Góc nhìn

2014: Đừng quên dòng chảy hội nhập!

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng những hiệp định mậu dịch tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số hiệp định FTA với EU đang đàm phán được sẽ mang lại nhiều cơ hội cùng với thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, dù kinh tế tiếp tục khó khăn nhưng Việt Nam cũng không nên đứng ngoài dòng chảy hội nhập đó.

Ông Võ Trí Thành. Ảnh: Hoàng Phi

Trước hết, ông đánh giá như thế nào về năm 2014?

Ông Võ Trí Thành: Tôi cho rằng năm 2014 sẽ không có khác biệt nhiều so với 2013. Cho dù có một số giải pháp hỗ trợ và mở rộng thêm cầu đầu tư qua phát hành trái phiếu chẳng hạn, nhưng nhìn chung mọi dự báo cho thấy sự phục hồi về kinh tế vẫn còn yếu, không riêng gì Việt Nam, mà trên cả thế giới. Điều này có nghĩa là khó khăn vẫn đeo đẳng bên cạnh những vấn đề như nợ xấu hay khó tiếp cận tín dụng.

Trong bối cảnh ấy, ông nghĩ doanh nghiệp nên xoay xở như thế nào?

Ông Võ Trí Thành: Điều đầu tiên tôi cho rằng phải sống sót trước đã. Để sống được, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục bài cũ là giảm chi phí, tìm kiếm thị trường mới và tìm bạn hàng tốt hơn… Tuy nhiên, trong lúc bươn chải để tồn tại đó, doanh nghiệp cũng phải lo cho tương lai dài hạn hơn. Thế giới đang thay đổi và Việt Nam cũng phải theo hướng đó, vì thế, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị để thích nghi với sự thay đổi. Nghĩa là phải học và áp dụng các cách thức quản trị mới, tái cấu trúc lại chính mình.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng sức cạnh tranh trong hội nhập của chúng ta còn quá yếu?

Ông Võ Trí Thành: Mở cửa và hội nhập chính là chấp nhận cạnh tranh, và chấp nhận rủi ro. Nhưng trong đó dĩ nhiên cũng có nhiều cơ hội. Tôi nghĩ đó là một sự lựa chọn giữa hoặc là chọn và chấp nhận rủi ro để có cơ hội phát triển, hoặc là không chấp nhận rủi ro của hội nhập. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng rằng cái rủi ro lớn nhất của chúng ta là không hội nhập và không phát triển.

Nhưng có vẻ như rủi ro trong thời gian qua quá lớn khi doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt?

Ông Võ Trí Thành: Khi đã chơi trong hội nhập thì điều cần thiết là làm thế nào để hạn chế rủi ro nhưng phải tận dụng cơ hội để phát triển. Tôi cho rằng chúng ta cần phải tận dụng và phát huy lợi thế so sánh của mình. Bản chất của hội nhập là phát huy lợi thế so sánh, chứ không phải là lợi thế tuyệt đối. Đúng là có những doanh nghiệp bị phá sản khi mở cửa, nhưng vấn đề của chúng ta là làm sao là hạn chế điều đó. Cách thức hạn chế, một là trên đàm phán phải giành lấy những điều có lợi, hai là bằng các chính sách an sinh xã hội… Một điều quan trọng nữa là chúng ta cần phải dịch chuyển từ lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động, tức là từ nhân công giá rẻ sang chất lượng, sang công nghệ, thị trường, kỹ năng… Khi mở cửa thì cạnh tranh tăng lên và cơ hội cũng lớn hơn.

Việt Nam hiện đang đàm phán một loạt các hiệp định mậu dịch tự do. Liệu chúng ta có vội vã quá hay không?

Ông Võ Trí Thành: Nếu nói về nhanh thì tôi cho rằng lần mở cửa nhanh nhất trong lịch sử là từ năm 1989 khi nền kinh tế chuyển từ đóng sang mở. Cho đến nay chúng ta đã có nhiều năm kinh nghiệm, vì thế cũng khó nói những hiệp định sắp tới là nhanh hay chậm, vì còn phụ thuộc nhiều thứ, từ các nhà đàm phán đến những cách thức điều chỉnh chính sách cũng như yếu tố bên ngoài. TPP chẳng hạn, không phải là tốc độ nhanh, mà là hội nhập sâu và chất lượng nhất. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta hãy đừng xúc cảm quá để nói rằng mở cửa chậm thì tốt hơn. Nhưng trong một dòng chảy mình phải nhìn nhận được đâu là dòng chính. Đúng là nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động, nhưng liệu có vì thế mà chúng ta hạn chế dòng chính là hội nhập được hay không? Hãy tỉnh táo để có những ứng xử thích hợp.

Vậy theo ông, trong dòng hội nhập đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

Ông Võ Trí Thành: Hãy chuẩn bị cho sự hiểu biết sâu hơn về pháp luật và các cam kết hội nhập cũng như sự thay đổi của các chính sách trong nước theo hướng tương thích với các cam kết. Dù rằng sau nhiều năm hội nhập, chúng ta đã có một số kinh nghiệm, nhưng nhìn chung vẫn còn rất yếu. Đặc biệt là khi chúng ta ký kết TPP, được coi là một hiệp định của chất lượng, của những cam kết sâu và cao nhất từ trước đến nay. Tiếp đến, hãy chuyển từ lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động. Tôi muốn nói chúng ta đừng chú trọng vào cạnh tranh bằng giá nữa, mà hãy cạnh tranh bằng chất lượng. Cuối cùng là sự kết nối vào trong chuỗi sản xuất. Đấy là ba vấn đề tôi cho rằng doanh nghiệp cần phải chú ý.

Xin cảm ơn ông!

Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo