Doanh nhân

Angela Merkel và Theresa May: Sức mạnh của "bóng hồng"

Bà Theresa May đã trở thành nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Vương quốc Anh, sau khi ông David Cameron thất bại trong việc giữ nước này ở lại Liên minh Châu Âu (EU). Và một trong những trọng trách của bà trong thời gian tới là tiến hành đàm phán với EU về Brexit.

Dù là nữ tướng thứ hai của Anh sau bà đầm thép Margaret Thatcher - người thuộc trường phái bảo thủ kinh điển đã có nhiều đóng góp quan trọng để kết thúc chiến tranh lạnh  và là một nhà cải cách kinh tế - bà Theresa May đang được so sánh nhiều hơn với bà Angela Merkel, người được mệnh danh là "Nữ hoàng châu Âu".

Đàm phán EU - Anh sắp tới được dự báo sẽ không nhẹ nhàng, bởi có khá nhiều điểm tương đồng trong phong cách lãnh đạo của hai "bóng hồng" sẽ ngồi ở ghế đối lập này.

Nắm quyền ở thời điểm khó khăn nhất

Sự so sánh bắt đầu khi hai người phụ nữ này trở thành đối tác đàm phán về Brexit. Nếu bà Merkel có tiếng nói rất quan trọng khi là nhà cầm quyền lâu đời nhất tại nền kinh tế mạnh nhất châu Âu thì Theresa May là đối trọng sẽ khiến cả châu Âu thay đổi vì Brexit.

Cả hai được biết đến như những người có phong cách lãnh đạo không khoan nhượng và xu hướng chính trị thực dụng là chìa khóa quan trọng đưa họ thăng tiến trong chính trường. Hai người phụ nữ khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải e dè đã "lên ngôi" vào thời điểm đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất.

Bà Merkel nắm quyền ở Đức vào năm 2005 khi nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Cựu Thủ tướng Helmut Kohl sau khi dẫn dắt đất nước suốt 16 năm đã trở thành nghi can trong vụ bê bối tài chính liên quan đến các quỹ đen. Khủng hoảng khiến gần 13% người Đức thất nghiệp. Nhờ vào chính sách kinh tế Liên minh Dân chủ Xã hội của bà Merkel được thông qua, kinh tế dần hồi phục, cho đến tháng 6 vừa rồi, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này còn 5%.

Theresa May và Angela Merkel

Theresa May và Angela Merkel - biểu tượng sức mạnh của "bóng hồng" - Nguồn: Newsweek, Telegraph

Như bà Merkel đã làm vào năm 2005, bà May trở thành thủ tướng khi đất nước gặp nhiều khó khăn ngay sau Brexit, đảng phái chính trị trong tình trạng hỗn loạn, gần một nửa đất nước còn hoang mang, thất vọng về những gì vừa diễn ra và cả những điều chưa đến, doanh nghiệp Anh đối mặt với những tổn thất khó đong đếm được...

Hai nhà chính trị - đạo đức thực thụ

Bà Merkel đã lãnh đạo đất nước hơn 10 năm và vẫn chưa lộ diện người kế thừa xứng đáng. Mức độ tín nhiệm đối với Merkel vẫn đạt đến 60% dù 1 triệu người nhập cư ồ ạt kéo vào Berlin khiến bà nhận không ít chỉ trích trong một năm qua.

Bà May và Merkel đều là con của giáo sĩ Tin lành, nhưng nền tảng tôn giáo không ảnh hưởng đến các chính sách của họ. Với việc chào đón những người tỵ nạn, bà Merkel đã thực hiện một mệnh lệnh đạo đức, như được thành lập trên các giá trị tôn giáo hơn là một nhà chính trị bảo thủ.

Và phía bên kia, dù phản đối quyết liệt chính sách nhập cư của Đức, bà Theresa May vẫn luôn phấn đấu cho bình đẳng xã hội, những cải cách dựa trên lợi ích dân tộc cho thấy sâu thẳm trong "nữ hoàng băng giá” này không phải chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, BBC bình luận.

"Người đàn bà thép" hay "Nữ hoàng băng giá” là từ ngữ được dùng để nói về hai nữ tướng này. Chính trường nhắc đến cả hai về những quyết sách táo bạo thay vì đề cập đến sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo của một nữ giới so với người đồng cấp nam giới. Dù vậy, những đôi giày sành điệu của bà Theresa May đối lập với mái tóc đơn giản, trông như một nhà khoa học của bà Angela Merkel đã trở thành đề tài so sánh của truyền thông về phong cách của hai nữ tướng.

Đương kim Thủ tướng Đức và Thủ tướng Anh đều giữ kín đời sống riêng tư trước báo giới nhưng vẫn dễ dàng nhận ra cả hai bà đều không có con. Dù vậy, những người Đức vẫn gọi bà Merkel với một cái tên thân mật "mutti", nghĩa là mẹ. Trong khi đó, người đồng cấp tại Anh suýt để việc không có con gây khó khăn cho sự nghiệp khi một ứng cử viên thủ tướng là bà Andrea Leadsom từng được cho là lựa chọn tốt hơn chỉ bởi vì bà ấy có con. Nhưng bà May vẫn được biết đến như một nhà tiên phong trong nữ quyền.

"Tôi luôn đấu tranh cho phụ nữ trong chính trị, lĩnh vực mà phụ nữ luôn gặp nhiều cản trở", Telegraph dẫn lời tân Thủ tướng Anh.

Những quân bài lật ngược

Lớn lên trong nền tảng Xô viết ở Đông Đức và là một nhà vật lý, bà Merkel sở hữu phong thái lãnh đạo điềm đạm, từ tốn đến mức trong từ điển tiếng Đức xuất hiện một từ mới để diễn tả sự chậm rãi: "merkeln". Bà không bao giờ phản ứng tức thời những gì người khác chỉ trích. Mọi thứ sẽ được trả lời vào một ngày cuối tuần hay cuối tháng.

Sự "bình chân như vại" này của bà trở thành một đề tài chỉ trích của những nhà phê bình chính trị vì cho rằng đã đưa đất nước vào "chế độ ngủ đông" suốt một thập kỷ. Thế nhưng bà vẫn tại vị cho đến nay, sau bốn đời thủ tướng Anh.

Bà Merkel cũng thể hiện sự linh hoạt trong các quyết sách, đôi khi đi ngược lại quyết định của chính bà trước đó. Từng ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển năng lượng hạt nhân, thế nhưng chỉ vài ngày sau thảm họa Fukushima gây chấn động thế giới 2011, người cầm quyền Đức tuyên bố đóng cửa nhà máy hạt nhân ở nước này.

Quyết định được đưa ra cùng với những rủi ro cao về chính trị, kinh tế, nhưng bà vẫn kiên quyết không thay đổi, bất chấp những lời chỉ trích.

Tương tự, năm ngoái, khi chính sách cho nhập cư tự do của bà mang đến nguy cơ về khủng bố, thất nghiệp cho nước Đức, Merkel đã nhanh chóng tiến hành đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

Bà Merkel luôn thể hiện lập trường chính trị rõ ràng, biết cách thể hiện quyền lực của nhà cầm quyền tối cao với những quyết sách có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Và người ta cũng thấy ở nữ tướng này sự linh hoạt với những thay đổi chiến thuật vào đúng thời điểm.

Người đồng cấp tại số 10 Downing cũng sở hữu những "quân bài ngược" khá ấn tượng. Trong những tháng vừa qua, bề ngoài người ta thấy một bà May cố gắng bày tỏ sự trung thành với Cameron cùng cuộc vận động ở lại EU, nhưng ở thời điểm quyết định, một Theresa May ủng hộ Brexit cũng lộ diện. 

Cuối cùng, cả hai người phụ nữ này đều đã có những chiến thắng quan trọng trước những người đàn ông quyền lực để trở thành nhà cầm quyền của những nền kinh tế lớn. 

Biên Thành/Doanhnhansaigon

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo