4 tháng đầu năm 2015: DN nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn
Kết quả khảo sát nhanh động thái của doanh nghiệp (DN) 4 tháng đầu năm 2015 trên quy mô toàn quốc vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, tình hình sản xuất- kinh doanh của DN không khả quan hơn so với 6 tháng cuối năm 2014.
Bà Đoàn Thị Quyên - Đại diện Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI cho biết, nhìn chung trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ doanh thu giảm, lượng đơn đặt hàng giảm, lợi nhuận giảm mạnh và lao động bị cắt giảm. Trong khi đó, các DN lớn có xu hướng tuyển thêm lao động, tổng doanh thu tăng, lượng đơn hàng tăng, tuy rằng lợi nhuận vẫn có xu hướng giảm. Về lĩnh vực hoạt động, chỉ số lợi nhuận của các DN công nghiệp và xây dựng dù giảm, song tốc độ giảm thấp hơn so với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông- lâm- thủy sản và lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Cũng theo bà Quyên, trong 4 tháng đầu năm, có khoảng 2,3% doanh nghiệp trả lời khảo sát phải tạm ngừng hoạt động (năm 2014 là 2,2%), thời gian phải ngừng hoạt động trung bình là 1,2 tháng, doanh nghiệp có thời gian ngừng hoạt động ngắn nhất là 0,5 tháng và dài nhất là 3 tháng. Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 29,4%, doanh nghiệp nhỏ 47,1% và các doanh nghiệp lớn 23,5%. Không có doanh nghiệp quy mô vừa phải ngừng hoạt động. Nguyên nhân doanh nghiệp phải ngừng hoạt động chủ yếu do không tìm được thị trường đầu ra (chiếm tới 31,8%).
Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ mở rộng sản xuất trong 4 tháng đầu năm thấp nhất so với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ giảm quy mô kinh doanh cao nhất. Điều này cũng cho thấy các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp siêu nhỏ không thuận lợi bằng các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
Để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trụ vững và vươn lên, TS.Phạm Thị Thu Hằng- Tổng Thư ký VCCI đề nghị doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không bị phụ thuộc vào một thị trường, tránh rủi ro. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp hy vọng vào xuất khẩu
Theo VCCI, các DN cũng dự cảm rằng, tình hình khó khăn sẽ được cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2015. Trong 9 tháng cuối năm 2015, có 42,2% DN có kế hoạch mở rộng sản xuất- kinh doanh, 56,1% DN giữ nguyên quy mô kinh doanh, 1,7% DN giảm quy mô và chỉ còn 0,1% DN có thể phải tạm ngừng hoạt động. Với dự báo nhu cầu thị trường xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong 9 tháng cuối năm 2015, đã có 19,1% DN xây dựng kế hoạch mở rộng đầu tư vì nhận thấy cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài gia tăng.
Trong 4 tháng đầu năm 2015, các DN đánh giá việc tiếp cận vốn vay đã dễ dàng hơn. Theo dự cảm của DN, yếu tố này sẽ tiếp tục được cải thiện lớn trong nửa cuối năm 2015. Sự cải thiện của chỉ số tổng thể môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô, hiệu lực thực thi chính sách cũng như cải cách thủ tục hành chính trong 4 tháng đầu năm 2015 cũng khiến DN lạc quan hơn về sản xuất- kinh doanh cho các tháng cuối năm.
Để DN có thể trụ vững và vươn lên, TS.Phạm Thị Thu Hằng- Tổng Thư ký VCCI- đã đề nghị DN cần chủ động và tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không bị phụ thuộc vào một thị trường, tránh rủi ro. Bên cạnh đó, các DN cũng phải chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Hằng, nguyên nhân lớn nhất cản trở DN tham gia vào chuỗi cung ứng là do chưa tiếp cận được công nghệ phù hợp và quy mô của DN nhỏ. Do vậy, DN cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm và tiếp cận thông tin công nghệ, có chiến lược để mở rộng quy mô; tập trung tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới và giàu tiềm năng, xây dựng các kênh phân phối hiệu quả nhằm giải quyết hàng tồn kho…
End of content
Không có tin nào tiếp theo