Bất động sản

Ảm đảm thực trạng các doanh nghiệp xây dựng

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục làm ăn “thất bát” trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Nợ nần, thua lỗ

 
Tổng hợp số liệu các đơn vị cho thấy, kết quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm đều ở mức thấp, rất nhiều chỉ tiêu về giá trị sản xuất kinh doanh, giá trị đầu tư, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước đều thấp so với kế hoạch cũng như so cùng kỳ năm 2011.

 
Đơn cử giá trị sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam mới đạt 40,2% so với cùng kỳ, Tổng Công ty Xây dựng số 1 là 37,2% và Tổng Công ty Fico là 32,2%.

 
Theo ông Dương Khánh Toàn – Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2012, về cơ bản tiến độ các công trình trọng điểm nhà nước vẫn được đảm bảo tốt.

 
Tuy nhiên lợi nhuận của Tập đoàn đạt thấp do chi phí tài chính cao, một số nhà máy thiếu vốn, tình hình tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Hiện, công nợ dở dang đã lên đến 21.000 tỷ đồng, riêng công trình trọng điểm nhà nước 7.500 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư không có vốn để thanh toán.

 
Ông Nguyễn Đăng Nam – Chủ tịch Tập đoàn HUD cho biết, trong bối cảnh khó khăn kéo dài từ 2011, năm 2012, các doanh nghiệp phát triển đô thị nhà ở, đầu tư kinh doanh bất động sản tiếp tục đối mặt với khó khăn như lãi vay cao, khả năng tiếp cận nguồn vốn cực khó.

 
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng  băng kéo dài vì vậy Lãnh đạo tập đoàn đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 cho phù hợp tính thực tiễn, đảm bảo khả thi. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong quý II.
 

Theo đó, mặc dù các doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực, đồng loạt triển khai các giải pháp nhưng chỉ đạt 30-40% kế hoạch cả năm đề ra. Giá trị đầu tư đạt 29% kế hoạch năm, diện tích nhà ở được xây dựng đạt 27% kế hoạch năm, doanh thu đạt 41%, lợi nhuận trước thuế 27%, sau thuế 26%.
 

Còn lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng, tổng giá sản xuất công nghiệp chỉ bằng 98% so với cùng kỳ. Sản xuất và tiêu thụ đều đình đốn, lượng hàng tồn kho rất cao. Ví dụ xi măng đang tồn kho 0,4 triệu tấn trong khi công suất chỉ đạt 37,8% so với kế hoạch, kính xây dựng tồn kho khoảng 12 triệu m2, gạch ốp lát tồn kho khoảng 2,6 triệu m2. Nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất khai thác để tránh thua lỗ thêm.

 
Trước những khó khăn chồng chất, lãnh đạo các Tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng đã đồng loạt đưa ra các kiến nghị trong đó vấn đề chính vẫn là khơi thông nguồn vốn.

 
Cụ thể, Đại diện tập đoàn Sông Đà kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến với Chính phủ đảm bảo vốn thanh toán các công trình trọng điểm do nhiều chủ đầu tư đang phải chịu chi phí lãi vay cao. Bên cạnh đó, có cơ chế để các đơn vị trong tập đoàn thoái vốn ở các công ty sản xuất kinh doanh kém hiệu quả....

 
Tập đoàn HUD kiến nghị cần sớm có đưa ra các cơ chế mới như  tài trợ vốn để doanh nghiệp có tài sản thế chấp, đề nghị các ngân hàng áp dụng cơ chế tín dụng 2 chiều…
 

Cần tái cơ cấu


Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đưa nhiều định hướng chỉ đạo. Theo đó, yêu cầu doanh nghiệp bên cạnh việc tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, các doanh nghiệp phải tính toán hạ giá thành sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho, xử lý các khoản nợ đọng, nợ khó đòi, thu hồi công nợ ở các công ty con, công ty cháu trong Tập đoàn, Tổng công ty, lấy vốn để tái sản xuất đầu tư.
 

Cơ cấu lại các khoản nợ hình thành từ nguồn huy động vốn ngắn hạn, trung hạn, lãi suất cao sang nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp, chi phí vốn thấp.
 

Song song với đó, xây dựng quy trình, xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, quản trị thương hiệu. Tái cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh chính, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính, chuyển đổi cơ cấu kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa.

 
Tập trung tái cơ cấu tổ chức, tái cơ cấu tài chính theo hướng sắp xếp, hình thành một số công ty con có quy mô lớn, làm nòng cốt và giữ vai trò dẫn dắt, giảm bớt các doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ thấp, tránh cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp trong cùng Tập đoàn, Tổng công ty.
 

Thoái vốn nhà nước ở những lĩnh vực không hiệu quả, không phải là ngành nghề kinh doanh chính, kiên quyết sáp nhập, giải thể, phá sản các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài.

 

 

Theo VnMedia

 

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo