Áp giá sàn máy bay là phi kinh tế thị trường
Mới đây, hãng hàng không Jetstar Pacific đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét và áp dụng mức giá sàn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, Jetstar đề xuất lấy chi phí vận hành trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây quy định giá sàn. Chi phí này bao gồm những chi phí cơ bản, trực tiếp liên quan đến phục vụ khai thác một chuyến bay và cơ bản giống nhau giữa các hãng cho cùng một loại máy bay (không bao gồm các chi phi gián tiếp như chi phí quản lý, bán hàng…). Với cách tính này, dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay giao động từ 29-34% giá trần.
Trong khi đó, theo đề xuất của hãng hàng không Vietnam Airlines, hãng này đề xuất giá vé hạng phổ thông thấp nhất cho một chuyến bay nội địa là 1,54 triệu đồng, cao nhất là 4,2 triệu đồng.
Lý giải cho việc đề xuất này, theo Vietnam Airlines là do chi phí nhiên liệu và tỷ giá tăng trong khi doanh thu trung bình chia theo hành khách giảm 4 năm liên tiếp. Cụ thể, doanh thu trung bình chi theo hành khách năm 2013 là hơn 1,63 triệu đồng, 2014 còn hơn 1,58 triệu đồng và giảm xuống lần lượt 1,48 triệu và 1,3 triệu trong hai năm tiếp theo.
Về việc tăng mức giá trần, Vietnam Airlines cho biết giá nhiên liệu và tỷ giá USD đang có chiều hướng tăng khiến cho mức phí bình quân trên mỗi ghế cung ứng cao hơn thời điểm tháng 9/2015. Thêm vào đó, Vietnam Airlines đã triển khai đầu tư đội tàu bay mới A350/B787 hiện đại, cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn bốn sao và dự kiến triển khai khoang dịch vụ phổ thông đặc biệt.
Vietnam Airlines cũng tính toán nếu tăng giá vé 5% so với hiện tại và áp dụng giá sàn như đề nghị thì ước tính doanh thu sẽ tăng thêm khoảng 2.500 tỷ đồng sau 1 năm thực hiện.
Các đề xuất trên của các hãng hàng không vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp hàng không và các chuyên gia kinh tế. Theo các chuyên gia, với đề xuất này người tiêu dùng sẽ đặc biệt lo ngại việc tiếp cận dịch vụ hàng không giá rẻ sẽ trở nên khó khăn, đồng thời cơ hội mua vé giá rẻ sẽ trở nên mong manh.
Trao đổi với PV Doanh Nghiệp Việt Nam, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, hiện Nhà nước quy định giá trần bởi hiện nay chỉ có 3 hãng hàng không hoạt động. Nếu như trước đây, Vietnam Airlines chiếm thị phần rất lớn lên tới gần 90% thì hiện nay 2 đối thủ Jestar Pacific và Vietjet chiếm xấp xỉ 80% thị phần, chính vì vậy buộc Nhà nước phải quy định giá trần.
Theo quy định, nếu một sản phẩm nào đó có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, đối với ngành hàng không hiện có 2 doanh nghiệp, Nhà nước có thể quy định giá trần và giá sàn. Tuy nhiên, theo luật định chỉ quy định giá trần trong điều kiện đó là doanh nghiệp bán, để doanh nghiệp không được lợi dụng vị thế độc quyền của mình nâng giá lên, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Còn đối với doanh nghiệp mua giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước mới quy định giá sàn để tránh việc sản phẩm bị mua với giá thấp hơn, gây thiệt hại cho người sản xuất.
Theo ông Long, đối với lĩnh vực hàng không được xếp vào doanh nghiệp bán, cụ thể là bán sản phẩm dịch vụ vận chuyển, do đó đối với những doanh nghiệp này không thể quy định giá sàn mà phải quy định giá trần.
Với con mắt chuyên gia kinh tế, ông Long cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp muốn áp giá sàn là bởi lo ngại không thể cạnh tranh được nếu hãng khác tung ra mức giá dịch vụ thấp hơn. Tuy nhiên, theo ông, việc áp giá sàn làm hạn chế khả năng khuyến khích cạnh tranh, hạn chế khả năng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp. Đề xuất quy định giá sàn là hoàn toàn phi kinh tế thị trường, phi thể chế, không phù hợp với cơ chế thị trường, không đúng với quy định trong Luật Giá.
Ông cho biết, theo quy định về nguyên tắc quản lý giá trong Luật Giá năm 2012 thì Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Như vậy, trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giám sát chất lượng chứ không phải là quyết định giá bán của các hãng hàng không. Cạnh tranh chính là đòn bẩy để cải tiến chất lượng, người tiêu dùng sẽ được lợi so với việc áp giá sàn. Do đó, cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, theo ông Long, các hãng hàng không đề xuất áp giá sàn vé máy bay là một hành vi hạn chế cạnh tranh, hạn chế giá rẻ, không có lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu áp giá sàn vé máy bay thì sẽ làm giảm đáng kể tính cạnh tranh giữa các hãng hàng không, đề xuất này chỉ có tác dụng bảo hộ cho một số hãng hàng không mà đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng cạnh tranh bình đẳng trong Luật Cạnh tranh.
Tại cuộc họp sáng 7/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định không bao giờ đặt lợi ích cho một hãng hàng không hay một doanh nghiệp nào mà trước hết phải là lợi ích của người dân. "Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là không bao giờ đặt lợi ích cho một hãng hàng không hay một doanh nghiệp nào mà trước hết phải là lợi ích của người dân, quan trọng nhất là đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo tính cạnh tranh, lợi nhuận đi đôi với chất lượng dịch vụ, mọi doanh nghiệp kinh doanh đều phải bình đẳng, thượng tôn pháp luật", người đứng đầu Bộ Giao thông khẳng định. Ông Nghĩa cũng nói thêm, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay. Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm. Công việc của quản lý nhà nước là kiểm tra kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mại có đúng không, cách thức triển khai đã đúng quy định của pháp luật chưa?”, ông Nghĩa nói. “Hiện ngành hàng không đang tăng trưởng nóng vì thế thời gian tới, vai trò quản lý nhà nước về hàng không phải phát huy hơn nữa, trong đó có việc quy định về giá dịch vụ, cần thu đúng, thu đủ, từ đó mới có nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng...", vẫn lời vị tư lệnh ngành giao thông vận tải. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo