Doanh nhân

2 kỷ lục của doanh nghiệp Việt trong 2015

Năm 2015, có gần 95 nghìn doanh nghiệp tham gia thị trường, tuy nhiên con số chia tay và tạm ngưng hoạt động cũng đạt kỷ lục: gần 81 nghìn doanh nghiệp. Điều này cho thấy, có những chính sách hiệu quả được thực thi, tạo niềm tin cho khu vực doanh nghiệp hướng tới phát triển, nhưng cũng còn những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Doanh nghiệp "khai sinh" lớn chưa từng có

Kỷ lục thành lập mới doanh nghiệp một lần nữa lại bị phá vỡ khi số lượng doanh nghiệp được "khai sinh" trong năm 2015 theo công bố của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) chốt ở con số 94,7 nghìn doanh nghiệp. Hiện tượng phá vỡ đỉnh cũ, xác lập đỉnh mới trong đăng ký kinh doanh liên tục xuất hiện vài năm trở lại đây song ông Bùi Anh Tuấn - Cục phó Cục Đăng ký kinh doanh vẫn tỏ ra ấn tượng với con số này.

Sự ấn tượng được ông Tuấn lý giải không chỉ bởi con số “chưa từng có” được ghi nhận ở số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nhiều năm qua mà quan trọng hơn đó là làn sóng đăng ký mới trong năm 2015. “Lâu lắm rồi, chắc khoảng hơn chục năm nay, làn sóng đăng ký thành lập doanh nghiệp mới mạnh mẽ như vậy”, ông Tuấn nói.

Số liệu thống kê cho thấy, làn sóng được ông Tuấn nhắc tới diễn ra kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực tháng 7/2015 tới nay với số lượng doanh nghiệp được khai sinh liên tục tăng so với trước (tháng 7/2015 là 6,9 nghìn doanh nghiệp; tháng 8/2015: 9,3 nghìn; tháng 9/2015: 7 nghìn và tháng 10/2015: 9,2 nghìn; tháng 11/2015: 9,3 nghìn và tháng 12/2015; 7,9 nghìn). Theo đó, số vốn đăng ký trong năm 2015 cũng được đẩy lên mức cao kỷ lục 601,52 nghìn tỷ đồng.

Kỷ lục doanh nghiệp thành lập

Có gần 95 nghìn doanh nghiệp tham gia thị trường, tuy nhiên con số chia tay và tạm ngưng hoạt động cũng đạt kỷ lục: gần 81 nghìn doanh nghiệp.

Nhưng quan trọng hơn, theo ông Tuấn, cùng với số vốn 601,52 nghìn tỷ đồng của khu vực doanh nghiệp thành lập mới đã có thêm 851,02 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đăng ký thay đổi tăng vốn trong năm 2015. Tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong cả năm 2015 là 1.452,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng từ 1/7/2015 đến 20/11/2015 đã có 134.570 hồ sơ đăng ký thay đổi tăng vốn (trong đó hơn 1/3 là tăng vốn điều lệ), tăng mạnh tới 151% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định về những thay đổi này, ông Tuấn cho rằng, sỡ dĩ số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như số doanh nghiệp đăng ký tăng vốn tăng mạnh là do các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, sự cởi mở, thông thoáng của hai bộ luật quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp chính là nhân tố tạo ra làn sóng doanh nghiệp thời gian qua. Những quy định về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không ghi ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh theo những lĩnh vực mà pháp luật đã quy định, cho phép; doanh nghiệp có quyền tự quyết về số lượng, hình thức, nội dung của con dấu... đã tác động trực tiếp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.

Thời gian cấp đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giảm xuống còn 2,9 ngày và đăng ký thay đổi giảm xuống 2,47 ngày, thấp hơn 2 ngày so với thời điểm trước khi có Luật Doanh nghiệp 2014. Ngoài ra, ngoài các ngành nghề đầu tư có điều kiện, doanh nghiệp có thể tự lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh mà pháp luật không cấm, tạo ra sự minh bạch cho doanh nghiệp.

Kỷ lục doanh nghiệp rời bỏ thị trường

Nhắc đến kỷ lục trong năm 2015 không thể không nhắc tới kỷ lục số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2015 đã có 9,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh, giảm 0,4% so với năm trước, nhưng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 71,4 nghìn doanh nghiệp.

Như vậy, tính chung số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động trong cả năm 2015 đã lên mức 80,9 nghìn doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với số của các năm trước (năm 2014: 67,8 nghìn doanh nghiệp; năm 2013: 70,5 nghìn; năm 2012: 63,5 nghìn và năm 2011: 61,5 nghìn).

Bình luận về con số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động do khó khăn, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc doanh nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoạt động là quy luật tất yếu của thị trường.

“Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả và phải giải thể là bình thường. Ngoài ra, nếu so sánh với nhiều nước thì tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể ở Việt Nam là khá thấp”, ông Lâm nhận định. Tuy nhiên, ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không chỉ số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục mà số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể cũng chưa bao giờ cao như hiện nay.

Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, khu vực doanh nghiệp đang có những xáo trộn rất mạnh. “Khó khăn vẫn bao trùm khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao như vậy buộc phải đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Lan nói.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận các nguồn lực ưu đãi từ vốn, đất đai tới công nghệ... song khu vực doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận những ưu đãi này. Vì vậy hệ lụy là số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn liên tục tăng qua các năm, trong khi số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường vẫn chưa thực sự có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét.

Những khó khăn mà khu vực doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt đã khiến khu vực này khó phát triển. Nếu không có lực lượng sản xuất trong nước đủ mạnh thì Việt Nam rất khó cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (EAC) đã cận kề. Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam không chỉ nhìn vào những lợi thế như chi phí lao động rẻ, tiềm năng thị trường mà còn quan tâm tới sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Vì vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ngay lúc này, Việt Nam cần phải xem xét lại những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và ổn định phát triển. “Đáng tiếc năm 2015 được xác định là năm doanh nghiệp song đến giờ những gì làm được cho khu vực này vẫn còn quá ít ỏi”, bà Lan nói.

Doanhnhansaigon/VnEconomy

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo