Doanh nhân

Áp lực của Virginia Rometty

Hoài nghi là tâm trạng của nhà đầu tư tại cuộc họp của IBM với giới chuyên gia phân tích giữa tháng 5/2014. Tại cuộc họp, tập đoàn công nghệ này vẫn cam kết giữ chỉ tiêu 20 USD lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) vào năm 2015. Thế nhưng, mặc cho lời hứa này, giá cổ phiếu của IBM vẫn giảm gần 2%, tiếp nối đà giảm kể từ khi Tập đoàn báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2014 đầy thất vọng hồi tháng 4.

 

Bà Virginia Rometty, Tổng Giám đốc IBM

Tính ra, kể từ cuộc họp với giới phân tích hồi tháng 2/2013 cho đến nay, cổ phiếu IBM đã giảm khoảng 6% so với mức tăng 30% của chỉ số chứng khoán Nasdaq Composite. Diễn biến giá cổ phiếu IBM cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi Tập đoàn đã có dấu hiệu loạng choạng trong thời gian gần đây.

 

Bộ phận phần cứng của Tập đoàn đã báo cáo mức lỗ hoạt động 507 triệu USD năm ngoái và lỗ tiếp tục 660 triệu USD trong quý I năm nay. Nhìn chung, lợi nhuận của IBM năm 2013 đã giảm 1% còn 16,5 tỉ USD trong khi doanh thu giảm 5%, còn khoảng 100 tỉ USD. Điều đáng chú ý là quý I năm nay, IBM đã báo cáo mức doanh thu hằng quý thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Đảo ngược lại kết quả này là thách thức lớn mà Virginia Rometty, Tổng Giám đốc IBM, đang đối mặt.

Loạng choạng

Xưa nay, IBM có tiếng là một công ty luôn tạo ra tốc độ tăng trưởng EPS ổn định. Trong hơn 1 thập kỷ qua, IBM đã tăng EPS tới 11% mỗi năm, thậm chí khi doanh thu chỉ tăng 2%.

Trong năm 2011, kỷ lục này đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, vốn trước đó tuyên bố không muốn dính dáng đến cổ phiếu ngành công nghệ. Tỉ phú Warren Buffett đã đầu tư gần 11 tỉ USD vào IBM, tương đương hơn 6%, trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn công nghệ này.

Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng EPS này đang có dấu hiệu chững lại. EPS đã giảm hơn 15% trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm ngoái khi IBM báo cáo mức giảm doanh thu quý thứ 8 liên tiếp.

 

Các hệ thống và công nghệ (lợi nhuận trước thuế)

Trước những lo ngại về tăng trưởng doanh thu trong tương lai, bà Rometty đã trấn an hôm họp với giới phân tích hồi giữa tháng 5 vừa qua rằng “tăng trưởng vẫn ở đúng phân khúc” trong đó bao gồm các lĩnh vực đang nóng sốt như đại dữ liệu và đám mây.

 

Dù vậy, triển vọng tăng trưởng doanh thu ở những lĩnh vực đang nóng sốt nói trên không thể kéo cả cỗ máy khổng lồ IBM vận hành nhanh chóng. Tập đoàn cho biết đã thực hiện 43 thương vụ thâu tóm kể từ đầu năm 2010, nhưng doanh thu chỉ tăng trưởng hơn 4% trong cùng thời gian đó. Để tạo ra mức tăng trưởng doanh thu hằng năm 10%, buộc IBM phải tìm doanh số bán mới ở những thị trường mà các đối thủ lớn của nó đang bành trướng mạnh mẽ.

Đây sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn. Một bằng chứng rõ ràng nhất là khi cuối năm ngoái, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã ký hợp đồng thực hiện trung tâm dữ liệu trị giá 600 triệu USD với đối thủ mà ít ai nghĩ tới: nhà bán lẻ trực tuyến Amazon.

“Việc một cơ quan chính phủ nổi tiếng về an ninh thông tin lại chọn nhà cung cấp là một công ty về internet tiêu dùng đã khiến cho nhiều khách hàng phải đặt dấu hỏi đối với vai trò của IBM”, Toni Sacconaghi, chuyên gia phân tích ngành máy tính tại Sanford C Bernstein, nhận xét.

“Bạn không bao giờ bị sa thải vì mua dịch vụ của IBM” từ lâu là một câu thần chú của các nhà quản trị công nghệ thông tin không thích rủi ro. Nhưng ngày nay, theo Steve Milunovich, một chuyên gia phân tích công nghệ tại UBS ở New York, khách hàng có thể nghe một điệp khúc khiến IBM phải “rùng mình” là “Không ai bị sa thải vì mua của Amazon”.

Lý lẽ của Rometty

“IBM tự làm mới mình cứ mỗi thập kỷ và Tập đoàn đang làm điều đó một lần nữa. Chúng tôi sẽ là người dẫn đầu như đã từng trước đây”, Rometty cho biết.

Để làm mới mình, Rometty đã thúc đẩy nhanh việc “tháo bỏ” định kỳ các bộ phận có biên lợi nhuận giảm nhằm tái định vị Tập đoàn ở các mảng tạo ra biên lợi nhuận cao nhất. “Với 100 tỉ USD doanh thu, bạn phải không ngừng đổi mới mình”, bà nói.

Mặc dù nỗ lực này đã giúp IBM tiến gần đến mục tiêu EPS như đã cam kết với nhà đầu tư nhưng niềm tin của Phố Wall vào đường hướng của tập đoàn này đang bị lung lay. Doanh thu và dòng tiền đã giảm vào năm ngoái khi doanh số bán máy tính và khách hàng tại các thị trường như Trung Quốc và Brazil cắt giảm chi tiêu.

Điều đó khiến nhà đầu tư băn khoăn liệu những cải thiện về lợi nhuận có bền vững. Theo ông Sacconaghi, hầu hết mức tăng EPS trong những năm qua đều đến từ việc cắt giảm chi phí hoặc mua lại cổ phiếu quỹ, trong khi rất ít đến từ việc tiến quân vào các lĩnh vực kinh doanh mới có biên lợi nhuận cao.

Thậm chí, một số ý kiến cho rằng việc cắt giảm chi phí liên tục nhằm đạt mục tiêu lợi nhuận đã làm tổn hại đến tình hình kinh doanh của IBM. Những lời chỉ trích này đã khiến bà Rometty cảm thấy mệt mỏi: “Tôi không biết mình sẽ làm gì nữa - Tôi đã không làm gì chứ?”.

Bà nhấn mạnh IBM vẫn đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển: “Mức đầu tư của chúng tôi giờ là hơn 6% doanh thu. Đó là một con số tuyệt vời rồi và từ lâu nay vẫn duy trì như thế”, bà nói.

Hiện tại, bà Rometty đặt kỳ vọng vào đại dữ liệu, tức ý tưởng giúp khách hàng thu thập, lưu trữ và phân tích thông tin với mục tiêu đưa nó trở thành mảng quan trọng nhất của IBM. Đối với tất cả các công ty, bà nói “thông tin - nói rõ hơn là phân tích thông tin - sẽ là nền tảng của lợi thế cạnh tranh”.

IBM từng chuyển hướng thành công dưới thời của 2 CEO tiền nhiệm là Lou Gerstner và Sam Palmisano, trở thành tập đoàn dịch vụ công nghệ hàng đầu. Nhưng cuộc chuyển hướng lần này dưới thời của Rometty có thành công hay không thì không ai dám chắc.

Một điều chắc chắn rằng, sức ép của Rometty đang ngày càng lớn. Bởi lẽ, từ khi bà đảm trách vị trí CEO vào đầu năm 2012, cổ phiếu IBM gần như không tăng không giảm trong khi chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA) đã tăng hơn 30%.

Năm ngoái, cổ phiếu IBM là “kẻ thất trận” duy nhất trong nhóm 30 cổ phiếu thuộc chỉ số DJIA. Đó là điều nhà đầu tư không hề muốn thấy ở một cổ phiếu đầu ngành công nghệ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo