Ăn xin là nghề?
Xung quanh việc thực hiện Quyết định số 49 của UBND TP.HCM về việc tập trung người xin ăn vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội để xác minh địa chỉ cư trú rồi cho hồi gia, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khẳng định: Những người giả dạng bán báo, bán vé số, bán nhang… để ăn xin, chúng tôi sẽ tiến hành tập trung.
Có ăn xin là có chăn dắt
. Phóng viên: Thưa ông, ông có thể khái quát bức tranh người lang thang xin ăn ở TP.HCM?
+ Ông Lê Chu Giang: Trong quá trình tập trung người xin ăn, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp có tổ chức chăn dắt đưa người già, trẻ em từ các tỉnh vào TP.HCM đi ăn xin nhưng rất khó xử lý đối tượng chăn dắt vì thiếu chứng cứ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới nếu phát hiện các đối tượng chăn dắt tổ chức xin ăn thu lợi bất chính, Sở sẽ đề nghị chính quyền địa phương các quận, huyện phối hợp cơ quan chức năng điều tra và sẽ phải xử lý, khởi tố cho được vài trường hợp chăn dắt để hạn chế những tổ chức ăn xin này.
. Thường thì người xin ăn thường giả dạng lận theo vài tờ vé số lẻ, vài bịch tăm bông. Họ chỉ đi xin ăn nhưng khi cơ quan chức năng tới thì họ chìa vé số, tăm bông ra để nói rằng họ đang bán hàng. Làm sao nhận dạng, phân biệt để tập trung đưa họ vào trung tâm hỗ trợ xã hội?
+ Để xác định chính xác là người ăn xin, chúng tôi sẽ tiến hành chụp ảnh để làm căn cứ xác định, nhờ những người dân ở xung quanh làm nhân chứng…
Đối với những người bị bệnh, băng bó chân tay nằm ngoài đường… để tạo cảnh thương tâm nhằm xin tiền thì chính quyền địa phương các quận, huyện cũng sẽ có nhiều cách để xác định có đúng bị bệnh hay không, nếu bị bệnh thật sẽ tạo điều kiện cho họ chữa bệnh, còn nếu giả dạng sẽ xử lý theo quy định.
Không lo bỏ rơi người cơ nhỡ
. Thưa ông, cần có những giải pháp gì để hạn chế người ăn xin tại TP.HCM?
+ Theo tôi, nếu tiến hành những giải pháp đồng bộ sẽ hạn chế được rất lớn người lang thang xin ăn ở địa bàn TP.HCM. Khi phát hiện người lang thang xin ăn, chúng tôi sẽ làm công tác tuyên truyền, đấu tranh tư tưởng để họ hiểu được chủ trương của TP.HCM. Nếu người lang thang xin ăn thuộc tỉnh, thành nào thì sẽ trao đổi với gia đình để yêu cầu làm cam kết hoặc phối hợp Sở LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương đó tạo điều kiện cho họ làm ăn phát triển kinh tế để họ có đời sống ổn định thì sẽ không quay lại TP.HCM ăn xin nữa. Tôi nghĩ người Việt Nam ai cũng có lòng tự trọng, do đó vấn đề người lang thang ăn xin nếu làm quyết liệt cũng sẽ cơ bản được giải quyết.
. Nếu không cho tiền người ăn xin, người dân lo có thể họ đã bỏ rơi những người thật sự cơ nhỡ…?
+ Đối với những người không may, người cơ nhỡ vào TP.HCM nếu mất tiền, mất giấy tờ… hay vì lý do nào đó thì cũng được tạo điều kiện ăn ở tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội (463 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) vài ngày trong thời gian chờ xác minh và hỗ trợ tiền đi đường để cho về quê.
. Xin cám ơn ông.
Ông LÊ HOÀNG VÂN, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM: Giáo dân, Phật tử nên cho tiền đúng địa chỉ cần giúp Ban Tôn giáo TP được yêu cầu làm việc và đề nghị các tổ chức tôn giáo (Thành hội Phật giáo, Tòa Tổng giám mục TP…) phối hợp thực hiện chủ trương giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng; phổ biến đến giáo dân, Phật tử, người có đạo đồng thuận với chủ trương của TP là “không cho tiền người xin ăn”. Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này của UBND TP và sẽ phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để cùng phổ biến xuống các chùa, nhà thờ, các cơ sở tôn giáo để vận động người dân làm theo. Đại đa số Phật tử, giáo dân quan niệm có cho đi để làm được phước. Hiện nay Phật tử đã chuyển hướng dần cách cho tiền trực tiếp người ăn xin, thay vào đó là nấu cơm từ thiện phát trực tiếp cho người nghèo, người thật sự cần miếng ăn; xây nhà tình thương, hỗ trợ các điều kiện sống, trao quà tặng, học bổng cho những nhà thật sự nghèo. TM ghi Có thể thấy ăn xin ở TP.HCM đã là cái nghề và nghề này lại luôn sống được với nhiều biến tướng. Những đối tượng đi ăn xin có nhiều cách để người dân phải tự động cho tiền. Tôi lấy ví dụ ở một quán ăn, người thứ nhất đến xin tiền rồi thứ hai, thứ ba, thực khách cũng không cho nhưng đến người thứ tư thì bực quá nên phải cho tiền để không bị làm phiền nữa, như vậy là bị “dính” kế. Nhiều kẻ chăn dắt lợi dụng lòng trắc ẩn của người dân nên thường bắt những cụ già, ốm yếu đi ăn xin hoặc cho trẻ em uống thuốc ngủ để bồng bế lê lết ngoài đường, có như thế mới được càng nhiều tiền. Đáng nói, đồng tiền do ăn xin mang lại còn khiến cả cha mẹ nhẫn tâm cho cả con ruột uống thuốc ngủ để đưa đi ăn xin… Ông VÕ TRUNG TÂM, Chánh văn phòng |
HOÀNG TUYẾT thực hiện
End of content
Không có tin nào tiếp theo