"Tiền chênh": Càng cao, càng đắt khách
Ban đầu, “tiền chênh” xuất hiện tại dự án nhà thương mại giá rẻ, sau đó lan sang cả những dự án như Mandarin Garden, Eurowindow Complex, Hà Đô Park View, Mỹ Đình Plaza…
Muốn mua phải chi tiền “chênh”
Từ đầu năm đến nay, khi thị trường địa ốc bắt đầu có giao dịch thành công thì cũng là lúc người mua nhà ở nhiều dự án phải trả thêm một khoản tiền ngoài hợp đồng mua bán cho người môi giới hoặc trực tiếp cho chủ đầu tư - gọi là “tiền chênh”.
Trên thị trường tự do, ban đầu, khoản tiền chênh lệch này chỉ xuất hiện tại những dự án nhà thương mại giá rẻ thuộc diện được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng như các dự án VP5, VP6 Linh Đàm, Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), Văn Phú Victoria (quận Hà Đông), Chung cư Viện 103 Văn Quán (quận Hà Đông)… ở Hà Nội. Khách hàng muốn mua căn hộ đều phải trả thêm ngoài hợp đồng một khoản tiền dao động từ 70 triệu đến 300 triệu đồng/căn.
Sau đó, “tiền chênh” lan sang cả những dự án cao cấp hơn, có diện tích căn hộ lớn và giá bán cao hơn, như Mandarin Garden, Eurowindow Complex (quận Thanh Xuân), Hà Đô Park View (quận Cầu Giấy), Mỹ Đình Plaza (quận Nam Từ Liêm)… Khoản tiền ngoài hợp đồng mà khách hàng phải trả tại những dự án này cũng cao hơn, cỡ từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng/căn.
Hiện tượng “tiền chênh” có thể xem là chuyện thường gặp, khi khách hàng mua sau phải trả cho người mua trước một khoản lợi nhuận nào đó để giành quyền sở hữu căn hộ mà mình mong muốn. Điều không bình thường nằm ở chỗ là, ngay cả với những căn hộ được bán trực tiếp từ chủ đầu tư thông qua 1 sàn giao dịch bất động sản nào đó (thường cũng là sàn giao dịch bất động sản do chủ đầu tư lập ra hoặc ủy quyền phân phối), người mua vẫn phải trả một khoản “tiền chênh” ngoài hợp đồng. Đương nhiên, khoản tiền này không được ghi trong hợp đồng, không phiếu thu và cũng không biết vào… túi ai (?).
“Chênh” càng cao, càng đắt khách
Câu chuyện người mua nhà - “thượng đế” - phải mất thêm một khoản tiền ngoài hợp đồng để mua một căn hộ được công bố rộng rãi rõ ràng là điều không bình thường với một thị trường bất động sản minh bạch. Nhưng điều nghịch lý và bất thường hơn nữa là, dự án bất động sản nào càng có khoản “tiền chênh” lớn, thì lại càng được nhiều người để ý và càng… dễ bán.
Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch Nhà đất 24h cho rằng, sở dĩ có khoản tiền ngoài hợp đồng mà giới đầu tư bất động sản vẫn gọi là “tiền chênh” là do phần lớn các dự án căn hộ/nhà đất có giá bán trung bình đang trong quá trình hoàn thiện đều đã được nhà đầu tư thứ cấp mua hết. “Động thái này cho thấy, nguồn cung sản phẩm này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Một số dự án có vị trí tốt, gần khu vực trung tâm, dù mới chỉ làm xong móng đã được các nhà đầu tư thứ cấp mua hết. Người mua để ở thường biết thông tin chậm hơn, nên muốn mua căn hộ sau đó, phải chấp nhận một mức chênh lệch nhất định”, ông Quỳnh lý giải.
Thực tế thời gian qua cho thấy, chủ đầu tư và đội ngũ môi giới địa ốc đã có sự phối hợp rất bài bản, nhịp nhàng trong việc mở bán các dự án. Một dự án có thể có hàng ngàn căn hộ, bao giờ cũng được rao bán rộng rãi với một số ít căn hộ để thử phản ứng thị trường. Số căn hộ còn lại, chủ đầu tư giao lại cho các sàn giao dịch “nhẩn nha” làm giá với khách hàng để kiếm thêm “tiền chênh”, tối đa hóa lợi nhuận cho người bán.
Sốt ruột, mất tiền
Chuyện “tiền chênh” tại các dự án bất động sản là điều mà hầu như ai cũng biết và không ít người vẫn sẵn sàng chấp nhận chi. Trong lần trả lời phỏng vấn tác giả bài này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng bức xúc đến mức đặt câu hỏi: “Sao người mua phải vội vàng thế? Nên nhớ, Hà Nội, TP.HCM có hàng ngàn dự án bất động sản, với hàng chục ngàn căn hộ tồn kho!”.
Tình trạng người mua vẫn chấp nhận chi khoản “tiền chênh” cho thấy, có sự liên minh giữa chủ đầu tư và những người môi giới trong việc đẩy khách hàng vào thế yếu. Trong không ít trường hợp, người mua càng đắn đo thì số “tiền chênh” phải trả ngày hôm sau sẽ cao hơn ngày hôm trước.
Rõ ràng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói “người mua nhà, sao phải vội” (?) là rất đúng. Người mua đang tự đẩy mình vào thế yếu bằng sự sốt ruột không đáng có. Không ai có thể “ôm” hàng mãi mà không phải bán ra. Thủ thuật làm giá của chủ đầu tư hay “cò mồi” có thể được tiến hành bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cái giá mà họ phải trả là những “núi” hàng địa ốc tồn kho ở Hà Nội, như Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, Thiên đường Bảo Sơn - Geleximco, Khu đô thị Tân Tây Đô hay Lideco… Khách hàng không nên quên thực tế này.
Theo Báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo