Doanh nhân

“Tuổi thơ dữ dội” của ca sỹ Khánh Ly

“Tôi quỳ giữa nhà, bố dượng tôi cầm chiếc giầy của ông đập túi bụi vào tôi. Mẹ tôi ngồi nhìn tôi bị đánh, thản nhiên, thỉnh thoảng thêm vào … đánh nữa đi, đánh cho nó chết…”- Là những ký ức đau thương đầy nước mắt về tuổi thơ dữ dội của Khánh Ly.

 Trong hồi ký “Chuyện kể sau 40 năm”, Khánh Ly đã có những trang viết đầy dằn vặt, đau khổ về tuổi thơ và năm tháng tuổi trẻ của mình. Những ngày tháng cơ cực, nghèo khổ, sống lạnh lẽo trong sự ơ hờ của mẹ đẻ… đã trở thành ký ức đau thương, là câu hỏi lớn dằn vặt trong tâm tư, tình cảm của Khánh Ly, trong suốt cuộc đời.

Hồi ký “Chuyện kể sau 40 năm” là những trang viết tràn ngập cảm xúc. Ở đó có sự đơn độc tận cùng của người luôn hoang mang về nguồn cội, về sự xuất thân, về tình yêu thương, về bản ngã và những mối quan hệ gia đình nhợt nhạt. Đọc “Chuyện kể sau 40 năm” để thấy một cô bé Mai (tên khai sinh của ca sỹ Khánh Ly) tội nghiệp, lẻ loi, đơn độc, bị ghẻ lạnh, côi cút trong nỗi đau riêng mình, ôm ấp những khát vọng riêng mình.

 

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945

 

Được sự cho phép của Khánh Ly, chúng tôi xin lược đăng những đoạn viết về tuổi thơ dữ dội của “bé Mai” trong hồi ký “Chuyện kể sau 40 năm”. Câu chuyện bắt đầu khi bố mẹ ly hôn, “bé Mai” ở với mẹ, bố dượng và những người em cùng mẹ khác cha. Cuộc sống vất vả, bươn chải, và “bé Mai” luôn tự hỏi, tại sao mẹ không bao giờ quan tâm đến mình, tại sao mẹ không yêu thương mình, tại sao mình luôn bị đánh đập…? Và một câu hỏi nhức nhối đã theo “bé Mai” đến suốt cuộc đời, liệu mẹ có phải là mẹ đẻ của mình?

… “Song mẹ tôi dường như quên hẳn sự có mặt của tôi trong đám con đông đúc của bà. Suốt một đời tôi thèm khát vòng tay ôm ấp và những lời nói trìu mến của một người Mẹ. Tôi thèm tình thương, và phải chăng những bi thảm của đời tôi, bắt đầu từ sự thèm khát bình thường tội nghiệp này…”

 

… “Bà nội mua cho tôi một chiếc xe đạp mà tôi luôn luôn chạy giữa đường chứ không bao giờ đi vào lối dành cho xe đạp. Đùng một cái, chiếc xe bị mất. Nó bị ăn cắp chứ không phải tôi sơ ý. Mẹ tôi bảo…mày cứ chờ đấy, bố mày về rồi mày sẽ biết. Tôi quỳ giữa nhà, bố tôi cầm chiếc giầy của ông đập túi bụi vào tôi. Mẹ tôi ngồi nhìn tôi bị đánh, thản nhiên, thỉnh thoảng thêm vào … đánh nữa đi, đánh cho nó chết, cho nó chừa đi, mất xe thì mày đi bộ, không có tiền đâu mà mua xe khác cho mày… Bố tôi vừa đi làm về mặt đỏ bừng vì rượu, được lời của mẹ, ông túm lấy tóc tôi, xoắn lại, tay kia tiếp tục giơ cao chiếc giầy.

 

Tôi đau quá nhưng lạ lùng làm sao, tôi không hề khóc. Tôi khóc không được vì nỗi oan ức và nghĩ xe của bà nội cho và nào tôi muốn làm nó mất. Trong trái tim non dại của tôi chợt vang lên…. Bố ơi! Bố ơi! Bố ở đâu… và tôi cảm thấy một nỗi căm phẫn chưa từng có bùng lên. Anh Sơn và các em tôi chẳng đứa nào dám nói một câu, chắc chúng không hiểu vì sao tôi bị đánh như thế. Chúng còn quá nhỏ và chưa hề bao giờ bị đòn…”

 

Tôi thường lẫn vào đâu đó để khóc một mình sau mỗi trận đòn. Càng bị đánh tôi càng lì đòn, không sợ nữa, không cảm thấy đau đớn nữa. Căm phẫn, tủi thân, tôi cứ làm những gì tôi thích trái ngược hẳn với ý muốn của mẹ…”

 

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945

 

… “Tan học tôi thường không đi theo đường chính mà chui qua những bụi cây, những hàng thông, những khóm lay-ơn đủ màu mọc khắp mọi nơi nhưng không bao giờ tôi bẻ hoa, chỉ tìm loài dây leo để đem về chơi nhảy dây. Bố mẹ tôi ít khi nhìn thấy tôi, ông bà gần như không để ý, không hỏi đến nếu không có gì để sai bảo, dặn dò. Tôi lại cảm thấy khoái hơn dù đôi lúc cũng tủi thân khi không được mẹ ngó ngàng.

 

Ngoài con đường từ nhà đến trường và ngược lại, ngoài khung cảnh yên tĩnh của hồ Chi Lăng, tôi chui xuống cái rảnh nước chảy quanh nhà, đắp đất trồng bắp cải từ những cuống cải già bị cắt bỏ, có chút xíu mầm, mà tôi tưởng là sẽ sống được. Tôi có thể lang thang trong những khoảng đất trồng đầy cỏ dại để tìm hái trái mâm xôi, bứt dây rừng, xuống hồ Chi Lăng vọc nước, bắt ốc, hoặc ngồi dưới cái rảnh nước ấy cả ngày, nếu không có ai tìm…”.

 

… “Trong cái cư xá gồm khoảng 10 căn, tôi cùng đám trẻ con không phân biệt Bắc Nam cùng chơi trò …tạc hình dù mẹ tôi ngăn cấm. Bà thường tặng tôi những trận đòn nhớ đời mà tôi chẳng hiểu lý do vì sao. Tự nhiên mẹ tôi lôi ra đánh, bắt xin lỗi. Tôi có lỗi gì đâu mà xin. Đánh nữa cho bỏ cái tật lì lợm. Không khóc hả, đánh nữa, đánh nữa. Tôi không bao giờ khóc ngay lúc đó, thường là sau mỗi trận đòn, tôi trốn trong nhà tắm hoặc đầu ngõ, kiếm một chỗ khuất để khóc một mình và những lúc ấy, tôi nhớ Bố tôi biết bao nhiêu. Ừ, nếu có Bố ở đây, mẹ sẽ không bao giờ đánh tôi như vậy…”

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo