872 giờ: Vì sao nộp thuế lại tốn nhiều thời gian đến thế?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong buổi gặp ngành thuế ngày 3-7 đã phải kêu “đau đầu” vì tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ thuế, đặc biệt thủ tục thuế rườm rà khiến mỗi doanh nghiệp, người dân phải mất đến 872 giờ/năm.
TS Nguyễn Minh Thảo, phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết:
Thời gian phải dành ra để làm các thủ tục thuế lên tới 872 giờ/năm là kết quả tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) thể hiện trên Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing bussiness) hằng năm.
Nó dựa trên các cơ chế, chính sách mà VN ban hành, đo lường số lần khai thuế doanh nghiệp phải thực hiện, số giờ phải bỏ ra để chuẩn bị, nộp hồ sơ và chi trả...
Chúng tôi đã có nghiên cứu về cách đánh giá này của WB và có so sánh từng chỉ tiêu với các nước lân cận. Kết quả, thời gian phải dành ra để nộp thuế ở VN thuộc dạng cao và có nhiều “nút thắt” chúng ta có thể cải cách được.
Thưa bà, tại sao lại lên tới 872 giờ? Nhiều ý kiến băn khoăn tại sao con số lại cao đến thế?
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 của WB, VN đang yêu cầu tới 32 lần khai, nộp thuế/năm trong khi mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương chỉ 25 lần.
Phân tích chi tiết hơn, chúng tôi thấy trong tổng 872 giờ có thể phân ra riêng thời gian để nộp thuế VAT cần tới 320 giờ, 335 giờ cho các loại thuế và đóng góp an sinh xã hội của người lao động, 217 giờ cho việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Sở dĩ thời gian cần để nộp thuế VAT nhiều như thế vì VN yêu cầu quá chi tiết trong hồ sơ khai.
Trước đây chúng ta yêu cầu doanh nghiệp khai, nộp mỗi tháng một lần thuế VAT (12 lần/năm), từ 1-7-2013 đã giảm xuống còn bốn lần nhưng các thủ tục và quá trình chờ đợi các thủ tục liên quan đến thuế VAT vẫn cao. Như cơ quan thuế đặt ra quy định cần tới 40 ngày để xử lý một số trường hợp doanh nghiệp yêu cầu hoàn thuế...
Nhưng ngành thuế giải thích 872 giờ là WB tính cả thời gian phải nộp các khoản cho bảo hiểm xã hội và bản thân họ đã cải cách rồi?
Chúng tôi có tìm hiểu thì thấy WB có tính cả thời gian nộp các khoản bảo hiểm xã hội vào thời gian nộp thuế. Tính toán tách ra thì thấy thời gian liên quan đến bảo hiểm xã hội là 335 giờ.
Đây đúng là con số cao, liên quan đến các quy định yêu cầu phải tuân thủ trong nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, rồi liên quan cả quy định giao người sử dụng lao động phải làm các thủ tục liên quan đến hoàn thuế thu nhập cá nhân...
Đó là cách tính của WB. Bản thân thời gian chỉ liên quan đến ngành thuế sau khi trừ thời gian liên quan đến bảo hiểm xã hội thực tế còn tới 537 giờ. Điều này cho thấy cùng ngành thuế, bảo hiểm xã hội cũng cần phải nghiêm túc vào cuộc để cải thiện tình hình.
Thời gian dành cho thủ tục thuế của doanh nghiệp VN so với các nước trong khu vực như thế nào, thưa bà? Nó ảnh hưởng ra sao đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp?
Nếu tính mỗi ngày làm việc tám tiếng, thì khoảng thời gian 872 tiếng tương đương tới 100 ngày làm việc. Đây là chi phí thời gian lớn của doanh nghiệp VN, trong khi thời gian để nộp thuế trung bình của các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương chỉ khoảng 208 giờ/năm, tức thấp hơn 4 lần.
VN đang yêu cầu tới bốn lần khai, nộp thuế VAT/năm, trong khi Thái Lan chỉ cần một lần. Tổng thời gian doanh nghiệp, tổ chức... phải dành ra để nộp thuế ở Thái Lan chỉ 264 giờ, bằng khoảng 25% so với VN. So với Malaysia, họ chỉ yêu cầu bốn loại giấy tờ để hoàn thành thủ tục nhập khẩu thì VN yêu cầu tám.
Ngoài ra, có tính toán nêu rõ chi phí cần thiết để hoàn thành thủ tục xuất khẩu một container của Malaysia chỉ 485 USD thì VN cần tới 600 USD! Rõ ràng, tất cả chi phí liên quan đến thuế, hải quan đều sẽ được tính vào giá thành. Thời gian cũng là tiền bạc của doanh nghiệp.
Vì vậy, với thời gian phải bỏ ra nộp thuế cao hơn hẳn, đương nhiên sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và đây là điều đáng tiếc.
Theo bà, để rút ngắn thời gian ngang bằng với các nước trong khu vực, ngành thuế VN phải cải cách mất bao lâu?
Chính phủ đã có nghị quyết 19/NQ-CP yêu cầu đến năm 2015 phải giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ/năm. Tại sao lại có con số trên? Đó là số giờ trung bình phải dành ra để nộp thuế của ASEAN 6, tức sáu nước ASEAN thuộc nhóm phát triển hơn, gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei và Philippines.
Tức là con số 171 giờ/năm nhiều nước trong ASEAN đã đạt và tiến sát rồi. VN cũng có thể tiến tới con số đó. Tuy nhiên, muốn đạt là khó, cần cả ngành thuế và bảo hiểm xã hội vào cuộc thật sự.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo