11 sự kiện nổi bật năm 2015 ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam
1, Ký chính thức Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)
Ngày 5/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
Hiệp định VKFTA là Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015. Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam.
Về kinh tế, thương mại, đầu tư, tương tự như nội dung cam kết WTO hay các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán, việc ký kết Hiệp định VKFTA sẽ giúp hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ từ phía Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí, v.v…
Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, v.v… (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc). Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonexia, Malayxia và Thái Lan.
Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện, v.v… Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.
Môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba. Trong quá trình đàm phán Hiệp định VKFTA, hai Bên cũng đã thống nhất nội dung Thỏa thuận thực thi các cam kết hợp tác kinh tế, theo đó, phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh của các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác để cạnh tranh xuất khẩu bền vững như nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp; công nghiệp điện tử, công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ....
2, Hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chilê, Niuzilân và Xinh-ga-po. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010.
Đến nay, TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chi-Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP trở thành Khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu và khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại thế giới.
Ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), tại Atlanta Hoa Kỳ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên. Đến ngày 6/11/2015, các nước thành viên cũng đã công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất.
Thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I năm 2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.
Đối với Việt Nam, một đất nước có GDP vào loại thấp nhất so với các thành viên còn lại, TPP vừa mở ra một cơ hội, đồng thời cũng là thách thức lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Đối với xuất khẩu và đầu tư, sẽ phát triển theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên khi thuế quan dần giảm về 0%, thu hút đầu tư vốn ngoại vào thị trường Việt Nam tăng cao.
3, Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
Với Tuyên bố ở Kuala Lumpur, Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Kinh tế ASEAN nói riêng sẽ chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015 mở ra không ít cơ hội và thách thức đối nền Kinh tế các nước, đặc biệt là thị trường tài chính Việt Nam.
Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community), kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với hai nền kinh tế lân cận Trung Quốc và Ấn Độ.
Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được 10 nhà lãnh đạo ASEAN ký tuyên bố chính thức vào sáng 22/11 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia - cũng là một phần của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) rộng lớn hơn, là một trong 3 “cột trụ” của Cộng đồng ASEAN bên cạnh hai cột trụ về chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, quyết định gia nhập ASEAN là một bước đi chiến lược đúng đắn, mang lại lợi ích quan trọng và thiết thực cho Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Tham gia AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu, từ đó, góp phần cải cách quản lý, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
4, Việt Nam chính thức ký FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu
Tối ngày 29/5, tại Kazakhsatn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam chính thức ký bản hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Được khởi động từ tháng 3/2013, sau khoảng 2 năm đàm phán và sau khi hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ, các bên đã ký kết hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.
Hiệp định bao gồm các chương chính về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.
Về hàng hóa, Liên minh Kinh tế Á - Âu đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.
Một nội dung quan trọng của hiệp định này là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực chương về SPS, trong đó có các nội dung về công nhận tương đương đối với các biện pháp hoặc hệ thống quản lý trong lĩnh vực liên quan, công nhận lẫn nhau về các khái niệm về thích ứng với điều kiện khu vực, sử dụng kết quả kiểm toán, thông tin của các tổ chức quốc tế lớn; thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai bên.
Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước....
5, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU - EVFTA
Ngày 2/12, tại Brúc-xen (Bỉ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA).
Hiệp định này được cho là sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên đồng thời giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ vững chắc và lâu dài hiện nay. EVFTA cũng sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tạo thêm việc làm tại Việt Nam và EU.
Hiệp định sẽ xóa bỏ hầu như toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và EU.Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hóa (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), Quy tắc xuất xứ, Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại dịch vụ (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), Đầu tư, Phòng vệ thương mại, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhà nước, Mua sắm của Chính phủ, Sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý), Phát triển bền vững, Hợp tác và xây dựng năng lực, Pháp lý-thể chế. Hiệp định cũng bao gồm cách tiếp cận mới, tiến bộ hơn về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư.
Hiệp định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2018.
6, Ngân hàng 0 đồng và chuyện tái cơ cấu
Cuối năm 2015, các đại gia, cổ đông lớn ngân hàng dồn dập bán ra cổ phiếu để giải quyết sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng. Đây là vấn đề lớn cuối cùng được giải quyết rốt ráo trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Nửa đầu 2015 các thương vụ mua lại ngân hàng 0 đồng đã diễn ra, gồm Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu; sáp nhập Ngân hàng Xăng Dầu (PG Bank) vào Vietinbank,... Những sự cố mới phát sinh ở Đông Á, Eximbank cũng được dồn dập giải quyết. Cùng với các thương vụ sáp nhập - hợp nhất tự nguyện: Phương Nam - Sacombank, Maritime Bank - MDB, MHB - BIDV,... đã cho thấy một năm đầy sự kiện thành công của quá trình tái cơ cấu ngân hàng.
Đến nay đã có 9 tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác; 4 tổ chức tín dụng được mua lại. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu ngân hàng cũng về đích như mong đợi, từ đỉnh cao trước tái cơ cấu khoảng 17% (tháng 9/2012) còn dưới 3% vào tháng 9/2015.
Sau gần 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD (giai đoạn 2011-2015) và xử lý nợ xấu, đến nay, cơ bản việc tái cơ cấu đang được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đề ra, mà thành công lớn nhất là xử lý được các ngân hàng yếu kém nhưng không để xảy ra đổ vỡ, gây hoảng loạn hệ thống.
7, Fed bắt đầu chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, rạng sáng 17/12 (theo giờ Việt Nam) Ủy ban thị trường mở (FOMC) đã nhất trí nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ, từ mức 0 – 0,25% lên 0,25 – 0,5%. FOMC cũng dự báo đến cuối năm 2016, lãi suất sẽ ở mức khoảng 1,375%.
Việc Fed nâng lãi suất đồng USD lên cũng đã được các chuyên gia trong nước dự báo từ khá lâu và cho rằng nó sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD tại Việt Nam. Hiện tại, tỷ giá đồng USD/VND đã kịch trần. Nếu áp lực tiếp tục lớn, NHNN sẽ buộc phải tiến hành nới biên độ.
Mặt trái của việc đồng USD mạnh lên là lòng tin của người dân vào VND có thể bị lung lay và nó có thể tác động tới lạm phát vì hàng nhập khẩu có thể phải trả một lượng tiền đồng lớn hơn, nợ công cũng tăng lên nếu tính bằng tiền đồng.
Đánh giá tác động trước việc Fed tăng lãi suất cơ bản đồng USD lên 0,25% đến thị trường Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc Fed tăng lãi suất theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như của NHNN thì có tác động không đáng kể đối với thị trường trong nước.
Lý giải cho nhận định trên đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng sở dĩ việc Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam là do dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, tức là dòng vốn ngắn hạn thì chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng nguồn vốn vào ra của Việt Nam. Bởi vậy, tác động của Fed tăng lãi suất không nhiều đối với sự dịch chuyển của dòng vốn.
Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất cũng đã được phản ánh trong kỳ vọng xu hướng tăng của đồng USD suốt từ đầu năm đến nay. "Với những đánh giá, nhận định như vậy thì thấy rằng, diễn biến tỷ giá trong những ngày gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý bởi tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức cũng như cá nhân tại các TCTD tăng lên", đại diện NHNN nhận định.
8, Gửi Đô la Mỹ không còn được trả lãi
Ngày 17/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 2589/QĐ-NHNN thông báo hạ lãi suất tiền gửi bằng USD của cá nhân về 0% và chính thức có hiệu lực từ 18/12.
Theo đó, để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng Đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17/ 3/2014.
Cụ thể:
Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm;
Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm.
9, Nới room cho nhà đầu tư ngoại
Cũng trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012. Nghị định 60 không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Chứng khoán SSI là công ty đầu tiên nới room ngoại lên 100% vào đầu tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, sự hồ hởi của SSI không tạo thành trào lưu. Hầu hết các công ty trên sàn vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể trước khi quyết định nới room cho khối ngoại.
10, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ
Hôm 11/8, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố phá giá nhân dân tệ 1,9%. Chỉ trong vòng 3 ngày, đồng NDT đã giảm 4,6 % so với đồng USD. Sau nhiều lần tăng giảm liên tiếp, vào sáng 14/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc một lần nữa phá giá đồng Nhân dân tệ. Theo đó, một đô la Mỹ giờ đổi được 6,4495 NDT.
Thực tế làn sóng phá giá đồng tiền của mình đã diễn ra tại rất nhiều các quốc gia trong khu vực trong năm nay. Lần lượt Philippine, Indonesia,... đều phá giá rất mạnh đồng tiền. Việc Trung Quốc phá giá liên tiếp đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu.
11, Giá dầu lao dốc không phanh
Trong năm 2015, giá dầu đã hứng chịu những đợt biến động mạnh chưa từng thấy trong gần 10 năm trở lại đây. Nếu đầu năm giá dầu còn neo ở ngưỡng khoảng 60 USD/thùng thì vào những ngày cuối năm, giá dầu đã “rớt” xuống gần mức thấp kỷ lục của năm 2008, giao dịch quanh mốc dưới 40 USD/thùng và đang làm dấy lên những lo ngại có thể rơi về mức 20USD/thùng.
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá dầu mỏ lao dốc chính là quyết định không giảm sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp mới nhất. Cùng với đó là thông tin không mấy lạc quan từ các báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong đó cảnh báo về tình trạng nguồn cung tiếp tục dư thừa và nhu cầu tiêu thụ yếu.
Giá dầu sụt giảm đã tác động mạnh đến thị trường tài chính thế giới. Giá các cổ phiếu thuộc nhóm năng lượng trên toàn cầu đồng loạt sụt giảm, chứng khoán của các tập đoàn xăng dầu lớn toàn cầu như Chevron và ExxonMobil cũng như hàng loạt các ông lớn trong các lĩnh vực khác cùng mất giá. Đặc biệt, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn đang phải hứng chịu những thiệt hại kinh tế nặng nề từ sự mất giá của “vàng đen”.
Việc giá dầu giảm liên tục trong khi các quốc gia cam kết không giảm sản lượng đang khiến các nước xuất khẩu dầu gặp nhiều khó khăn, trong đó có Việt Nam.
Một chuyên gia kinh tế đã nhận định, nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam và có thể làm giảm 2 điểm phần trăm tăng trưởng GDP năm 2016. Tuy nhiên, với việc đóng góp từ xuất khẩu dầu giảm từ 20% GDP xuống chỉ còn 6,7% như Chính phủ thông báo, tác động sẽ không quá nghiêm trọng.
8 sự kiện kinh tế năm 2015 có thể thay đổi hoàn toàn tương lai Việt Nam
Những sự kiện tác động lớn nhất tới kinh tế Việt Nam năm qua có thể gói gọn trong 3 vấn đề: FTA, Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, 2015 có thể coi là năm "bội thu" các Hiệp định tự do thương mại của Việt Nam.
1. Hoàn tất đàm phán hiệp định thế kỷ - TPP
Sau nỗ lực suốt 5 năm đàm phán, vào đầu tháng 10/2015, 12 nước TPP đã có tiếng nói chung. Đối với Việt Nam, một đất nước có GDP vào loại thấp nhất so với các thành viên còn lại, TPP vừa mở ra một cơ hội, đồng thời cũng là thách thức lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.
Đối với xuất khẩu và đầu tư, sẽ phát triển theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên khi thuế quan dần giảm về 0%, thu hút đầu tư vốn ngoại vào thị trường Việt Nam tăng cao.
2. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU - EVFTA
Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU - Cecilia Malmstrom ký Hiệp định với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Ảnh: Internet.
Ngày 2/12 vừa qua, Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do.
Các tác động tích cực của EVFTA bao gồm: Mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU. Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay. So với TPP, hưởng lợi của Việt Nam từ EVFTA cũng không hề thua kém.
Quan trọng hơn, EVFTA đã tính toán tới lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia EU. Điều này được thể hiện qua các mặt hàng trao đổi giữa các quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có ưu thế.
3. FTA Việt Nam - Liên minh Á Âu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Tối ngày 29/5, tại Kazakhsatn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam chính thức ký bản hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD).
Trong giai đoạn tới, khi thực hiện hiệp định EEUV-FTA, phía Liên minh xóa bỏ thuế ngay đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn của Việt Nam sang Liên minh như dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, hàng điện tử…
4. Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ
Hôm 11/8, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố phá giá nhân dân tệ 1,9%. Chỉ trong vòng 3 ngày, đồng NDT đã giảm 4,6 % so với đồng USD. Sau nhiều lần tăng giảm liên tiếp, vào sáng 14/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc một lần nữa phá giá đồng Nhân dân tệ. Theo đó, một đô la Mỹ giờ đổi được 6,4495 NDT.
Thực tế làn sóng phá giá đồng tiền của mình đã diễn ra tại rất nhiều các quốc gia trong khu vực trong năm nay. Lần lượt Philippine, Indonesia,... đều phá giá rất mạnh đồng tiền. Việc Trung Quốc phá giá liên tiếp đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo