Yahoo có thoát khỏi khủng hoảng khi được Warren Buffett "phù phép"?
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra liệu nhà đầu tư thành công nhất thế giới này có thể "hoá giải” những khó khăn mà Yahoo gặp phải hiện nay trong khi các nhà đầu tư khác trước đó đã thất bại.
Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ email lớn nhất thế giới, trong những năm gần đây Yahoo đã phải vật lộn để cạnh tranh với Google và Facebook về thị phần quảng cáo số.
Vào tháng 2/2016, CEO Yahoo Marissa Mayer công bố Yahoo dự kiến sẽ bán đấu giá mảng kinh doanh trên Internet của mình và cắt giảm 15% nguồn nhân lực. Ngoài ra, Yahoo còn đang rao bán các tài sản phi cốt lõi như bằng sáng chế và quyền sở hữu trị giá từ 1 tỉ đến 3 tỉ USD.
Liệu tỉ phú Warren Buffett có giúp Yahoo thoát khỏi khủng hoảng là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Theo một số nguồn tin, tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett đang tham gia vòng hai cuộc đấu thầu các tài sản của Yahoo. Berkshire còn phải cạnh tranh với nhiều đối thủ đáng gờm khác, trong đó có công ty chứng khoán lớn như TPG & YP Holdings. Yahoo đang trong quá trình chọn lựa một đối tác trong các công ty tham gia đấu thầu hiện có.
Nếu thành công, lần đầu tư này sẽ là một cuộc "tấn công" khá hiếm của nhà đầu tư Buffett vào lĩnh vực truyền thông số. Danh mục đầu tư của tỉ phú Buffett chủ yếu nghiêng về các công ty bảo hiểm Mỹ, các công ty công nghiệp và các nhãn hàng tiêu dùng lớn.
Theo ông Rick Edmonds, nhà phân tích kinh doanh truyền thông thuộc Viện Poynter, Buffett có nhiều kinh nghiệm trong các thương vụ đầu tư vào những công ty đang gặp khó khăn song có một cơ sở khách hàng lớn và do đó Berkshire có thể sẽ giành được sự ưu tiên của Yahoo.
Tỉ phú tài ba này nổi tiếng vì đã gây dựng đế chế 66 tỉ USD bằng hình thức đầu tư vào các công ty được định giá thấp trên thị trường song có những nền tảng vững chắc. Và khi mua một công ty dành cho công ty cổ phần Berkshire Hathaway của mình, ông thường để cho các tổng giám đốc tự do điều hành doanh nghiệp.
Ông Edmonds nhận xét: "Đây là hình thức đầu tư đúng kiểu Buffett, đó là mua vào khi công ty hết được ưa chuộng, bị đánh giá thấp song có một cơ sở khách hàng lớn”. Nghịch lý của kế hoạch đầu tư này là Yahoo vẫn thực sự rất lớn mạnh và có nhiều khách hàng. Vấn đề của Yahoo là không duy trì được mô hình tăng trưởng tốt.
Nhà phân tích Brian Wieser thuộc công ty nghiên cứu Pivotal research cũng đồng tình với nhận định này và cho biết: "Tỉ phú Warren Buffett nổi tiếng vì nắm giữ nhiều tài sản có nhiều tiềm năng mà vì nhiều lý do không hiện thực hoá được những tiềm năng đó”.
Năm 2012, tỉ phú Warren Buffet cũng đã táo bạo đầu tư vào tập đoàn Media General Inc. khi đó nợ nần chồng chất. Buffett đã mua phần lớn các tờ báo của công ty này và đưa Media General trở thành một trong những hãng phát hành lớn nhất tại Mỹ trong bối cảnh ngành này đang gặp khó khăn bởi doanh thu quảng cáo và số khách hàng đặt mua báo dài hạn giảm sút.
Tỉ phú Buffet còn cung cấp gần 450 triệu USD để giảm nợ cho Media General bởi hoạt động kinh doanh còn lại của công ty này tập trung vào nhiều đài truyền hình địa phương ở Mỹ và các trang web liên quan để đổi lại được tiếp quản gần 20% cổ phần của công ty này.
Vì thành tích đầu tư này "huyền thoại xứ Omaha” đã giành được huy chương vàng của ngành truyền thông.
Ngoài ra, cựu chủ tịch kiêm giám đốc tài chính của Yahoo Susan Decker hiện nay là một giám đốc trong tập đoàn Berkshire. Vào tháng trước, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, bà Decker cho biết người chủ tiếp theo của Yahoo cần phải "tạo ra nét riêng biệt trong tâm trí của người tiêu dùng về lý do tại sao họ vẫn yêu Yahoo."
Vì thế, có thể nói trong vụ đầu tư vào Yahoo có đầy đủ yếu tố thuận lợi về thiên thời, địa lợi, nhân hoà để tái lập thành công.
Tổng hợp theo Cafef/Trí thức trẻ/Reuters
End of content
Không có tin nào tiếp theo