Doanh nhân

5 xu hướng ảnh hưởng kinh tế thế giới năm 2016

Rất nhiều người kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu năm 2016 sẽ bớt đi những gam màu xám và thay vào đó là những sắc màu tươi sáng hơn. Trong đó, có 5 xu hướng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới 2016.

1. Yếu tố Mỹ

Với nền kinh tế châu Âu ì ạch, tăng trưởng nóng ở mức 2 con số của Trung Quốc đã là chuyện quá khứ, mức tăng trưởng được dự báo vào khoảng 2,5% - 3% của Mỹ trong năm 2016 sẽ là nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Thực tế, đến nay, Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới, điều này đồng nghĩa với việc các nền kinh tế lớn như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc phụ thuộc vào nhu cầu của Mỹ để phát triển.

Trong bối cảnh Trung Quốc nhận ra sự bắt buộc phải chuyển đổi mô hình nền kinh tế từ đầu tư và xuất khẩu sang chi tiêu, tiêu dùng, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phải dựa vào nhu cầu tiêu dùng của Mỹ trong năm 2016.

2. Trung Quốc tiếp tục chững lại

Trong nhiều năm qua, thế giới chứng kiến một Trung Quốc có tỷ lệ tăng trưởng nhanh gấp 3 lần nền kinh tế Mỹ dựa trên đầu tư lớn từ nguồn vốn nhà nước và xuất khẩu hàng hóa ồ ạt.

Nhờ đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới “lành lặn” vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giúp Chính phủ nước này lại có thêm tiền, tung ra các gói kích thích nhiều hơn nữa cho đầu tư để đạt được tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, con bài đầu tư này lại đẩy đến sự gia tăng các khoản nợ của cả chính phủ lẫn tư nhân. Điều này khiến mô hình kinh tế Trung Quốc buộc phải chuyển đổi. Chính phủ Trung Quốc dự báo GDP nước này sẽ vào khoảng 6,8% trong năm 2016 sau khi đã hạ xuống mức 6,9% năm 2015.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự nghi ngại về dự báo của Bắc Kinh và cho rằng GDP Trung Quốc chỉ vào khoảng 3%-4% trong những năm tới. Đồng thời nhận định, quá trình chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

3. Hàng hóa rẻ

Việc nền Trung Quốc kết thúc giai đoạn tăng trưởng nóng là một yếu tố khiến giá hàng hóa, trong đó có giá dầu, ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Theo Bloomberg, chỉ số giá hàng hóa đã sụt giảm 26% vào năm 2015. Khi Trung Quốc vẫn là nguồn cầu chính đối với phát triển cơ bản toàn cầu, giới quan sát nhận định giá hàng hóa sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2016.

4. Châu Âu với nỗi lo khủng hoảng

Trong khi nhiều người nghĩ rằng cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu đã trôi vào dĩ vãng thì thực tế, nó vẫn đang diễn ra. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vẫn ở mức 10,7%.

Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 5 của eurozone ở mức trên 21%. Tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp giảm chậm, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn phủ bóng châu Âu.

Chưa hết, tăng trưởng không đồng đều tại eurozone sẽ dễ nảy sinh những bất đồng, mâu thuẫn giữa các thành viên. Không người dân nước nào lại muốn phải chứng kiến mãi cảnh công sức lao động vất vả bỏ ra phải mang đi hỗ trợ, cứu tế các nước khác. Nếu châu Âu không cải tổ, tình hình không được cải thiện, nguy cơ về việc Anh hay Hy Lạp rời bỏ khối đang ngày một lớn.

5. Kỳ vọng mang tên Ấn Độ

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP của nền kinh tế Ấn Độ sẽ ở mức 7,3% trong năm tới. Năm 2016 sẽ là bước ngoặt với Ấn Độ và nhiều khả năng quốc gia Nam Á này vượt qua Trung Quốc và trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn chặn đà tăng trưởng nhưng vấn đề nhân khẩu học của Ấn Độ không gặp bất cứ trở ngại nào. Trong hơn 10 năm tới, lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ phát triển hơn nhiều so với Trung Quốc dù Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang nắm trong tay những lợi thế để giúp Ấn Độ có những chính sách kinh tế cởi mở hơn, thân thiện hơn, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

Doanhnhansaigon/Sài Gòn Đầu Tư

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo