Doanh nhân

160 tỷ phí bảo trì của cư dân Keangnam cầu cứu Thủ tướng

Tập thể cư dân đang sinh sống tại tòa nhà Keangnam vừa gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo khoảng 160 tỷ đồng tiền bảo trì đóng cho chủ đầu tư Landmark Tower không "bay" về Hàn Quốc trong trường hợp tòa nhà cao nhất Việt Nam bị bán

Bán tòa nhà KeangnamTòa nhà Keangnam đang đứng trước nguy cơ đổi chủ

Trước thông tin Tập đoàn Keangnam sẽ bán tòa nhà Keangnam (Ha Noi Landmark 72) với giá gần 800 triệu USD, người dân ở chung cư Keangnam đã thấp thỏm lo lắng về số tiền khoảng 160 tỷ đồng phí bảo trì đóng cho chủ đầu tư khi mua căn hộ. 

Cụ thể, khi mua căn hộ tại Keangnam, khách hàng sẽ phải đóng 2% phí bảo trì khi mua căn hộ cho chủ đầu tư. Với 922 căn hộ cao cấp đã được bán hết với giá trung bình 60 triệu đồng/m2, đại diện nhóm cư dân ở đây ước tính số tiền cư dân đã đóng lên đến 160 tỉ đồng.

“Theo tính toán của chúng tôi, tổng số tiền 2% cư dân đã đóng lên đến 160 tỉ đồng, chưa kể lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền bảo trì này chủ đầu tư chỉ đưa ra có 125 tỉ đồng đã bao gồm lãi suất ngân hàng tính đến thời điểm cuối năm 2014 và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại", bà Thúy Mai, đại diện cư dân cho hay.

Về phía Chủ đầu tư, cụ thể ở đây là Công ty TNHH MTV Keangnam Việt Nam, cũng đã có văn bản gửi Ban quản trị của cư dân về vấn đề phí bảo trì. Tuy nhiên, hướng giải quyết không thỏa đáng và không an toàn.

"Quá quắt hơn, Công ty TNHH MTV Keangnam Việt Nam (Keangnam Vina) còn gửi công văn cho cư dân nêu rõ số tiền bảo trì đã sử dụng là hơn 1,7 tỉ đồng và đề nghị trả cho Ban quản trị của cư dân trong vòng 25 năm, mỗi năm 5 tỉ đồng. Cư dân chúng tôi không thể chấp nhận sự vô lý đó do tập đoàn Keangnam đang đứng trước nguy cơ phá sản, phải rao bán nhiều tài sản ở nước ta, kể cả tòa Keangnam Landmark 72. Nếu bán xong nốt tòa nhà này, họ rút khỏi Việt Nam thì ai sẽ trả tiền phí bảo trì cho cư dân ở đây”, bà Thúy Mai bày tỏ bức xúc.

Theo đại diện Ban quản trị chung cư Keangnam, phía đại diện cư dân và Keangnam Vina đã nhiều lần đàm phán bằng văn bản về vấn đề phí bảo trì nhưng không có được tiếng nói chung. Ban quản trị cư dân cũng đã gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị vào cuộc giải quyết giúp nhưng chưa có động thái nào từ các cơ quan này. Do vậy, cư dân Keangnam quyết định cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ để bảo toàn số tiền khoảng 160 tỷ đồng không "bốc hơi" trong trường hợp tòa nhà Keangnam đổi chủ.

“Trường hợp tập đoàn Keangnam bị phá sản, phải bán tòa nhà 72 tầng, Chính phủ chỉ chấp thuận cho chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân Keangnam quỹ bảo trì này. Giao Bộ Xây dựng tính toán chính xác số tiền quỹ bảo trì để làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn trả lại quỹ cho cư dân”, Ban quản trị cư dân Keangnam viết trong thư kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo