Bất động sản

Ai được hưởng lợi từ gói 30.000 tỷ?

Ai sẽ được hưởng lợi khi gói hỗ trợ bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng sắp có hiệu lực?

(VTC) Sáng 15/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ký Thông tư hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP với Bộ Xây dựng. Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đã trả lời phỏng vấn xoay quanh vấn đề này.

- Thị trường bất động sản sẽ nhận được gói hỗ trợ trị giá 30.000 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ này?

Gói hỗ trợ này là bước khởi đầu rất đầu tích cực trong vấn đề giải quyết hàng tồn kho bất động sản mặc dù 30.000 tỷ đồng chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số hàng tồn kho bất động sản. Chỉ tính riêng gói này thì chưa giải quyết được vấn đề gì nhưng ít nhất nó là bước kích thích cho các bước tiếp theo, chương trình, kế hoạch tiếp theo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đó là điểm tích cực.

Tuy nhiên, theo tôi gói đó cần thiết nhưng chưa hoàn toàn đủ ở điểm lãi suất. Lãi suất cố định 6% cũng là loại lãi suất khá ưu đãi. Các ngân hàng hiện tại chưa ngân hàng nào có gói lãi suất tương tự.

Thế nhưng so với nền kinh tế phát triển thì gói tín dụng của nó, ví dụ bên Mỹ lãi suất 3,7%/năm, cố định 30 năm sẽ phát huy nhiều tác dụng hơn. Nếu Việt Nam làm được mô hình tương tự thì một gia đình có thể mua được căn nhà giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Và ở Việt Nam sẽ có nhiều gia đình như vậy.

Theo tôi, lãi suất cần cố định trong thời gian dài hơn. Nhưng nói chung, gói hỗ trợ hiện tại cũng rất ưu đãi. Đây là bước khởi đầu tích cực cho việc giải quyết các vấn đề bất động sản.

- Khi gói hỗ trợ này có hiệu lực, theo ông, ai sẽ là người được hưởng lợi?


Khi áp dụng gói hỗ trợ này, về nguyên tắc, dân chúng phải là người được hưởng lợi. Việc còn lại là các cơ quan chức năng sử dụng gói hỗ trợ đó thế nào để tránh cơ chế xin, cho, tránh các nhóm lợi ích dùng cách này hay cách kia hưởng lợi. Nếu loại trừ được cái đó, người dân là đối tượng được hưởng lợi. Và điều đó ai cũng mong muốn.

- Doanh nghiệp bất động sản cũng là đối tượng được hưởng lợi phải không thưa ông?


Doanh nghiệp bất động sản cũng là đối tượng được hưởng lợi. Bất động sản hưởng lợi ở chỗ gói hỗ trợ sẽ phần nào tháo gỡ hàng tồn kho ứ đọng.

Gói này áp dụng cho việc bán chung cư, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Mà đây cũng là một phần của hàng tồn kho bất động sản. Nếu tháo gỡ được phân khúc này, đây sẽ là bước tích cực trong thời điểm hiện tại. Dần dần, sẽ tháo gỡ sang các mảng khác.

- Lãi suất ban đầu của gói hỗ trợ 6%/năm nhưng hiện tại, nhiều ngân hàng cung cấp các gói tín dụng cho bất động sản với lãi suất rất thấp, thậm chí 0%/năm. Như vậy, liệu gói hỗ trợ 30.000 tỷ này có thể phát huy tác dụng được không?

Lãi suất thấp là một chuyện, thời gian áp dụng lãi suất lại là chuyện rất quan trọng. Bây giờ có nhiều ngân hàng chào mời các gói tín dụng có lãi suất thấp, thậm chí 0%/năm. Nhưng lãi suất này chỉ được áp dụng trong 1 năm đầu. Mấy chục năm còn lại, lãi suất được điều chỉnh theo thị trường. Thế là nguy rồi.

Thành ra, những ngân hàng nào đưa mức lãi suất thấp trong thời gian rất ngắn là tạo bẫy tài chính cho dân chúng. Sau 1 năm, khách hàng mới ngã ngửa, lãi suất không phải như vậy mà điều chỉnh theo thị trường.

Đây là cái bẫy tài chính mà mọi người nên quan tâm.

- Ngân hàng Nhà nước quy định, sau khi áp dụng mức lãi suất 6%/năm, định kỳ vào tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo. Lãi suất này bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm. Nhưng trên thị trường, các ngân hàng có mức lãi suất khác nhau, mỗi ngân hàng lại áp dụng từng mức lãi suất khác nhau với từng khách hàng. Như vậy có khó cho Ngân hàng Nhà nước khi tính lãi suất bình quân không?

Lãi suất tương lai không thể dựa vào một thông số thiếu tính khách quan mà phải dựa vào thông số có tính chất khách quan, ví dụ chỉ số giá tiêu dùng hay bất cứ thông số khách quan nào khác.

Lãi suất tương lai dựa vào 50% lãi suất cho vay bình quân các ngân hàng trên thị trường thì không ổn. Nếu các ngân hàng không điều chỉnh lãi suất, người dân sẽ phải chịu lãi suất cao.

Vì vậy, cần phải lấy chỉ tiêu nào đó ngoài hệ thống ngân hàng, ví dụ CPI làm cơ sở hoặc một lãi suất libor của thị trường tài chính thế giới có tính khác quan. Nếu dựa vào lãi suất ngân hàng, có lẽ chưa tạo được niềm tin cho người dân.

- Theo ông, gói hỗ trợ này có giúp thị trường bất động sản sôi động trong thời gian ngắn không?


Theo tôi, gói hỗ trợ này có thể giúp thị trường bất động sản sôi động trong thời gian ngắn. Tôi vừa nhận được thông tin thị trường bất động sản đang phản ứng tích cực với gói hỗ trợ. Đà giảm của bất động sản đang chững lại. Hiện tại tôi chưa kiểm chứng thông tin này.

Tuy nhiên, phản ứng thị trường nếu là một chủ trương lâu dài thì tốt, còn nếu là phản ứng tức thời, có lẽ mọi người nên cân nhắc khi giao dịch.

 

 

Bảo Linh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo