12 năm không đóng thuế: Metro "uốn dẻo", ép doanh nghiệp nội
Hoạt động của Metro cùng nhiều “ông lớn” nước ngoài khác đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải co cụm.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết thực tế đã diễn ra trong nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục, nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp nước ngoài đang được hưởng quá nhiều ưu tiên, ưu đãi.
Sang hoạt động, làm ăn tại Việt Nam trong suốt 12 năm, Metro chưa từng đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp do luôn báo lỗ song vẫn mở rộng trung tâm phân phối của mình. Vấn đề đặt ra là có sự chuyển giá trốn thuế, các cơ quan Tổng Cục thuế, thuế địa phương phải có trách nhiệm về vấn đề này trước khi Metro được bán cho nhà đầu tư Thái Lan.
Doanh nghiệp nội co rúm!
PV: Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Metro (Đức) tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam). Ông bình luận gì về thông tin này?
Ông Vũ Vinh Phú: Đây là cú thoát hiểm ngoạn mục của Metro vì tôi được biết trước đây khoảng 1 năm Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Siêu thị đã kiến nghị, yêu cầu điều tra vấn đề chuyển giá của Metro, các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc ngay, nhưng hiện mới chỉ trả lời bằng những văn bản hết sức chung chung về vấn đề chuyển giá.
Vậy kiến nghị hàng năm rồi nhưng vẫn im lặng phải chăng có vấn đề gì, tôi yêu cầu phải làm rõ việc chuyển giá Metro trước khi bán cho tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan, trước khi rút khỏi Việt Nam.
Còn đằng sau chuyện Thái Lan mua là vấn đề Thái Lan đã xâm nhập thị trường Việt Nam từ lâu rồi, như việc tổ chức hội chợ hàng Thái Lan tại Việt Nam ngay ngày mai là một hội chợ lớn được tổ chức. Từ khâu phân phối là khâu cuối cùng tất cả họ đang làm mà kinh nghiệm khi Thái Lan mua Family Mart, B'mart thì đến 70% hàng hóa sản phẩm trong đó là hàng Thái.
Vấn đề người dân Việt dùng hàng Việt như thế nào trong chuỗi cung ứng đó? Phải chăng phải có quy định doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này phải bán 70% hàng Việt. Vấn đề Bộ Công thương phải đề xuất, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam phải đề xuất.
PV: Metro đã có thâm niên hơn 12 năm với hệ thống 19 trung tâm trong cả nước. Điều mà các nhà kinh doanh lo ngại là Metro đang có lợi thế từ chính sách ưu đãi từ Chính phủ, đặc biệt là vị trí của các trung tâm phân phối. Hoạt động dưới hình thức bán sỉ, nhưng nhiều cơ sở Metro Cash & Carry Việt Nam lại nằm rất gần trung tâm các thành phố lớn Nhờ vậy, tập đoàn này đang cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng bán lẻ có giá bán cao hơn. Theo đánh giá của ông, từ khi có mặt tại Việt Nam ảnh hưởng như thế nào đến các siêu thị của doanh nghiệp trong nước thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Thực chất Metro hoạt động bán sỉ nhưng hoạt động ở quầy có bán lẻ. Dẫn đến điều này vừa có lý do khách quan vừa có lý do chủ quan. Lý do khách quan ví dụ trong trường hợp khách hàng mua buôn 100 tuýp kem đánh răng nhưng mua thêm 1 kg thịt. Còn lý do chủ quan là bản thân Metro muốn bán lẻ để thu lợi chính vì vậy Metro cũng tìm cách để lách luật.
Hoạt động của Metro cùng nhiều “ông lớn” nước ngoài khác đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải co cụm để chống đỡ làn sóng tràn vào đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như: Lotte, Big C, E-Mart Co, Aeon, Auchan…
Song bản thân các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này hiện nay cũng đang tồn tại những yếu điểm làm giảm sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài chính là thiếu sự liên kết, hoạt động phân tán manh mún không có đối trọng với nhà cung cấp.
Liên kết là cái đáng lo ở doanh nghiệp Việt Nam bây giờ không ai cứu doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam bằng tự doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cứu mình. Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng cần chủ động tìm kiếm, xây dựng những kênh sản xuất, phân phối hàng hóa ổn định, đảm bảo chất lượng.
Thời gian qua hàng loạt siêu thị trong nước cũng đã bị phát hiện bán hàng không đảm bảo, rau trôi nổi trà trộn thành rau sạch, nấm không rõ nguồn gốc… Một phần nguyên nhân của tình trạng này cũng do nhà phân phối của các siêu thị có quy mô nhỏ và không tự đảm bảo chất lượng hàng hóa. Tình trạng này có thể khiến người tiêu dùng mất niềm tin và “quay lưng” với siêu thị.
Ưu đãi doanh nghiệp ngoại, "hành" doanh nghiệp nội
PV: Doanh nghiệp nước ngoài mà cụ thể là trường hợp của Metro khi tham gia vào thị trường Việt Nam đã nhận được những ưu tiên, ưu đãi nào thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Vấn đề ưu tiên ưu đãi các doanh nghiệp nước ngoài diễn ra phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực, các ngành nghề và đây không phải là trường hợp ngoại lệ. Các doanh nghiệp chủ đầu tư người nước ngoài nói chung và Metro nói riêng đã được nhận các ưu đãi về thuế, về vị trí đặt trung tâm, siêu thị…
Cụ thể, theo tôi được biết, Metro được ưu đãi trong 2 năm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 50%. Vị trí mà Metro có được đều là những vị trí đẹp. Không chỉ Metro mà như trường hợp Big C cũng tương tự khi siêu thị Big C được cắm ngay giữa TP Đà Nẵng và Hải Phòng...
Trong khi doanh nghiệp Việt Nam bị “hành” đến 3 năm mới tìm được một vị trí xứng đáng để thấy chúng ta đang ưu đãi ai, chúng ta đang quan tâm đến ai và giờ mới thấy lo cho doanh nghiệp Việt.
PV: Xin ông cho biết chiến lược kinh doanh có lãi của Metro là gì, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Metro đã có những ưu đãi lớn khi tham gia vào Việt Nam, Metro cùng với tiềm lực tài chính, các quản trị thực chất đã thu lãi rất nhiều song trong suốt 12 năm hoạt động tại Việt Nam chỉ duy nhất năm 2010 Metro báo lãi, số tiền lãi đó Metro vẫn không cần phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, tất cả những năm còn lại cũng tương tự.
Thậm chí lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên tới gần 600 tỷ đồng nhưng Metro vẫn mở rộng kinh doanh, mở rộng đến 24 trung tâm phân phối trên cả nước. Metro đã chuyển giá “trốn lãi”, giảm lãi hoặc không có lãi thu lãi riêng cho doanh nghiệp, ăn hết không đóng góp cho ngân sách nhà nước và cái dại của Việt Nam là không tổ chức điều tra sớm. Metro đã vào đây hơn chục năm, đến bây giờ mới thả gà ra đuổi nếu không sớm có ràng buộc gì họ sẽ rút rất nhanh.
Khi trả lời câu hỏi của Cục Thuế TP.HCM Metro từng cho biết do chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn. Trong khi những năm gần đây số lượng siêu thị mở mới nhiều, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt nên phải mất trung bình ba năm kể từ khi khai trương mới có lãi. Các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định ngay nên công ty bị lỗ kéo dài.
PV: Việt Nam đã mất cả chì lẫn chài khi cùng lúc ưu đãi mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, khiến thị trường của doanh nghiệp nội địa bị ảnh hưởng dẫn đến sản xuất trong nước gặp khó cùng lúc lại không thu lợi cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế. Theo ông để xảy ra tình trạng này nguyên nhân do đâu và ai phải chịu trách nhiệm?
Ông Vũ Vinh Phú: Cơ quan Thuế Tổng Cục Thuế, thuế địa phương tại sao không theo sát vì vậy đơn vị này phải chịu trách nhiệm về vấn đề nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Động thái của Bộ ban ngành cụ thể là Bộ Công thương cũng phải chủ động
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo