Doanh nghiệp

Ai giữ gìn thương hiệu quốc gia Việt Nam?

Trên những chuyến đi, ngay sau những lần tự hào giới thiệu “Tôi đến từ Việt Nam” và hỏi “Bạn đã đến Việt Nam chưa?”, thì trong chính tôi lại xuất hiện những câu hỏi tự dằn vặt mình “Thương hiệu quốc gia mình đang ở đâu?”, “Ai đang giám sát và giữ gìn nó?”.

Dù là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng cà phê của Việt Nam vẫn bị đánh giá là có chất lượng thấp. Ảnh: MINH KHUÊ

Thật không thể không lo ngại về hình ảnh Việt Nam trên thế giới, với tin tức hàng ngày trên báo như hiện nay. Không chỉ nhiều hình ảnh người Việt “xấu xí” đã được phản ánh, một số sản phẩm của Việt Nam xuất sang các nước đã bị tố cáo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều doanh nghiệp Việt bị tố cáo lừa đảo, làm ăn chụp giật. Một số dự án của nhà đầu tư Việt Nam cũng bị chỉ trích về những tác động tiêu cực tới người dân và môi trường tại các nước.

Có thể nói hoạt động doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp chính là kênh dễ nhất và quan trọng nhất để người dân các nước biết đến hình ảnh quốc gia. Trong quá trình tỉ mẩn đi tìm hàng Việt trên các kệ hàng ở siêu thị nước ngoài, tôi nhớ mãi câu chuyện với một cô bán hàng tại một thành phố nhỏ ở Na Uy. Khi được hỏi trong tiệm tạp hóa của cô có hàng hóa nào từ Việt Nam không, cô lắc đầu bảo không. Tuy nhiên, dù chưa từng đặt chân đến châu Á nhưng cô lại rất có cảm tình với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... qua từng sản phẩm mà cô dùng thường xuyên. Ngay cả ở nước ta, bất cứ người dân Việt Nam nào chắc cũng đều biết đến một nước Nhật Bản qua những sản phẩm chất lượng cao, những dự án đầu tư được tiến hành cẩn trọng và tính kỷ luật, chặt chẽ.

 Tạo dựng được thương hiệu quốc gia là điều rất khó, chung tay giữ gìn và phát huy nó cũng là không hề dễ dàng. Tất nhiên đó là trách nhiệm của mỗi một người dân nhưng trước hết phải là trách nhiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao, của từng doanh nghiệp và những tổ chức dân sự độc lập và tự nguyện.

 Giữ gìn thương hiệu quốc gia từ các tổ chức

Tôi nhớ mãi trong một chuyến công tác tại Thụy Điển, chúng tôi có dịp ghé thăm một tổ chức dân sự gọi là Swedwatch. Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận thành lập tại Thụy Điển có nhiệm vụ là giữ gìn hình ảnh của Thụy Điển tại các nước, đặc biệt là đầu tư của Thụy Điển tại các quốc gia đang phát triển.

Liệu đầu tư của các doanh nghiệp Thụy Điển có ảnh hưởng đến môi trường, phá hủy rừng tại các quốc gia mà họ đến làm ăn hay không? Liệu quan hệ lao động trong các doanh nghiệp mà Thụy Điển đầu tư đó có tốt hay không? Lương của người lao động có trả tương xứng hay không? Liệu nhà đầu tư Thụy Điển có tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế mà quốc gia này đã cam kết không...

Swedwatch sẽ tiến hành các điều tra và khảo sát độc lập, bí mật và sẽ cung cấp cho các nhà chức trách các thông tin về vi phạm của các doanh nghiệp để buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng. Không chỉ những doanh nghiệp Thụy Điển đầu tư trực tiếp mà cả những dự án mà doanh nghiệp Thụy Điển cung cấp thiết bị, công nghệ cũng nằm dưới sự giám sát này.

 Đọc một số báo cáo của tổ chức này, thấy không chỉ doanh nghiệp mà cơ quan ngoại giao của Thụy Điển cũng bị chỉ trích, nhắc nhở. Tất cả các hoạt động này là hướng đến việc giữ gìn hình ảnh của đất nước Thụy Điển, nhà đầu tư Thụy Điển.

Hình ảnh quốc gia không chỉ tác động trực tiếp đến kết quả, doanh số kinh doanh mà còn đảm bảo cho sự ổn định, an toàn của chính các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang làm ăn tại đó.

Thức gần trắng đêm nói chuyện với một người bạn, chủ nhà hàng người Việt tại một nước Bắc Âu, anh kể về việc vợ chồng anh đã mất ăn mất ngủ như thế nào khi thủ phạm một vụ giết người trong khu vực vốn rất bình yên này là một người gốc Á. May mắn thủ phạm này không phải là người Việt Nam. Dù không chịu sự phá hoại hay kỳ thị của một vài nhóm người cực đoan trong cộng đồng dân cư ở đó, nhưng việc này cũng đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu nhà hàng của anh trong nhiều tuần lễ.

Và từ trong mỗi doanh nghiệp

Một dịp tôi gặp một giáo sư nổi tiếng từ Đài Loan tham dự diễn đàn của các doanh nghiệp Đài Loan tại TPHCM. Liên quan đến vụ công nhân đập phá nhà xưởng một số doanh nghiệp Đài Loan trong vụ biểu tình chống Trung Quốc tháng 5 vừa rồi, thay vì trách móc người Việt như tôi hình dung, vị giáo sư này lại đặt nhiều câu hỏi trước một hội trường hàng trăm nhà đầu tư Đài Loan ngồi yên phăng phắc.

Tại sao doanh nghiệp Đài Loan đầu tư lâu ở Việt Nam rồi mà chưa làm cho người Việt Nam phân biệt được người Đài Loan và nhà đầu tư các nước khác? Tại sao doanh nghiệp Đài Loan chưa làm cho người Việt Nam hiểu rằng đầu tư của Đài Loan là có ích, là tích cực, là vô hại và an toàn? Điều này phải chăng thể hiện rằng cơ quan ngoại giao và ngay cả doanh nghiệp Đài Loan chưa làm hết trách nhiệm của mình? Mức độ liên kết của doanh nghiệp Đài Loan dù đã được đánh giá rất tốt nhưng cả vị giáo sư này và nhiều doanh nghiệp đều cho rằng sự liên kết của doanh nghiệp Đài Loan chưa tốt, cần đẩy mạnh hơn.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, những hoạt động xã hội, từ thiện của doanh nghiệp cũng rất quan trọng để tăng cường hình ảnh của một quốc gia cũng như tạo ra dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng. Trong một chuyến bay từ Thủ đô Seoul, Hàn Quốc về Hà Nội, một cô dâu Việt ngồi cạnh tôi đã xúc động và hào hứng kể cho tôi nghe về những điều tuyệt vời từ quỹ từ thiện ở Hàn Quốc trợ giúp cho nhiều cô dâu Việt Nam bên đó.

Ngoài việc trợ giúp về pháp lý khi họ gặp những vấn đề trong hôn nhân, họ còn quan tâm đến nỗi nhớ nhà của các cô dâu. Nếu cô dâu Việt Nam nào ở vùng đó mà hai năm sau khi cưới không có điều kiện về thăm quê sẽ được tài trợ vé máy bay miễn phí cả hai chiều đi về, thậm chí có cả tiền tiêu vặt khoảng gần mười triệu đồng Việt Nam trong thời gian ở quê nhà. Và tất cả những khoản kinh phí này đều do các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp và những tổ chức dân sự chuyên nghiệp quản lý.

Một nghiên cứu về đóng góp từ thiện của doanh nghiệp Việt Nam do VCCI và Quỹ châu Á thực hiện cách đây không lâu lại cho thấy một bức tranh khác. Hầu hết các hoạt động từ thiện, nhân đạo của doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện chủ yếu là những hoạt động truyền thống, theo vụ việc ngắn hạn (như trợ giúp người dân khi thiên tai, hoạn nạn...). Mức độ tin cậy và gắn bó giữa các doanh nghiệp và các tổ chức dân sự còn thấp và lỏng lẻo. Có rất ít doanh nghiệp đóng góp vào những hoạt động xã hội có tính chiến lược, có khả năng tạo ra những lợi ích xã hội dài hạn và bền vững.

 

TBKTSG
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo