An ninh khu vực bị đe dọa nếu Trung Quốc xây căn cứ ở Trường Sa
|
Hoạt động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Inquirer |
Nhận định trên được cựu cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Roilo Golez đưa ra trong cuộc phỏng vấn với kênh ABS-CBN News hôm qua.
Theo ông Golez, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có đủ khả năng để xây dựng một đảo nhân tạo với căn cứ quân sự rộng 5 km2 ở bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Có khả năng sẽ có một đường băng dài một dặm. Bãi đá sẽ giống như một sân bay, có các phương tiện hỗ trợ, có bến đỗ cho tàu. Nó có thể hỗ trợ và tái tiếp tế cho các tàu chiến", ông Golez nói. "Đường băng dài là mối đe dọa rất lớn vì các chiến đấu cơ Trung Quốc có thể hạ cánh tại đây. Tôi đang nói đến các chiến đấu cơ J-11 do Trung Quốc sản xuất có phạm vi hoạt động 2.000 dặm (hơn 3.000 km)".
Theo chuyên gia này, một khi căn cứ quân sự trên hoàn thành, các máy bay Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cập toàn bộ Philippines, Việt Nam và nhiều vùng của Malaysia nằm trong bán kính hơn 1.600 km.
"Đây sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi", ông Golez nói. "Trong vòng 2-3 năm tới, căn cứ này sẽ là một tàu sân bay không thể chìm". Qianzhan.com, một trang tin tức quân sự và năng lượng của Trung Quốc, trước đó ước tính chi phí xây dựng căn cứ quân sự mới của Trung Quốc là khoảng 5 tỷ USD.
Ông Golez cho rằng Trung Quốc luôn đi theo con đường xây dựng các nhà trú tạm thời cho ngư dân ở các vùng biển tranh chấp rồi sau đó mới biến chúng thành các công trình và đồn trú kiên cố. Điều này từng xảy ra trên bãi Vành Khăn, cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Golez nhận định những động thái gần đây của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là một cách để Bắc Kinh củng cố sức mạnh trên Biển Đông và "biến nó thành cái ao của họ".
"Họ muốn củng cố và tăng cường tuyên bố chủ quyền của mình, cái được họ gọi là đường 9 đoạn. Họ muốn thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương vì quyền lực thống trị hiện nay vẫn là Mỹ. Trung Quốc đang thách thức điều đó", ông nói.
Hồi cuối tháng 5, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này dự tính xây đảo nhân tạo gần đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến hôm 7/6, các chuyên gia hải quân Trung Quốc cho hay hòn đảo nhân tạo có thể sẽ được xây dựng trên bãi Chữ Thập. Trung Quốc chiếm giữ trái phép các bãi này từ năm 1988.
End of content
Không có tin nào tiếp theo