Bất động sản

5 dự án bất động sản tai tiếng nhất năm 2013

Năm 2013 sắp khép lại, nhưng thị trường bất động sản sẽ khó có thể quên được tên 5 dự án khiến khách hàng phải "mất ăn mất ngủ" nhiều ngày.Usilk City - thảm họa về tiến độ

Usilk City - thảm họa về tiến độ

Dự án Usilk City do Cty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, từng được quảng cáo rầm rộ với quy mô 13 tòa nhà cao hiện đại từ 25 - 50 tầng và mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào năm 2009, kế hoạch sẽ bàn giao vào năm 2012-2013 và được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, thay đổi bộ mặt của quận mới Hà Đông.

Usilk City dự án tai tiếng nhất trong năm

Tuy nhiên, sau khi đóng tiền mua dự án, nhiều khách hàng đã phải "ôm hận" vì tiến độ thi công chậm, liên tục dừng triển khai. Đa số các tòa nhà tại đây vẫn ở dạng móng và bị đắp chiếu trong suốt thời gian dài. Hồi tháng 9/2012, BIDV cũng cho biết sẽ rót 300 tỷ đồng cho dự án này. Tuy nhiên, đến nay, Usilk City vẫn xây dựng cầm chừng.

Sau nhiều lần tuyên bố ngừng thi công, dự án Usilk City lại được hứa hẹn "cứu" thêm lần nữa nhờ dòng vốn của các chủ đầu tư và người mua căn hộ.

Sau 2 năm chậm bàn giao căn hộ, đa số khách hàng đóng phần lớn tiền mua nhà tại cụm CT1, Dự án Usilk City rất sốt sắng trong việc nhận bàn giao nhà. Thế nhưng, việc chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long (STL) gần như “sức cùng, lực kiệt”, lại thêm một bộ phận khách hàng không chịu đóng tiền khiến việc triển khai dự án đi vào bế tắc.

Tại Hội nghị khách hàng diễn ra mới đây, khoảng 200 người mua nhà tại cụm CT1 đã thống nhất cao với phương án: khách hàng sẽ tiếp quản và quản lý dòng vốn triển khai Dự án Usilk City.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 8/2013, các khách hàng của cụm CT1 sẽ lần lượt thành lập một tài khoản cá nhân tại Ngân hàng BIDV và ủy quyền cho BIDV hàng tuần tự động trích một phần tiền theo tỷ lệ cần phải đóng để nộp vào tài khoản chung của cộng đồng. Tài khoản chung này sẽ do 3 đại diện khách hàng và một đại diện chủ đầu tư làm chủ. Các chủ tài khoản không được quyền rút tiền mặt có trong tài khoản. Việc chuyển tiền để thực hiện dự án phải có chữ ký của các đồng chủ tài khoản.

B5 Cầu Diễn - Nguy cơ "mất trắng" hàng trăm tỷ đồng

Dự án chung cư B5 Cầu Diễn do liên doanh công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (40% vốn) và Tập đoàn Housing (60% vốn) đồng chủ đầu tư.

B5 Cầu Diễn - Hàng trăm khách hàng trước nguy cơ

Theo hồ sơ pháp lý, dự án này có diện tích hơn 22.000 m2 được xây dựng trên ô đất ký hiệu 14 thuộc quy hoạch chi tiết khu đô thị Thành phố giao lưu tại địa chỉ B5 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. 

Và sau 3 năm nhận tiền góp vốn của khách hàng, hiện dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống, mới giải phóng mặt bằng được khoảng 60%.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, mặc dù dự án chưa xong móng nhưng đã tiến hành huy động vốn của hàng trăm khách hàng.

Điều đáng nói là ổ hợp chung cư CT5 đã được các cơ quan chức năng xác định là đất dùng để xây dựng nhà tái định cư thế nhưng thời điểm cuối năm 2009, 2010, liên doanh này đều chào bán cho khách hàng với bản thiết kế “tự vẽ” bao gồm 6 tòa nhà chung cư cao 28 đến 32 tầng với gần 2.000 căn hộ thương mại.

Theo phản ánh của khách hàng, Tập đoàn Housing đã thực hiện huy động vốn của 400 khách hàng mua nhà cá nhân, bán buôn cho một số sàn giao dịch bất động sản với số lượng tiền huy động là 470 tỷ đồng.

Về phía công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội do ông Nguyễn Văn Tuẫn nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc đã huy động của hơn 200 khách hàng với số tiền là 100 tỷ đồng.

Như vậy, ước tính số tiền huy động vốn trái phép này đã lên tới gần 600 tỷ đồng. Câu hỏi là số tiền này hiện đang ở trong tay ai và đã đi đâu về đâu?

Ngày 28/9/2013, ông Tuẫn đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra C46 Bộ Công an bắt tạm giam 4 tháng liên quan đến số tiền 100 tỷ đồng tiền huy động của khách hàng mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn.

Splendora - Bùng nổ tranh chấp

Năm 2013 có thể là năm khá "đen đủi" cho dự án từng được đánh giá là đắt nhất Hà Nội một thời này. Dự án Splendora (Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) do công ty An Khánh JVC làm chủ đầu tư.

Splendora - Bùng nổ tranh chấp

Đầu tiên có thể kể đến vụ việc Splendora bị Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội "tuýt còi" vì xây dựng sai thiết kế. Cụ thể, theo Sở Xây dựng Hà Nội, qua kiểm tra, xem xét hiện trạng công trình 2 biệt thự tại vị trí BT6 - 390 – B8 - 5 của ông Đinh Quang Vinh, vị trí BT6 - B1 của ông Dương Phúc Tú đã xây dựng hoàn thiện, đối chiếu với hồ sơ pháp lý dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, Thanh tra Sở Xậy nhận thấy nội dung đơn thư phản ánh của khách hàng là có cơ sở.

Cụ thể, theo thiết kế cơ sở, cốt sân, vườn là cao độ +7,3m, cốt đường là +7,5m, cốt sảnh là +7,75m, chiều cao cuả bậc tam cấp là 150 mm. Nhưng hiện trạng thực tế đo được là: cao độ cốt sân, vườn là 7,45m, cốt đường là 7,45m, cốt sảnh nhà là 7,78m, chiều cao của bậc tam cấp là 110 mmm.

Như vậy, hiện trạng thực tế của công trình đã sai so với thiết kế cơ sở ban đầu, chiều cao của bậc tam cấp thấp hơn 40 mm.

Tại buổi kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng. Hình thức xử phạt hành chính là 30 triệu đồng.

Chưa hết, hồi đầu tháng 9, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đưa ra xét xử vụ tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư Dự án Splendora liên quan đến việc chủ đầu tư dự án bị hơn 20 khách hàng khởi kiện do không bàn giao thông báo hoàn thiện phần nhà xây thô.

Theo nội dung khởi kiện của các khách hàng thì chủ dự án Bắc An Khánh - Splendora  không bàn giao thông báo hoàn thiện nhà xây thô theo hợp đồng nhưng vẫn tiếp tục hoàn thiện dự án, yêu cầu khách hàng nộp tiền và tính lãi trả chậm.

Mới đây, nhiều khách hàng mua dự án Splendora (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) lại tiếp tục bức xúc, phán ảnh lên báo chí vì bị chủ đầu tư nhiều lần “ép” nhận nhà trong khi căn hộ vẫn chưa hoàn thiện.

Khu đô thị mới Bắc An Khánh - Spendora vốn đình đám trên thị trường bất động sản trong thời “hoàng kim” khi giá mỗi căn biệt thự của dự án được bán chênh hàng tỷ đồng.

Dự án được tiến hành từ năm 2006-2013 do Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (Liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.

Tricon Tower - Chủ đầu tư "biến mất"

Từ cuối năm 2009, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng đóng tiền mua nhà tại dự án Tricon Tower cho Công ty Minh Việt. Khách hàng sẽ phải đóng tiền theo định kỳ 3 tháng/lần, mỗi lần 20.000 USD.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, nếu khách hàng xuống 70% trị giá số tiền của căn hộ sẽ được giảm 5% (xấp xỉ 14.000 USD).

Tricon Tower - Chủ đầu tư

Theo nguyên tắc nội dung ký kết, Công ty Minh Việt sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày 31/12/2011, muộn nhất là ngày 30/6/2012. Tuy nhiên đến nay, dự án này mới hoàn thiện phần móng và xây thô tầng 2, hiện đã đắp chiếu” từ nhiều tháng qua.

Nhiều khách hàng cho biết, họ đã nộp tiền cho Công ty Minh Việt lên tới 70% giá trị của căn nhà. Tuy nhiên cho đến nay, Ông Edward Chi – Tổng giám đốc  Công ty đầu tư Minh Việt đã khất lần khất lượt, ít nhất là 3 lần về việc trả lại tiền cho khách hàng. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có khách hàng nào nhận lại được một xu từ Công ty Minh Viêt.

Theo danh sách thống kê chưa đầy đủ của khách hàng Tricon Towers, đã có khoảng 128 khách hàng ký hợp đồng mua bán căn hộ Tricon Towers từ những năm 2009, 2010, với tổng số tiền đã nộp cho chủ đầu tư lên tới khoảng 400 tỷ đồng.

Trong khi khách hàng như đang "ngồi trên đống lửa" thì vị Tổng Giám đốc lại biến mất một cách khó hiểu. Theo phản ánh của khách hàng, hồi tháng 7/2013 khi tìm đến trụ sở công ty này thì thấy vắng hoe, gần như không còn ai, chỉ có duy nhất một cô nhân viên làm việc. Một số hộ dân ở khu vực xung quanh cũng cho biết, cả tháng nay không thấy công ty hoạt động gì cả, đồ đạc đã được chuyển đi nơi khác.

Megastar Dominium Vĩnh Hưng vẫn là bãi đất trống

Sau 4 năm đóng tiền đặt cọc mua nhà tại dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng (409 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), khách hàng có nguy cơ mất trắng tiền tỷ vì dự án đến nay vẫn là bãi đất trống còn chủ đầu tư đã bị bắt giữ vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Megastar Dominium Vĩnh Hưng vẫn là bãi đất trống

Chủ đầu tư dự án nói trên là công ty Trách nhiệm hữu hạn kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, do ông Nguyễn Hoàng Long đã bị bắt hôm 7/5/2013 làm Chủ tịch hội đồng thành viên. Dự án nói trên được xây dựng trên khu đất 1,2 hecta, theo thiết kế sẽ có 25 tầng, khởi công từ năm 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, chậm nhất đến quý III/2011 sẽ bàn giao nhà cho khách.

Các khách hàng đóng tiền theo tiến độ, đợt đầu tiên là 30% giá trị căn nhà. Giá chào bán của dự án này là 12 triệu đồng/m2, nhưng thực tế, theo nhiều cư dân, họ phải trả thêm mức chênh 2-4 triệu đồng/m2 nên mức giá thực đội lên 14-16 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, nhiều người đã đóng được 2 đợt đặt cọc với tỷ lệ chiếm tới 50% giá trị căn nhà.

Bàn giao tiền đặt cọc hàng tỷ đồng nhưng không nhận được nhà, khách hàng bức xúc phản ánh qua nhiều phương tiện.

Trên nhiều diễn đàn, những khách hàng đã đóng tiền đặt cọc và mua nhà dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng đã tập hợp thành nhóm và cùng nghe ngóng tình hình với tâm trạng lo lắng, sốt sắng khi Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Vĩnh Hưng bị bắt tạm giam, khởi tố. Trong số này, đã có người mua một lúc 2 căn.

Số tiền đã đóng vào dự án này chưa biết ai sẽ trả lại cho khách hàng, còn số phận của dự án cũng chưa biết sẽ đi đâu về đâu.

Theo VTC
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo