Góc nhìn

“Việt Nam cần có chủ thuyết phát triển kinh tế riêng”

Trong ngày làm việc thứ hai của Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại Quảng Ninh, các chuyên gia kinh tế tiếp tục thảo luận sôi nổi về vấn đề cải cách thể chế.

TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2014.

Tại Diễn đàn, Tiến sĩ Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang ngày càng thua kém các nước trong khu vực.

Dẫn chứng về điều này, TS. Lê Xuân Bá đưa ra những con số cụ thể như: Dân số Việt Nam bằng 1,26% dân số thế giới, nhưng GDP chỉ bằng 0,193%. Năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 12% Singapore, 13% Nhật Bản, Hàn Quốc, 46% Trung Quốc và 37% so với Thái Lan.

Người Việt Nam mất hơn 20 năm để thu nhập bình quân tăng gấp đôi, trong khi tại Singapore chỉ cần 6  năm, Thái Lan là 8 năm. 

Vì vậy, “Việt Nam muốn có thành tựu lớn, nhanh thì phải tạo bước đột phá trong cải cách thể chế. Nếu cứ làm từ từ, bình tĩnh như vừa qua thì kết quả cũng sẽ đến từ từ và không được cao”, TS. Bá lên tiếng phủ nhận quan điểm cải cách nên làm từng bước như ý kiến của một số diễn giả đề xuất.

“Quốc hội sai cũng phải... chịu phạt”

Khi nói đến thể chế, TS. Lê Xuân Bá cho rằng, khái niệm này gồm có bốn bộ phận bao gồm người chơi (Nhà nước, tổ chức sự nghiệp, dân sự, nhà đầu tư...); cơ chế chơi hay cách thức chơi; luật chơi (Hiến pháp và pháp luật); và sân chơi (thị trường).

"Đổi mới thể chế chính là đổi mới cả bốn bộ phận đó trên tinh thần: Cái gì có lợi cho đất nước, dân tộc này thì làm; cái gì không lợi thì bỏ", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Theo TS. Bá, cần phải phân quyền rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, trách nhiêm của các cơ quan bộ phận: Nhà nước, Quốc hội, Trung ương, địa phương…

“Cần phải có chế tài khi cơ quan công quyền không thực hiện được nhiệm vụ. Người dân sai thì người dân bị phạt. Chính phủ, Quốc hội... làm sai cũng phải chịu phạt như người dân” - ông Bá thẳng thắn.

Việt Nam cần có chủ thuyết phát triển kinh tế riêng

Tại Diễn đàn, TS. Lê Xuân Bá đưa ra đề xuất: Việt Nam cần nghiên cứu một chủ thuyết phát triển kinh tế riêng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.

Cùng quan điểm với ý kiến với nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Lê Xuân Bá cũng đặc biệt nhấn mạnh tới xã hội hóa dân sự trong đổi mới cải cách thể chế.

Theo TS. Bá: "Cần nhanh chóng ban hành một số luật trong đó có luật trưng cầu ý dân, luật xã hội dân sự. 

Một điểm đáng lưu ý, theo ông Bá: Chính quyền địa phương không nên làm kinh tế, chỉ có Trung ương làm kinh tế, thành lập chính quyền vùng. Thực hiện chính sách Quốc hội hai đầu, thành lập các ủy ban trực thuộc chính phủ để xây dựng, quyết định kinh tế vùng.

"Chứ giờ tỉnh nào cũng muốn làm công-nông nghiệp, dịch vụ thì dẫn đến tình trạng thừa quá !", ông Bá nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014, các kiến nghị của TS. Lê Xuân Bá góp phần làm cho không khí của Diễn đàn "nóng" lên sau phiên làm việc hơi có phần trầm lắng chiều ngày 28/4

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo