2014 và sự “đặc biệt vừa phải” của cải cách thể chế kinh tế
Trong phiên họp cuối năm 2014 của Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh đã trình bày bản báo cáo dài 1.978 chữ về tình hình kinh tế - xã hội 2014.
Và, chỉ có một lần hai chữ “đặc biệt” xuất hiện, khi Bộ trưởng đánh giá chung về kết quả của năm qua.
“Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều bộ luật hết sức quan trọng để bảo đảm triển khai, thực thi có hiệu quả các quy định của Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng viết.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đó cũng là vấn đề được nhấn mạnh ở nhiều bài nói, bài viết, hội thảo, diễn đàn… trong năm 2014.
Một trong số các vị chuyên gia rất kiên trì hiến kế cải cách thể chế kinh tế và cũng đã hơn một lần được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tham vấn về vấn đề này là TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Nhìn lại cả năm 2014, bình về hai chữ “đặc biệt” của Bộ trưởng Vinh, ông Doanh cho rằng cũng mới chỉ “đặc biệt vừa phải" thôi.
Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng đã dấy lên những kỳ vọng to lớn về cải cách thế, như chuyển sang "nhà nước kiến tạo phát triển", "cạnh tranh bình đẳng"… Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng đưa ra nhiều biện pháp đúng đắn, bản thân Thủ tướng cũng đã vào cuộc mạnh mẽ trực tiếp chỉ thị cho ngành thuế, hải quan, xây dựng, đất đai, kế hoạch... phải giảm bớt thủ tục, giảm bớt phiền hà cho dân. Một số cải tiến nhất định đã được công bố, song chỉ là cải thiện về chi tiết, chưa có chuyển biến cơ bản, ông Doanh nhìn nhận.
Nhắc lại xác nhận của Tổng thanh tra Chính phủ là "trong ba năm qua tham nhũng cơ bản ổn định" và trên thực tế vẫn nhận được những “than thở” của doanh nhân về “chi phí không chính thức”, vị chuyên gia này cho rằng “chưa thể nói đã có đột phá trong hành động tuy có manh nha một số tư tưởng đột phá trên văn bản”.
Đó là nhìn rộng về cải cách thể chế. Riêng với một số dự án luật được Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh là "hết sức quan trọng" tại báo cáo nói trên, dù cũng vẫn còn dư luận nhiều chiều song cũng chứa đựng không ít kỳ vọng.
Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 với phương pháp tiếp cận chọn - bỏ, tức là những gì cấm thì ghi vào trong luật, không ghi thì có nghĩa là mọi người được phép đầu tư, kinh doanh, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “là phương pháp tiếp cận cực kỳ tiên tiến”.
So sánh với cách tiếp cận hiện hành là chọn - cho, tức là cái gì cho đầu tư kinh doanh thì ghi trong luật, Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười nhận xét đây là một bước đột phá rất cơ bản để cải thiện môi trường đầu tư.
Sự khác biệt về phương pháp tiếp cận, theo ông Mười, sẽ mở ra một không gian thoáng rộng, và doanh nghiệp sẽ được hít thở trong bầu trời nhiều ô xy hơn.
Từ nền tảng của phương pháp này sự minh bạch sẽ cao hơn, thậm chí cho phép các doanh nghiệp vận dụng, khai thác tốt hơn những hạn định của luật, ông Mười nói với VnEconomy.
Theo Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Lê Văn Hiểu, quan điểm cho phép kinh doanh những ngành nghề không cấm là quan điểm phổ biến của các nước tiên tiến trên thế giới và không phải là quan điểm mới. Song khi được áp dụng tại Việt Nam sẽ có hàng ngàn ngành nghề mới mà trước đây rất khó đăng ký.
Việc này mở ra cơ hội đặc biệt lớn cho doanh nghiệp có thể kinh doanh tất cả các ngành nghề khi nắm bắt được cơ hội. Quan trọng là sự tự chủ trong kinh doanh trong nước và tăng cường giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài. Liều thuốc đặc hiệu này sẽ giúp doanh nghiệp "khỏe lên" rất nhiều trong tương lai. Bước đột phá này sẽ giúp cho tinh thần sáng nghiệp và khởi nghiệp được tiếp thêm sức mạnh, ông Hiểu nhận xét.
Thảo luận cùng ngày, thông qua cùng buổi với Luật Đầu tư là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Không bỏ hẳn con dấu như một số tờ báo đã nhầm lẫn khi đưa tin, song việc trao cho doanh nghiệp nhiều quyền chủ động hơn trong việc sử dụng con dấu, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng là sự thay đổi rất ưu việt.
Điều 44 Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Và con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
Như vậy nếu quy định của pháp luật cần phải sử dụng con dấu thì doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ, còn giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau mà pháp luật không bắt buộc phải có thì doanh nghiệp có thể không cần sử dụng con dấu, ông Tuấn nhìn nhận.
Điểm tích cực của sự thay đổi này, theo ông Tuấn là mở đường cho xu hướng đơn giản hoá thủ tục, giảm yêu cầu sử dụng con dấu sau này. Nếu các văn bản trong các lĩnh vực khác sau này theo hướng không cần sử dụng con dấu thì phạm vi mà doanh nghiệp không phải áp dụng cũng mở rộng hơn. Đây cũng tạo ra lộ trình thay đổi từng bước có thể chấp nhận được.
Một ưu điểm khác nữa là việc sử dụng con dấu là quy định công khai thông tin về mẫu dấu tại cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia. Như vậy, bất cứ ai cũng có thể biết, nhận diện được và phân biệt được, ưu việt hơn cơ chế hiện nay là chỉ lưu chiểu ở cơ quan công an, chuyên gia pháp chế của VCCI trao đổi với VnEconomy.
Bên cạnh hai luật nói trên, một số luật khác như Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… đều có hiệu lực từ 2015 và đều liên quan tới thể chế kinh tế thị trường.
Nhưng, không chỉ cách tiếp cận tích cực của các luật này mà chính là quá trình thực thi mới thực sự tạo ra chuyển biến trong cải thiện môi trường kinh doanh, một nhiệm vụ trọng tâm của 2015 như chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp cuối 2014 vừa qua.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo