3 bài toán khó của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng vẫn còn tồn tại “ba cái khó” khiến nông dân vẫn chưa thể yên tâm sản xuất. Bài toán về chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế đang từng bước được người dân hoàn thiện nhưng vẫn còn thêm hai bài toán khó hơn là…
Bộ Nông nghiệp và các ban ngành liên quan đã nghiên cứu, đưa ra đề án và bắt tay vào thực hiện các kế hoạch liên quan đến nền nông nghiệp nước nhà từ lâu, quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy mô canh tác, chất lượng sản phẩm và việc áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật đã đạt được nhiều thành quả nhất định và có những con số dẫn chứng cụ thể ( giá trị xuất khẩu 2014 mặt hàng nông – lâm – thủy – sản đạt 30 tỷ USD).
Tuy nhiên câu chuyện ứ đọng nông sản, thương lái ép giá, khó khăn trong thị trường đầu ra, sản xuất theo phong trào không tìm hiểu kỹ thị trường… hầu như năm nào cũng diễn ra. Gần đây nhất là vụ việc dưa hấu và hành tím, trước đó có thể kể đến thanh long, ổi, bưởi tạo thành mối lo ngại cho người dân không dám đẩy mạnh đầu tư sản xuất.
Theo ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến và Xuất khẩu nông lâm, thủy sản trả lời phỏng vấn trên SGGP: “ Đây không phải là tình trạng chung của nông sản trên địa bàn cả nước mà chỉ xảy ra đối với một số địa bàn ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là do thông tin của chúng ta còn thiếu và chưa chủ động. Chúng ta đều hiểu, việc nắm thông tin về nhu cầu của thị trường nhập khẩu là rất quan trọng.
Gần đây, khảo sát của chúng tôi cho thấy nhu cầu cao về các loại trái cây của phía bạn là đúng và đây là một thị trường tiềm năng, nhưng nếu xử lý tốt thông tin về thị trường, ví dụ như biết được phía bạn chỉ nhập một ngày bao nhiêu xe nông sản để sau đó chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân, thương lái và lái xe điều tiết nguồn cung lên cửa khẩu, hạn chế được tình trạng doanh nghiệp đua nhau đổ hàng về vào mùa vụ thu hoạch rộ. Còn như hiện nay, câu chuyện dồn ứ là chắc chắn”.
Các nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu. Nói như vậy không phải là do khâu tìm kiếm thị trường của chúng ta yếu hay có những quy định về luật pháp ngăn cản. Nông dân nước ta từ trước không có thói quen làm hợp đồng khi buôn bán, chủ yếu là theo hình thức trao tay. Theo đánh giá, có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến điều này.
Thứ nhất như đã nêu ở trên là thông tin về nhu cầu mặt hàng, giá, số lượng, quy định… ở thị trường ngoài nước chưa rõ ràng, tầm nhìn hạn chế dẫn đến sản xuất không theo hoạch định cụ thể nào. Vì vậy luôn bị động trong đầu ra mà chỉ chăm chăm vào sản xuất theo cái lợi tính theo vụ một. Tại các địa phương cũng có hỗ trợ nhưng chỉ hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật chăm sóc, tiền vốn… Còn vấn đề tập hợp nông sản lại và tìm thị trường đầu ra ổn định thì lại chưa làm quyết liệt. Có thể gọi là “ cho cái cần câu nhưng không xây chợ bán cá”.
Thứ hai là bài toán đã được nhắc đến từ lâu về chất lượng sản phẩm. Bộ đã ban hành tiêu chuẩn VIETGAP - chứng nhận chất lượng nông sản trong nước. Những nhà làm nông nghiệp chuyên nghiệp đã không còn xa lạ với mức yêu cầu này và được thực hiện khá tốt. Tiêu chuẩn mà người nông dân đang hướng đến là GlobalGAP – tiêu chuẩn chất lượng nông sản quốc tế. Nhiều măt hàng, nhiều địa phương đã đạt được điều này và mở ra cánh cửa xuất khẩu sang các nước bạn.
Nhưng cái khó thứ ba là quy mô sản sản xuất hay nói cách khác là bài toán số lượng. Khi đã có thị trường, tiêu chuẩn sản phẩm hoàn toàn đạt yêu cầu thì lại không đủ số lượng sản phẩm để ký kết hợp đồng với thị trường nước bạn. Quy mô nhỏ hoặc một vài nơi mang tính sản xuất địa phương, các chủ trang trại không liên kết với nhau để tạo thành một tổ hợp sản xuất đáp ứng đủ cả yêu cầu về chất và lượng.
Không phải người dân không dám mở rộng quy mô sản xuất mà họ chưa dám mở. Nỗi lo thị trường đầu ra vẫn là trở ngại lớn khi vụ việc hàng loạt nông sản bị dồn ứ không xuất đi được vẫn đang lơ lửng trên đầu. Như vậy, ngoài việc tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nông dân phát triển nông nghiệp, cần lắm một đơn vị tìm thị trường đầu ra cho người dân yên tâm sản xuất.
Bảo Nguyên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo