Phân tích

AFP viết về triển vọng xuất khẩu vải thiều của Việt Nam

(DNVN)-AFP đưa tin, theo các số liệu chính thức, khoảng 60% lượng vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nông dân trồng vải thiều Việt Nam đang hướng đến các thị trường tiêu thụ mới, với việc vải thiều đã được xuất khẩu lần đầu tiên sang Mỹ và Australia trong mùa vụ năm nay.

Phóng viên AFP đã đến hai vựa vải thiều lớn nhất Việt Nam là Bắc Giang và Hải Dương để tìm hiểm về tình hình xuất khẩu của loại trái cây nhiệt đới này.

Theo ghi nhận của AFP, một nhóm công nhân đang phân loại cẩn thận một đống vải thiều khổng lồ tại một khu đóng gói ở miền Bắc Việt Nam. Những trái đẹp nhất, tốt nhất sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ vải thiều lớn nhất của chúng tôi”, một thương lái phát biểu với hãng tin AFP tại một điểm thu mua vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang.

Các số liệu chính thức cho thấy, khoảng 60% vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đang hướng đến các thị trường mới, với việc lần đầu tiên trong năm nay trái vải thiều được xuất khẩu sang Mỹ và Australia. Thông qua việc xúc tiến hoạt động xuất khẩu sang các thị trường mới, Việt Nam hi vọng vải thiều sẽ được giá cao hơn và tìm kiếm được các thị trường ổn định hơn.

Các chuyên gia cho biết, lượng vải thiều xuất sang Mỹ và Australia ở mức thấp, chỉ tổng cộng khoảng 35 tấn, nhưng đây là một bước tiến quan trọng.

“Việt Nam có thể đạt được bước đột phá thực sự trong việc xuất khẩu vải thiều trong những năm tới”, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ phát biểu với hãng tin AFP.

Theo ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ - đơn vị xuất khẩu vải sang nước ngoài, nếu Việt Nam tập trung vào vấn đề an ninh thực phẩm và đáp được các tiêu chuẩn cao hơn của Mỹ và Australia thì “xuất khẩu chắc chắn sẽ đạt mức cao hơn trong năm tới”.

Ông Alex Alexopoulos, nhà nhập khẩu vải thiều đến từ Australia, nhận định, việc xuất vải Việt Nam sang Melbourne có lợi cho cả đôi bên. Theo ông, tốt nhất là nên vận chuyển mặt hàng này qua đường hàng không từ Việt Nam sang Australia, thậm chí việc phân phối mặt hàng này tại Australia cũng nên thực hiện thông qua vận tải hàng không thay vì xe tải để đảm bảo sản phẩm luôn được tươi ngon.

Nhà nhập phẩu Australia Alex Alexopoulos về trang trại vải tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương để tham khảo thị trường. – (Ảnh AFP)
Nhà nhập phẩu Australia Alex Alexopoulos về trang trại vải tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương để tham khảo thị trường. – (Ảnh AFP)

Việt Nam, quốc gia xuất khẩu lớn các sản phẩm cà phê, gạo và cá da trơn, đang dần dần quan tâm tới việc xuất khẩu trái cây ra nước ngoài. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu trái cây lớn thứ 8 châu Á, sau 3 “ông lớn” là Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.

Theo các số liệu chính thức, trái cây của Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ trong nước, tuy nhiên xuất khẩu đang ngày càng phát triển, theo đó giá trị xuất khẩu mặt hàng này đã tăng từ 622 triệu USD trong năm 2011 lên trên 1,4 tỷ USD trong năm 2014.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng 10 lần giá trị xuất khẩu trái cây trong những năm tới, trong đó nhãn, thanh long và vải thiều được ưu tiên hàng đầu.

Ông Robert Guillermo, chuyên gia về kiểm dịch thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhận định rằng, nói chung Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu trái cây.

"Theo thang điểm từ 1 đến 10, tôi cho họ 8 điểm. Xuất khẩu trái cây của Việt hiện rất tốt. Người dân lắng nghe ý kiến chúng tôi đưa ra”, ông nói thêm.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc mở cửa thị trường mới sẽ giúp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình để chủ động hơn và đạt nhiều hơn các lợi ích kinh tế”, ông Tuất nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam là một phần của Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại do Mỹ đứng đầu dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay. Và điều này có thể vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nông dân Việt Nam.

“Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng và giá cả sản phẩm. Đây sẽ là một thách thức”, ông Tuất nói.

 

Ông Nguyễn Hữu Đạt thuộc Phòng Bảo vệ Thực vật Việt Nam cho hay, vải thiều mà Việt Nam bán cho Mỹ hoặc Australia có mức giá cao hơn khoảng 20% so với mức giá bán cho thị trường truyền thống.

Cuối bài viết, AFP cho hay, xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. EU đã tạm thời ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam do lo ngại nhiễm khuẩn và gần đây nhất EU đã đưa ra cảnh báo về dư lượng kháng sinh trong tôm.

NM (Theo AFP)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo