Bà chủ thủy sản mê làm giàu từ cây chùm ngây
Khá phổ biến ở các nước trên thế giới, nhưng cây chùm ngây (có tên khoa học là Moringa Oleifera) ít được chú ý tại Việt Nam. Đây lại là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu hấp dẫn cho chị Phan Thị Tuyết Mai, tổng giám đốc một công ty hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản ở TP HCM.
Từ nhỏ, chị Phan Thị Tuyết Mai gắn bó với cây chùm ngây qua những lần nhìn thấy cha và ông bà của mình sử dụng cây này làm thuốc và chữa bệnh cho bà con hàng xóm. Với chị, ý tuởng ban đầu về cây chùm ngây chỉ đơn giản là tặng hạt giống, hướng dẫn cách trồng trong những chuyến đi từ thiện, tặng nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh cho hộ nông dân nghèo. Tuy nhiên, cứ 9 trong số 10 người được nhận giống lại đặt câu hỏi “Trồng chùm ngây liệu có ai thu mua không?” Từ câu chuyện thực tế này, chị Mai, xuất thân từ một kỹ sư hóa cũng là chủ doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản gần 27 năm, quyết định tìm đầu ra cho loại cây này với quy trình kiểm soát chặt, kép kín từ trang trại.
Một kg lá thu mua tại vườn khoảng 20.000 đồng, người trồng có thể mang về 2,5-3 triệu đồng một tháng trên diện tích 1.000 mét vuông. Trong khi đó, lá chùm ngây tươi bán bên ngoài thị trường có giá từ 70.000 đến 100.000 đồng một kg.
Cây chùm ngây là loại rễ củ dễ trồng, không đòi hỏi nhiều nước tưới, phù hợp thời tiết nắng, không kén đất và thu hoạch ngắn. Khi cây đâm rễ, đủ cứng cáp, bắt đầu đào lỗ trên đất trồng kích cỡ rộng và sâu gấp đôi chậu nhựa, ứng với mỗi lỗ đào cách nhau 1,5-2 mét. Cây chùm ngây 3 tháng tuổi bắt đầu cho thu hoạch, cây cao 60cm bắt đầu cắt ngọn, sau 6 tháng cây cao 2 mét là thời gian thu hoạch chính, trung bình cho từ 500 gram đến 900 gram lá tươi trên một cây mỗi tháng.
Cây chùm ngây sau 6 tháng là thời gian bắt đầu thu hoạch chính |
Khi chuyển sang mục đích thương mại, chị Mai mạnh dạn lập công ty chuyên trồng và phát triển các sản phẩm từ cây chùm ngây. Vào năm 2010, chị cải tạo trang trại 20ha tại Đồng Nai, canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và thực hiện theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap) với mục tiêu đưa hàng hóa xuất ra nước ngoài. “Tôi chỉ là người dẫn đường về cách làm từ cây chùm ngây để người tiêu dùng biết được ứng dụng của nó trong cuộc sống nhiều hơn chứ không đơn thuần là trị bệnh”, chị Mai nói.
Vào tháng 4 năm 2011, công ty của chị cho ra mắt lần đầu loại trà chiết xuất từ lá chùm ngây. Sau khi tìm hiểu trên mạng, sách báo, tài liệu về chùm ngây, chị nhận thấy ở Mỹ có sản phẩm chùm ngây chủ yếu dạng thuốc viên, Ấn Độ làm thành bột hay nấu canh. Phillipines, Malaysia sử dụng chùm ngây để nấu cà ri, làm trà hoặc thực phẩm chức năng. Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới bán với nhiều hình thức chế biến, chị Mai nghĩ phải tìm ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình mới mong tồn tại và sản xuất lâu bền. “Sau đó, tôi liên tục tìm kiếm ý tưởng, trực tiếp làm và nghiên cứu để tìm ra sản phẩm mà cả người già lẫn trẻ em đều ăn được”, chị tâm sự. Đến năm kế tiếp, công ty lần lượt cho ra đời mì gói, bánh cookie, cháo ăn liền, riêng mỹ phẩm được làm từ hạt cây chùm ngây. Trong số khoảng hơn 20 loại sản phẩm, mì chính là dòng chủ lực.
Đây là một trong những công đoạn của quy trình sản xuất mì, là sự kết hợp giữa mì truyền thống và tinh chất lá từ cây chùm ngây. |
"Ngay trong năm 2012, nhờ kênh phân phối được thừa hưởng từ công ty thủy sản và cũng đúng thời điểm đối tác có nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch nên tôi tranh thủ giới thiệu mì chiết xuất từ lá chùm ngây và họ có ý định hợp tác ngay”, chị Mai nhớ lại.
Để xuất thành công lô mì gói đầu tiên sang Đức, Đan Mạch, trong suốt 4 tháng, chị tiến hành kê khai các thông tin, nguyên liệu xuất xứ đầu vào, như bột mì lấy từ đâu, dùng loại dầu nào để chiên… và dịch ra một số ngôn ngữ Anh, Đức, Đan Mạch. Đây là cửa ải khó qua với doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng vào châu Âu khi tuân thủ các yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. “Điều chúng tôi có được từ thương vụ này là có mối quan hệ với siêu thị hàng đầu ở châu Âu, nhưng quan trọng hơn hết là thương hiệu mì Việt chính thức có trên kệ tại thị trường khó tính này”, chị Mai chia sẻ.
Sau đợt giao dịch đầu tiên, công ty đã nhận được đơn hàng liên tục với số lượng gấp nhiều lần so với trước đó. Chị Mai cho biết công ty vừa đóng mấy container mì xuất sang châu Âu trong tháng này, một container tương đương 3.300 thùng và mỗi thùng có 30 gói. Mới đây, khách hàng từ Thụy Điển đặt hàng trà và bánh cookie được xuất sang Nhật.
Chị Mai chia sẻ, chỉ tính riêng chi phí đầu tư trang trại đã tốn hơn chục tỷ đồng, chưa kể các khoản đầu tư bao bì giấy sản phẩm theo hướng công nghệ xanh, xây dựng nhà xưởng… 2 năm đầu chịu lỗ, nhưng đến năm 2013 công ty huề vốn và có lãi. "Số tiền bỏ ra không hề nhỏ, nhưng vì xác định mục tiêu rõ ràng và bản thân rất yêu quý cây chùm ngây nên tôi cứ cố gắng làm, dù thất bại cũng chấp nhận”, chị Mai trải lòng.
Hiện tại, trang trại của chị Mai có 2 kỹ sư phụ trách trồng trọt và 3 nhân viên, còn ở nhà máy có khoảng 10 người, phần lớn đều tự động hóa. Đầu năm nay, công ty mở một cửa hàng trưng bày sản phẩm chùm ngây ở quận Bình Thạnh, TP HCM để thực khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức. Chị cũng dự định tập huấn cho nông dân trồng chùm ngây vì cần mở rộng việc thu mua nguyên liệu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chị cùng cộng sự nghiên cứu xong dầu gội đầu, dầu tắm từ chùm ngây và có thể ra mắt trong năm nay.
Theo nguồn Trung tâm sức khỏe toàn cầu Johns Hopkins, Đại học Johns Hopkins, Mỹ, Moringa có chứa 18 trên tổng số 22 axit amin cần thiết cho cơ thể. Tiến sĩ Noel Vietmeyer, Viện khoa học hàn lâm quốc gia Mỹ cho rằng, mặc dù hiện nay còn khá ít người nghe về Moringa, nhưng loài cây này sẽ sớm trở thành một trong những cây có giá trị nhất thế giới, ít nhất là từ khía cạnh nhân đạo. Lá chùm ngây là thực phẩm chức năng quý dành cho bà mẹ thiếu sữa và trẻ em suy dinh dưỡng. Với người cao tuổi, uống nước từ chùm ngây thay trà mỗi ngày sẽ giúp an thần, ngủ sâu, kích thích tiêu hóa, giảm cholesterol, thanh nhiệt và giải độc. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo