Angela Merkel là một ngoại lệ xuất sắc
"Thủ tướng Angela Merkel có thể là chính trị gia quyền lực nhất ở châu Âu, nhưng bà hiếm khi tỏ ra là người quá nghiêng về lối lãnh đạo táo bạo. Trong các hoạt động chính trị ở cả trong và ngoài nước và đặc biệt là trong suốt cuộc khủng hoảng eurozone, phong cách của nữ thủ tướng là để cho mọi thứ dần dần phát triển một cách thận trọng. Bà đã né tránh quan điểm bao quát chung chung, trì hoãn các quyết định bất cứ khi nào có thể và thường xuyên phản ánh (chứ không phải là người tạo nên) các quan điểm của công chúng. Liên minh châu Âu đã phải trả một cái giá khá đắt cho sự khéo léo của bà. Họ đã khiến khủng hoảng ở eurozone trầm trọng hơn và kéo dài hơn dự tính.
Xét trong bối cảnh nói trên, phương pháp tiếp cận của bà Merkel với cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu rất đáng chú ý. Khi những dòng người đến từ châu Phi và các nước Trung Đông tới các hòn đảo của Italy và Hy Lạp, những trạm xe lửa ở phía Đông châu Âu cũng như những trại tị nạn, Thủ tướng của nước Đức đã dũng cảm đứng lên. Bà phê phán kịch liệt tâm lý bài ngoại, cho biết nước Đức sẵn sàng tiếp nhận thêm người tị nạn Syria và đặt nền móng cho một giải pháp của châu Âu trước vấn đề nhức nhối.
Dòng người tị nạn được Đức đón nhận
Ngày 31/8, bà Merkel đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết, cảnh báo rằng đối với tương lai của EU mà nói, cuộc khủng hoảng người tị nạn này sẽ để lại những hậu quả còn tệ hơn cả khủng hoảng kinh tế. “Nếu châu Âu không thể giải câu đố về người tị nạn, đó không phải là châu Âu mà chúng ta vẫn mong ước”, bà nói. Merkel đã đúng. EU được sinh ra sau một cuộc chiến tàn khốc với lời hứa về sự đoàn kết để đương đầu với áp bức và bất công. Cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ năm 1945 là một phép thử cho các giá trị của châu Âu, và về khả năng làm việc theo nhóm của các nước thành viên. Rõ ràng những người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc nội chiến ở Syria và Iraq đang cần đến sự giúp đỡ, và các nước châu Âu chỉ có thể cung cấp sự giúp đỡ ấy nếu cùng chia sẻ trách nhiệm.
Thủ tướng Angela Merkel đã thể hiện sự quyết đoán của mình trong việc đón nhận người tị nạn
Điều đó có nghĩa là châu Âu phải cùng phản ánh. Không may là dù kiểm soát biên giới là một vấn đề chung, di cư và chính sách cho người tị nạn vẫn là vấn đề riêng của từng quốc gia. Theo luật, người tị nạn sẽ phải đăng ký tị nạn ở nước châu Âu đầu tiên mà họ đặt chân đến, thường là Italy hoặc Hy Lạp. Tuy nhiên, những nước này đã bị quá tải trước làn sóng người tị nạn quá đông đảo. Đồng thời, hầu hết người tị nạn tiến về phía Bắc, hướng tới Đức, Anh hoặc các nước Scandinavi. Và, điều này cũng không quá khó nhờ hệ thống visa Schengen của EU vốn cho phép tự do đi lại giữa 26 nước thành viên trừ Anh.
Theo một cách nào đó, sự chênh lệch này khiến người ta nhớ đến những gì đã diễn ra trong quá khứ. Trong khủng hoảng Eurozone, đồng euro là của chung nhưng nợ lại là vấn đề của mỗi quốc gia đơn lẻ. Giờ đây, chính sự thiếu thống nhất lại gây trở ngại cho chính sách nhập cư. Sự khác biệt là lần này bà Merkel đang tiên phong thúc đẩy châu Âu đi đến một giải pháp toàn diện – một hệ thống giải quyết làn sóng người tị nạn với sự tham gia của tất cả các thành viên khối Schengen. Nếu không có hệ thống này, du lịch xuyên biên giới ở châu Âu sẽ không bền vững và đây là bước lùi cho một châu Âu thống nhất. Một số lãnh đạo khác của châu Âu đang đi ngược lại với bà Merkel. Thủ tướng Anh David Cameron viện dẫn một thỏa thuận với EU là lý do để giới hạn số lượng người tị nạn được nhập cư vào đây. Nhiều chính trị gia Đông Âu lại dựa vào tinh thần bài ngoại để từ chối chào đón những người tị nạn.
Bà Merkel cũng bị tác động bởi những lo ngại trong nước. Đức dự tính sẽ tiếp nhận tối đa 800.000 người tị nạn trong năm nay (nhiều hơn bất cứ quốc gia EU nào khác) và sự phản đối trong các cử tri đang lớn dần lên. Tuy nhiên, mong muốn chia sẻ gánh nặng không nên bị nhầm lẫn với sự ích kỷ. Trong cuộc khủng hoảng mà châu Âu không có gì để tự hào, cách lãnh đạo của bà Merkel là một ngoại lệ xuất sắc."
End of content
Không có tin nào tiếp theo