Phân tích

Áp cơ chế tỷ giá mới sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ kiếm lời

(DNVN) - Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, cách thức điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các tổ chức tín dụng cũng như các doanh nghiệp... Bên cạnh đó, việc áp cơ chế tỷ giá mới này còn làm giảm tình trạng đầu cơ kiếm lời.

Ngày 31/12/2015 vừa qua, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, tỷ giá tính chéo của VND với một số loại ngoại tệ khác. 

Theo đó, thay vì công bố một mức tỷ giá cố định trong thời gian dài như trước đây, từ đầu năm 2016, hàng ngày, NHNN công bố tỷ giá trung tâm làm cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong biên độ quy định. 

Tỷ giá trung tâm có thể biến động hàng ngày theo cả hai chiều lên xuống, được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. 

Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, việc tỷ giá thay đổi theo ngày không tạo ra sự chênh lệch lớn sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ kiếm lời. Ảnh minh họa.

Bên cạnh việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, vào thứ năm hàng tuần (hoặc ngày làm việc liền kề trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ), NHNN công bố tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế trên trang thông tin điện tử của NHNN.

Trả lời trên SBV về việc áp cơ chế tỷ giá mới ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng, việc đổi mới trong cơ chế điều hành tỷ giá là bước đi cần thiết và quan trọng đối với thị trường và đối với quá trình hội nhập của Việt Nam. 

Với cơ chế điều hành lần này sẽ giúp tỷ giá có điều kiện được phản ánh đầy đủ hơn các yếu tố thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại đầu tư, vay và trả nợ lớn với Việt Nam. Đồng thời, cơ chế này sẽ phản ánh được định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Vì vậy cơ chế tỷ giá có thể nói linh hoạt theo thị trường quốc tế nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định cần thiết để phát triển thị trường bền vững và lành mạnh.

Về tác động của cơ chế điều hành này đối với doanh nghiệp, ông Thọ cho rằng, cơ chế này có tác động tích cực đến các doanh nghiệp, các TCTD và người dân. Nó giúp cho các doanh nghiệp và các TCTD chủ động nhiều hơn so với cơ chế điều hành tỷ giá trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ. Cơ chế này sẽ khuyến khích các thành viên tham gia thị trường ngoại tệ có điều kiện để áp dụng rộng rãi hơn các sản phẩm phái sinh, trong đó có sản phẩm mua bán kỳ hạn ngoại tệ. Đây cũng là thông lệ tốt của thị trường quốc tế đặc biệt trên thị trường tài chính và thị trường hàng hóa. “Vì vậy, chúng tôi tin tưởng cơ chế này giúp thị trường hoạt động lành mạnh hơn và tiệm cận nhanh hơn với thị trường tài chính thế giới”, ông Thọ nhận định.

Tổng Giám đốc VietinBank cũng phân tích, về nguyên tắc, theo tính toán của NHNN, tỷ giá trung tâm đã được phản ánh những yếu tố cung cầu của thị trường cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, liều lượng của nó được phản ánh vào đó như thế nào còn tùy thuộc vào yếu tố thứ 3 – mục tiêu điều hành của chính sách tiền tệ. Nhà điều hành sẽ phải quyết định liều lượng của từng yếu tố để đảm bảo tỷ giá phản ánh được nhu cầu, cung cầu ngoại tệ cần thiết trên thị trường mà vẫn đảm bảo sự ổn định, không tạo ra cú sốc cho nền kinh tế. Và cũng giúp cho hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp xuất khẩu có thể cạnh tranh tốt nhất trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn, các đối tác cũng điều chỉnh tỷ giá linh hoạt. Đồng thời tỷ giá cần cân đối các khoản vay nợ nước ngoài, hàng hóa nhập khẩu để không có ảnh hưởng quá lớn đến khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

 

Ông Lê Đức Thọ cho biết, tại Vietinbank, ngân hàng này đã triển khai ngay cơ chế mới, khách hàng cũng hết sức phấn khởi khi cơ chế này tạo ra sự linh hoạt cần thiết cho các doanh nghiệp. Rõ ràng với cơ chế này, các doanh nghiệp rất chủ động trong việc quyết định các hoạt động kinh doanh liên quan đến ngoại tệ của mình.

Cũng đánh giá về vấn đề này, TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, thay đổi mới của NHNN bắt kịp theo xu hướng thế giới, cung cầu ngoại tệ biến đổi theo ngày, có tăng, có giảm. Đây là cách thức quản lý mới, tích cực hơn, rất có lợi cho người kinh doanh ngoại tệ. Mặt khác, việc tỷ giá thay đổi theo ngày không tạo ra sự chênh lệch lớn sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ kiếm lời”.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét: “Phương thức thả nổi có quản lý của NHNN rất phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước hiện nay. Với cách thức này cả ba bên, gồm NHNN, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cần phải bám sát thị trường, tính toán khoa học và có sự điều chỉnh thường xuyên hơn”.

Theo ông Lực, ngoài việc tính toán tỷ giá hằng ngày, NHNN cần phối hợp tốt hơn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cân đối kinh tế vĩ mô theo hướng có lợi nhất. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa ngoại hối quốc gia, sớm phát triển thị trường chứng khoán phái sinh. Các ngân hàng cũng phải coi việc dự báo, phân tích thị trường là công việc cập nhật thường xuyên và cần nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm. Đối với doanh nghiệp, sẽ điều hành kinh doanh theo cơ chế thị trường nhiều hơn, nhưng cũng là thách thức bởi doanh nghiệp sẽ phải coi việc dự báo, nhận định thị trường, kiểm soát rủi ro là công việc hằng ngày.

Ngày 4/1/2016, ngày đầu tiên áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được xác định ở mức 21.896 VND/USD, tăng 6 đồng so với tỷ giá do NHNN công bố ngày 31/12. Qua đánh giá sơ bộ, thị trường nhìn chung bình tĩnh đón nhận thay đổi mới, thanh khoản thị trường ngoại tệ vẫn bình thường, tỷ giá tương đối ổn định quanh mức 22.500 VND/USD, thấp hơn khoảng 40-50 VND/USD so với tỷ giá trần, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng tiếp tục được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

 

 Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sáng (5/1), tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với đôla Mỹ áp dụng cho ngày 5/1/2016 tăng 11 đồng lên 21.907 đồng/USD. Với biên độ +/-3%, giá trần và sàn USD trong ngày mà các ngân hàng được phép áp dụng tương ứng là 22.564 đồng/USD – 21.250 đồng/USD. 

Trong ngày 4/1 - ngày đầu áp dụng điều hành cơ chế chính sách tỷ giá mới theo tỷ giá trung tâm, NHNN đã tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng vào đầu ngày thêm 6 đồng/USD so với mức cũ được duy trì trong 4 tháng nay, giá USD lên 21.896 đồng/USD. Cộng với biên độ tỷ giá duy trì ở mức +/- 3%, giá trần và sàn USD trong ngày 4/1 mà các ngân hàng được phép điều chỉnh lên lần lượt là 22.552 đồng/USD và 21.239 đồng/USD. Giá USD trong ngày được các ngân hàng điều chỉnh tăng giá từ 20 - 40 đồng/USD.

Như vậy, trong hai ngày áp dụng chính sách tỷ giá mới, tỷ giá đã tăng tổng cộng 17 đồng/USD. Tuy nhiên, đến 9h sáng 5/1, tỷ giá trên hệ thống vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức tương đương như công bố ngày hôm trước: Vietcombank niêm yết USD ở mức 22.470- 22.540 đồng/USD, Vietinbank niêm yết ở mức 22.465-22.535 đồng/USD, Eximbank niêm yết ở mức 22.450- 22.540 đồng/USD, BIDV niêm yết ở mức 22.470-22.540 đồng/USD mua vào và bán ra…

VĂN HUY (SBV)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo