"Xẻ thịt" dự án chuyển nhượng: Hà Nội chậm chân khi "nói không"
Dù lãnh đạo Hà Nội đã "nói không" cho phép chuyển nhượng một phần dự án, nhưng tình trạng này đã và đang diễn ra khá nóng với sự tham gia của nhiều “ông lớn” lĩnh vực bất động sản.
Dù lãnh đạo Hà Nội đã khẳng định quan điểm không cho phép chuyển nhượng một phần dự án, nhưng tình trạng này đã và đang diễn ra khá nóng ngay tại nhiều quận trung tâm Hà Nội với sự tham gia của những “ông lớn” như Tổng Công ty phát triển nhà và đô thị xây dựng Hà Nội (HUD), Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Cụ thể, Tổng Cty HUD vừa bị UBND TP “tuýt còi” khi chuyển nhượng trái phép lô đất NT1 tại dự án Khu đô thị mới Định Công khi lô đất này vốn là khu đất phục vụ xây dựng công trình công cộng, thế nhưng HUD đã chuyển nhượng cho Trường mầm non tư thục Bình Minh.
Hay như khu đất đang xây dựng dự án AZ Định Công cũng nằm trong khu đô thị Định Công (Hoàng Mai) của HUD nhưng hiện đã "qua tay" nhiều chủ đầu tư khác nhau.
Một dự án của Vinaconex tại khu vực Hoàng Mai cũng đã được giao cho chủ đầu tư khác xây dựng chung cư thương mại để bán thời gian gần đây.
Trao đổi với PV , ông Cầm Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) nói: "Nếu không cho phép chuyển nhượng từng phần dự án sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những DN nhà nước như HUD, thường thực hiện những dự án là khu đô thị lớn, trên dưới 100ha.
Theo ông Tuấn, việc chuyển nhượng dự án theo Nghị định 71 đã cho phép chủ đầu tư cấp 1 được chuyển giao cho chủ đầu tư cấp 2 để thực hiện dự án thành phần.
“Như HUD là chủ đầu tư cấp 1 thường làm hạ tầng, sau đó chuyển giao cho các chủ đầu tư thứ phát để họ thực hiện các dự án thành phần, làm như vậy sẽ tận dụng được các nguồn vốn khác nhau trong một dự án khu đô thị lớn. Hơn nữa, được chuyển nhượng một phần dự án còn giúp đồng bộ hóa trong dự án bởi một khu đô thị gồm nhiều hạng mục: nhà thấp tầng, nhà cao tầng, trường học, các khu phụ trợ liên quan…”, ông Tuấn khẳng định.
Đại diện HUD nói rằng, khi HUD tập trung làm nhà ở thì sẽ chuyển giao cho các chủ đầu tư cấp 2 xây dựng trường học. Còn nếu không được chuyển giao thì buộc chủ đầu tư phải mở mang thêm ngành nghề, phải đầu tư thêm ngành để xây dựng và vận hành trường học. Nhưng như thế, nguồn vốn sẽ không tập trung, không đúng theo chỉ đạo tái cơ cấu ngành nghề.
“DN tư nhân đa ngành nghề có thể vừa xây nhà, vừa xây trường học và vận hành trường học, nhưng đối với các DN nhà nước như HUD thì phải tái cơ cấu, chỉ thực hiện xây dựng các khu đô thị, xây dựng và phát triển nhà ở để bán là chính”, ông Cầm Anh Tuấn nói thêm.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Việc bán lại dự án hay chuyển nhượng một phần dự án là việc của nhà kinh doanh, đây là việc bình thường của thị trường, không nên cấm! "Cái gì không quản được thì lại cấm là không nên. Trừ khi dự án được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài nào đó do có vấn đề an ninh không bằng lòng thì mới nên can thiệp”, ông Liêm nêu quan điểm.
Về ý kiến quan ngại nếu cho chuyển nhượng một phần dự án, ngoài việc tạo ra một tiền lệ xấu, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch và cấu trúc dự án án. TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Nếu sợ ảnh hưởng đến quy hoạch thì thành phố có thể quy định chủ đầu tư cũ sẽ vẫn là người phải đứng ra chịu trách nhiệm thống nhất về quy hoạch, cấu trúc dự án.
Theo ông Liêm, dự án được chuyển nhượng một phần tức là dự án đã có quy hoạch rồi thì chủ đầu tư nào cũng phải thực hiện theo đúng quy hoạch thôi, chỉ có điểm cần điều chỉnh tiến độ thế nào cho đồng bộ.
“Nếu TP Hà Nội cấm, không chỉ làm khó khăn cho thị trường bất động sản mà còn khiến chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PV) giảm xuống”, ông Liêm cảnh báo.
Trước đó, liên quan đến vấn đề chuyên nhượng dự án này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng đã góp ý thẳng vào dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Ông Châu cho rằng: nên coi việc chuyển nhượng toàn bộ dự án hoặc một phần dự án bất động sản ở bất kỳ giai đoạn đầu tư nào của dự án là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, có hợp đồng, có đăng ký kinh doanh và chịu thuế.
“Nên cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản theo nhu cầu kinh doanh của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt”, ông Châu kiến nghị.
Song, có ý kiến lo ngại việc chuyển nhượng dự án sẽ dẫn đến tăng giá bất động sản đến tay người tiêu dùng. Theo ông Châu: Thực tế cho thấy thị trường chỉ chấp nhận giá bán bất động sản phù hợp với giá cả phổ biến của bất động sản cùng loại trên thị trường chứ không phải doanh nghiệp dễ dàng tự ý nâng giá được.
Theo báo cáo gần đây, Bộ Xây dựng đã nhận định, xu thế chuyển nhượng toàn bộ hoặc từng phần dự án phát triển bất động sản, kể cả cho các doanh nghiệp nước ngoài và mua bán sáp nhập giữa các chủ đầu tư với nhau sẽ phổ biến hơn.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo