Doanh nhân

Ăn cá sắt để phòng chống thiếu sắt

Cá sắt Lucky Fish đang trở thành một phát minh vĩ đại có thể cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới khỏi nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt trong thành phần dinh dưỡng

Cá sắt Lucky Fish - con cá bằng sắt do bác sĩ người Canada Christopher Charles phát kiến nhằm bổ sung chất sắt trong các bữa ăn cho người dân tại những nơi kém phát triển, giúp ngăn chặn nhiều căn bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người do thiếu máu, thiếu sắt.

Theo thống kê, trên thế giới có xấp xỉ 2 tỷ người bị thiếu máu, tương đương với 1/3 dân số thế giới. Đồng thời, 3,5 tỷ người đang bị thiếu sắt  trầm trọng. Việc thiếu chất sắt dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm như thiếu máu, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ và trí thông minh, suy giảm miễn dịch.... tạo điều kiện cho các loại bệnh tấn công cơ thể.

Do đó, giải pháp của bác sĩ Christopher Charles rất đơn giản là "dùng một con cá bằng sắt để bổ sung sắt vào thực phẩm hàng ngày của người dân". Thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng đây lại là một cuộc cách mạng giúp cứu sống rất nhiều người trên thế giới.

"Chỉ cần cho con cá vào xoong nước hoặc súp rồi nấu sôi trong 10 phút, sau đó vớt con cá ra, cho thêm một ít chanh để quá trình hấp thu sắt dễ dàng hơn. Một con cá bằng sắt có thể cung cấp cho toàn bộ thành viên trong gia đình 75% lượng sắt cần thiết mỗi ngày trong suốt 5 năm" - bác sĩ Christopher Charles cho biết.

Một con cá sắt hiện có giá 25 USD. Bạn chỉ cần rửa sạch con cá bằng xà phòng và nước sạch, làm khô và cất giữ để tái sử dụng ở lần tới. Nếu con cá có dấu hiệu bị gỉ thì chỉ cần dùng bàn chải hoặc lau nó đi là vẫn có thể sử dụng bình thường.

Trong dự án thí điểm tại Campuchia, đất nước có tỷ lệ thiếu sắt trong người dân rất cao, 2500 người đã được sử dụng cá sắt Lucky Fish. Sau 12 tháng, kết quả cho thấy một nửa những người tham gia đã thoát khỏi tình trạng thiếu máu chỉ với 3 lần ăn cá sắt mỗi ngày. 

Kết quả khả quan ở Campuchia giúp bác sĩ Charles hy vọng có thể tiếp tục nhân rộng và phổ biến cá sắt Lucky Fish đến với nhiều người hơn, đặc biệt là tại các nước nghèo nhằm ngăn chặn bệnh tật, nâng cao chất lượng sức khỏe và đời sống con người.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo