thanh cũng tăng giá chênh thêm tới 50 triệu đồng/căn theo đà “sốt ảo”.
Nhưng thị trường bất động sản có thực sự “sốt” hay không? Đem nghi vấn này hỏi ý kiến các chuyên gia trong ngành thì đều nhận được những cái lắc đầu.
“Tôi đồng ý rằng, hiện, các giao dịch bất động sản đang tăng, tính thanh khoản cao hơn. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản có thể “sốt” lại thì vấn rất khó”, TS Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính Quốc gia – cho biết.
Lý do ông Nghĩa nhận định thị trường khó “sốt” trở lại là hiện kinh tế đang phục hồi nhưng mức độ phục hồi rất chậm, với đà phục hồi này thì khó có thể trở thành bong bóng bất động sản.
“Kinh tế Việt Nam đã dò đáy đi lên từ quý IV/2013, nhưng đi lên rất chậm. Các chỉ số tăng trưởng công nghiệp, PMI… đạt thấp. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)… đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Kinh tế tăng trưởng chậm nên thị trường bất động sản cũng khó “sốt”” – ông lập luận.
Bên cạnh đó, vấn đề tín dụng – huyết mạch của các ngành kinh tế và ngành bất động sản không ngoại lệ - cũng được nhận định sẽ phục hồi chậm. Ông Nghĩa cho biết, hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 vẫn rất khó khăn, trong đó, chưa kể đến các khoản được cơ cấu lại nợ, kể cả những khoản “lách” của ngân hàng để tăng trường tín dụng. Triển vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khó trở lại nhanh vì nợ xấu khó xử lý nhanh, nhiều vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng chưa được thực hiện đến tận gốc rễ… Để phục hồi tăng trưởng tín dụng có thể khéo dài vài ba năm.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho rằng niềm tin trên thị trường trước đây suy giảm cũng không dễ phục hồi.
Ông Trần Ngọc Quang - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cũng đồng tình với ý kiến thị trường bất động sản sẽ không thể quay lại sốt được nữa. Bởi lẽ, các chủ đầu tư đã nhận được những bài học đắt giá.
“Tuy nhiên, hiện tượng một số chủ đầu tư tăng giá gần đây và xuất hiện những phân khúc là không bền vững”, ông Quang nhận định.
“Với tư cách đại diện cho Hiệp hội Bất động sản, tôi cho rằng các chủ đầu tư nên quan tâm, nhìn nhận lại những bài học đã qua, đừng tăng giá, vì nếu tăng giá sẽ làm chậm đến tiến trình phục hồi thị trường bất động sản. Điều đó không mang lại lợi ích cho chính chủ đầu tư và thị trường bất động sản nói chung” – ông kêu gọi.
Về tương lai thị trường, TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, Việt Nam không dùng tiền ngân sách cũng như vay nợ nước ngoài mà dùng tiền từ Ngân hàng Nhà nước để phục hồi thị trường nên phải chấp nhận tốc độ phục hồi chậm để tránh lạm phát quay lại.
Tuy nhiên, ông cũng lạc quan cho biết, điều hy vọng nhất hiện nay với thị trường bất động sản là ngoài chuyện phục hồi kinh tế, xử lý nợ xấu đẩy sản xuất kinh doanh tăng lên thì cơ chế tài chính, chính sách cho thị trường này cũng đã minh bạch hơn. “Vì vậy, chúng ta có thể hy vọng vào sự phục hồi của thị trường với tốc độ vừa phải”, ông nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo