'Tránh lệ thuộc vào vốn ODA'
Sáng 30.10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), có ý kiến về quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay ODA, không vay ODA cho chi thường xuyên, chạy theo đầu tư các siêu dự án, chống tham nhũng ODA...
Trong phiên thảo luận sáng nay, Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và những chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ 2015. Nhiều ý kiến của các ĐBQH tập trung phân tích và thảo luận về nợ công, cân đối ngân sách, hiệu quả sử dụng, đầu tư từ nguồn vốn vay ODA.
Cần có ý thức "tốt nghiệp ODA"
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đánh giá, hiện nay, nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA ở nước ta không được quản lý tốt, dẫn đến nhiều vi phạm, gây mất uy tín với nước ngoài (nước cho vay ODA). "Mặc dù chúng ta cũng có cơ quan, ban bệ quản lý các dự án ODA nhưng hầu như các vi phạm như chỉ được phát hiện từ phía nước ngoài. Sau đó, chúng ta mới xử lý", ĐB Nga băn khoăn.
ĐB Nga có ý kiến: QH, Chính phủ cần đánh giá, coi trọng các hệ quả của vay ODA, đặc biệt, khi nước ta bước ra khỏi danh sách các nước kém phát triển thì đã hết được hưởng lãi suất ưu đãi. Đây không phải là khoản vốn được nước ngoài cho không, vay được càng nhiều càng tốt như tư duy của một số lãnh đạo địa phương. Hiện nay, việc vay ODA ở một số nơi, dự án còn gắn với tư duy thành tích, nhiệm kỳ, thậm chí chạy dự án và tham nhũng ODA.
Qua đó, ĐB Nga đề nghị Chính phủ cần công khai, minh bạch toàn bộ số vốn vay ODA, các dự án sử dụng vốn ODA và có cơ chế, chính sách để ĐBQH và cả người dân tham gia có ý kiến và giám sát.
Theo ĐB Nga, QH có trách nhiệm giám sát tối cao về ODA nhưng từ trước đến nay, QH lại chưa có cuộc giám sát tối cao nào về ODA.
Đồng thời, ĐB Nga đề xuất theo kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, tiền vay ODA phải được quản lý chặt chẽ; đầu tư có chất lượng tốt, công trình được sử dụng lâu dài chứ không phải vừa xây xong đã sửa. Đặc biệt, "vay ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, xóa đói giảm nghèo chứ không chạy theo đầu tư các siêu dự án trong khi cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo".
ĐB Nga nhấn mạnh: "Chúng ta cần có ý thức "tốt nghiệp ODA" thì mới sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, hạn chế vay, dần tránh lệ thuộc vào vốn ODA vì quốc gia nào còn phụ thuộc ODA thì khó phát triển bền vững. Như Hàn Quốc đã "tốt nghiệp ODA" trong vòng 30 năm. Vì vậy, Chính phủ cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ, tránh đầu tư dàn trải và đặc biệt là chống tham nhũng ODA, tránh rơi vào bẫy ODA".
Cùng có ý kiến về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), đề nghị Chính phủ không vay ODA cho chi thường xuyên để giảm gánh nặng nợ công.
Nỗi lo nợ xấu
Bên cạnh vấn đề ODA, nỗi lo chung về nợ công, nợ xấu cũng được các ĐB đặt ra. Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), hiện nay nợ công, nợ xấu của nước ta vẫn trong tình trạng đáng lo. ĐB Kiêm cho rằng nguyên nhân do tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp còn chậm, năng suất lao động chưa nâng lên, kỷ cương trong quản lý điều hành, lao động còn thấp.
"Kinh tế không bền vững, nợ xấu của ngân hàng có xu hướng tăng trở lại, chúng ta phải khẳng định "nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải", ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) có ý kiến. Theo ĐB Hùng, công ty mua bán nợ xấu hoạt động thiếu cả 3 vấn đề là quyền, năng lực và nguồn lực. Trong khi, chỉ cần thiếu 1 trong 3 vấn đề trên đã làm cho hoạt động không hiệu quả.
Còn theo ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), còn nhiều vấn đề quan trọng mà báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đầy đủ và phân tích nguyên nhân như: căng thẳng trong cân đối ngân sách dẫn đến chưa thể tăng lương theo lộ trình; nợ công được nhân dân quan tâm nhưng báo cáo không nêu rõ hiện trạng; tình hình chống tham nhũng.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo